Thứ hai 29/04/2024 20:44
Viết tiếp bài "Kỳ lạ vụ án đường giao thông biến thành đất khai hoang ở Hòa Bình"

Kiến nghị thành lập đoàn thanh tra làm rõ nguồn gốc đất đai

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Báo cáo về nguồn gốc thửa đất đứng tên vợ chồng ông Sơn, bà Hòa của UBND xã Thanh Sơn gửi tới UBND huyện Lương Sơn, Hòa Bình vẫn chưa làm rõ được nguồn gốc thửa đất. Mặt khác, hồ sơ này có dấu hiệu không tuân thủ đúng quy trình và thủ tục pháp lý về việc cấp giấy chứng nhận QSD đất.
Văn bản chỉ đạo làm rõ nguồn gốc đất của UBND huyện Lương Sơn. Ảnh: N.S.
Văn bản chỉ đạo làm rõ nguồn gốc đất của UBND huyện Lương Sơn. Ảnh: N.S.

Một thửa đất có tới 3 cách nhìn về nguồn gốc?

Tại Bản án số: 06/2020/DS-PT ngày 22/4/2020 của TAND tỉnh Hòa Bình đã chỉ rõ một loạt vi phạm về tố tụng của cấp sơ thẩm là TAND huyện Lương Sơn: “Cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ nguồn gốc đất tranh chấp trước khi thu hồi của ông Thát để làm đường thì diện tích là bao nhiêu và sau khi làm đường thì diện tích còn lại bao nhiêu và chưa xác minh làm rõ thủ tục cấp giấy chứng nhận QSD đất cho hộ gia đình bà Hoà đã đúng theo trình tự quy định của pháp luật hay chưa, Việc UBND huyện Lương Sơn cấp giấy chứng nhận QSD đất cho gia đình bà Hoà là chưa có cơ sở vững chắc”.

Tuy nhiên, phiên tòa sơ thẩm ngày 20/9/2022 của TAND huyện Lương Sơn một lần nữa không làm rõ được: “nguồn gốc đất tranh chấp” như nhận định trước đó của TAND tỉnh Hòa Bình.

Bản án số 20/2022/DSST, ngày 20/9/2022 của TAND huyện Lương Sơn đã thể hiện rất rõ mâu thuẫn về nguồn gốc đất nhưng không được HĐXX làm rõ. Cụ thể, ngay tại phiên tòa, đại diện UBND huyện Lương Sơn chỉ ra một số bất cập: “Đối với phần hồ sơ xác nhận của UBND xã Long Sơn (nay là xã Thanh Sơn-PV) không ghi xác nhận về nguồn gốc tạo lập tài sản và thời điểm hình thành tài sản; Phần ý kiến của Văn phòng đăng kí QSD đất không ghi quan điểm đủ điều kiện hay không đủ điều kiện. Do đó, chưa phù hợp với quy định về mẫu đơn”.

Đơn khởi kiện thời điểm năm 2019 của bà Hòa cho rằng nguồn gốc đất là do gia đình chồng khai hoang từ năm 1979 đến 1980 để cấy lúa và sử dụng ổn định. Còn trong giấy chứng nhận QSD đất có diện tích 149,9m2 tại thửa đất số 300 tờ bản đồ 39 địa chỉ xóm 4, thôn Hợp Thung, xã Thanh Sơn thì lại ghi là đất ở nông thôn.

Nhưng khi đưa ra xét xử thì TAND huyện Lương Sơn lại nhận định, thửa đất đứng tên vợ chồng ông Sơn, bà Hòa trên giấy chứng nhận QSD đất, hiện đang tranh chấp với ông Vũ có: “Một phần đất của gia đình ông Trần Ngọc Thát, bố đẻ của anh Sơn canh tác và một phần đất Nhà nước nắn đường giao thông còn lại không sử dụng đến”. TAND huyện Lương Sơn cũng không làm rõ được từ khi nào chính quyền xã, huyện hợp thức đất của Nhà nước thành đất của tư nhân cho vợ chồng ông Sơn nhưng vẫn cho rằng, việc xác lập QSD thửa đất của hộ ông Sơn, bà Hòa là: “hợp pháp, có căn cứ pháp luật”?.

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện UBND huyện Lương Sơn cho rằng việc xác nhận về nguồn gốc đất nói trên là: “Chưa phù hợp về loại đất sử dụng. Bà Hòa, ông Sơn không phải là người khai hoang thửa đất, trên đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận QSD đất thể hiện là do được thừa kế (từ cụ Thát-PV) nhưng không có văn bản về việc thừa kế theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Uẩn khúc một cuộc họp

Trong các ngày 14/4/2023 và 16/5/2023, UBND huyện Lương Sơn đã ban hành hai văn bản yêu cầu UBND xã Thanh Sơn, Phòng TN&MT cùng Chi nhánh Văn phòng đăng kí đất đai huyện xác minh làm rõ thông tin báo nêu cũng như nguồn gốc đất của gia đình ông Sơn, bà Hòa.

Ngày 23/5, trong buổi làm việc lần hai với PV, ông Bùi Văn Châu, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết UBND xã đã làm báo cáo về tài liệu liên quan đến vợ chồng ông Trần Thanh Sơn gửi tới UBND huyện Lương Sơn. Từ tài liệu do UBND xã Thanh Sơn cung cấp, chúng tôi thấy vẫn chỉ là các tài liệu hình thành từ năm 2012 và 2013 (bản photocopy-PV), thể hiện quá trình tiến hành làm các thủ tục xác minh để cấp giấy chứng nhận QSD đất cho vợ chồng ông Sơn, bà Hòa. Trước thời điểm này không có tài liệu nào khác chứng minh việc sử dụng và quản lý đất của cụ Thát.

Trong số các tài liệu mới tìm thấy được UBND xã Thanh Sơn cung cấp cho chúng tôi có: “Phiếu lấy ý kiến khu dân cư về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất” thể hiện ngày 10/9/2013 tại xóm 4, thôn Hợp Thung diễn ra cuộc họp xác nhận về nguồn gốc đất của ông Trần Thanh Sơn. Thành phần cuộc họp có các ông Nguyễn Hải Châu, Chủ tịch UBND xã Long Sơn, Nguyễn Tiến Thanh, Trưởng thôn Hợp Thung, Nguyễn Văn Đức, cán bộ địa chính xã Long Sơn cùng 4 người dân xóm 4 khác là Nguyễn Văn Khiên, Nguyễn Thị Nở, Lê Xuân Thịnh và Mai Hồng Đức.

Trên thực tế, các ông bà Nguyễn Văn Khiên, Nguyễn Thị Nở, Mai Hồng Đức đều khẳng định không hề có cuộc họp như trên. Ông Nguyễn Tiến Thanh thời điểm này không phải trưởng thôn Hợp Thung, bản thân ông xác nhận không hề chủ trì cuộc họp.

Ông Khiên, bà Nở khẳng định đất hộ ông Sơn, bà Hòa đang tranh chấp với ông Vũ trước đây là lòng đường phục vụ việc đi lại của cộng đồng thì làm sao có thể khai hoang được.

Từ tài liệu của UBND xã Thanh Sơn cho thấy, đây vẫn chưa phải tài liệu đầy đủ chứng minh nguồn gốc đất của vợ chồng ông Sơn, bà Hòa.

Trong buổi làm việc gần đây nhất với PV, ông Vũ Xuân Long, Phó chánh văn phòng UBND huyện Lương Sơn cho biết sẽ kiến nghị tới lãnh đạo huyện thành lập đoàn thanh tra làm rõ quy trình và thủ tục pháp lý về việc cấp giấy chứng nhận QSD đất cho vợ chồng ông Sơn, bà Hòa như trước đó Chủ tịch UBND huyện đã từng có chỉ đạo tại văn bản số 932/UBND-VP, ngày 14/4/2023.
Kỳ 1: Vi phạm nghiêm trọng tố tụng?
Kỳ cuối: Đường biến thành đất tư nhân là hợp pháp, có căn cứ?
UBND huyện Lương Sơn chỉ đạo làm rõ nguồn gốc đất
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động