Kinh tế Hà Nội vững vàng trước bủa vây của đại dịch Covid-19
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên78.300 DN thành lập mới và DN quay trở lại
Theo báo cáo vừa công bố của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2021, tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động đạt 78.300 DN, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng trong tháng 5-2021, Hà Nội có 2.238 DN đăng ký thành lập mới, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; đồng thời có 644 DN đăng ký hoạt động trở lại, tăng 51%.
DN thành lập mới sẽ được thành phố hỗ trợ phí công bố nội dung đăng ký DN, phí chuyển phát nhanh kết quả thủ tục hành chính về đăng ký DN, hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn cho DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến...
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy, tổng số DN trên địa bàn TP là 281.228 DN, bình quân cứ 38 người dân Thủ đô/ DN, cao gấp 3,8 lần mức bình quân chung của cả nước. Số lượng DN vừa và nhỏ đa số là DN tư nhân chiếm trên 97,2% số DN trên địa bàn.
Các DN tư nhân của Hà Nội không ngừng phát triển, đổi mới, đóng góp hơn 40% GDP cho TP. |
Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2021, có khoảng 900 DN hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Trong đó, có khoảng 300 DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội; chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực CNHT hàng năm tăng trên 11%.
Hướng tới lộ trình xa hơn, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội phấn đấu có thêm 150.000 DN thành lập mới. DN nhỏ và vừa phấn đấu đạt được các chỉ tiêu: Tạo thêm khoảng 1,5 triệu việc làm mới cho người lao động; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực DN nhỏ và vừa chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô; đóng góp trên 40% tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) và trên 30% ngân sách TP.
Cùng với đó, củng cố, nâng cấp các mô hình sản xuất tập trung, liên kết sản xuất hiện có để phát triển hình thành khoảng 10 cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thuộc 5 ngành tiềm năng phát triển gồm: Công nghệ thông tin; công nghiệp điện tử; cơ khí chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm.
Trong khuôn khổ đề án, TP cũng sẽ hỗ trợ ít nhất 500 DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thuộc các ngành: Công nghệ thông tin; công nghiệp điện tử; cơ khí chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thành công.
Kinh phí để thực hiện đề án là 957,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP hỗ trợ 832,5 tỷ đồng; đối ứng của các tổ chức, cá nhân 125,1 tỷ đồng.
Nhiều giải pháp hỗ trợ DN kịp thời
Ngay ở thời điểm này khi Hà Nội thực hiện liên tiếp hai đợt giãn cách để phòng chống dịch Covid-19 nền kinh tế của TP vẫn trụ vững, các gói an sinh xã hội cho người dân và DN vẫn được chú trọng. Để có sự chủ động này, ngay thời điểm đầu năm, lãnh đạo TP đã cho triển khai nhiều chính sách hợp lý, thiết thực hướng tới DN. Trong đó phải kể đến Quyết định số 5742/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành.
Theo đó, có 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ thực hiện đề án trên, gồm: Hỗ trợ chung cho các DN nhỏ và vừa; hỗ trợ cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, DN nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ theo cơ chế của Hà Nội.
Thông qua các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, TP phấn đấu đạt mục tiêu: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN gia nhập thị trường, góp phần cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của DN nhỏ và vừa, phấn đấu tốc độ phát triển DN mới bình quân khoảng 10%/năm (bình quân khoảng 30.000 DN mới/năm), phấn đấu giai đoạn 2021-2025, TP có thêm 150.000 DN thành lập mới.
Tiếp theo là Kế hoạch số: 49/KH-UBND được UBND TP ban hành ngày 1-3-2021 về phát triển CNHT năm 2021 với mục tiêu: Khuyến khích phát triển CNHT và nâng cao năng lực các DN CNHT của Hà Nội; Tập trung phát triển các lĩnh vực CNHT dựa trên nhu cầu và lợi thế phát triển của Hà Nội, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Hà Nội và cả nước, bao gồm 03 lĩnh vực chủ chốt là: sản xuất linh kiện phụ tùng, CNHT phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và CNHT cho ngành dệt may - da giày; Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; Thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực CNHT nhằm gia tăng số lượng và chất lượng DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT; Nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CNHT tại Hà Nội.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Mạnh Hưng, không chỉ bây giở mà ngay từ đầu năm 2020, UBND TP Hà Nội đã có những chính sách quan tâm đến DN khu vực tư nhân. Cụ thể nhất là Công văn số 367/UBND-KT, ngày 5-2-2020, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã… triển khai kế hoạch phát triển bền vững DN khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hành động rõ nhất, TP đã thực hiện tư vấn, hướng dẫn miễn phí cho DN thực hiện thủ tục về đăng ký DN; tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự DN; hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng đề tài khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; hỗ trợ cung cấp thông tin và mở rộng thị trường.
Cũng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Mạnh Hưng, sự đầu tư của UBND TP Hà Nội vào khối DN tư nhân hoàn toàn đúng hướng. Các DN tư nhân của Hà Nội không ngừng phát triển, đổi mới, đóng góp hơn 40% GDP cho TP, cũng như tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động.
Trụ vững trong đại dịch, tới đây, thích nghi với hoàn cảnh mới, vừa sản xuất, vừa chống dịch, cả hệ thống chính trị của Thủ đô cùng các DN sẽ có nhiều hướng đi mới, luôn đảm bảo vị thế của một TP trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa… đứng đầu của cả nước.
Trong Kế hoạch 5 năm UBND TP Hà Nội đã đưa ra mục tiêu phát triển mới, phát triển từ 2 - 3 khu công nghiệp; hoàn thành, khởi công trong giai đoạn này 43 cụm công nghiệp; phát triển, xây dựng, thành lập mới thêm 46 cụm công nghiệp nữa để đạt trên địa bàn TP đủ 159 cụm công nghiệp theo kế hoạch đã được phê duyệt. Giai đoạn 2021 - 2025, nếu lấp đầy 43 cụm công nghiệp; thành lập mới 46 cụm công nghiệp, Hà Nội sẽ có gần 100 cụm công nghiệp mới trong giai đoạn 2021-2025 và 3 khu công nghiệp nữa sẽ thu hút các DN đầu tư trên địa bàn, kể các DN trong nước, DN FDI. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại