Khúc ca tuổi trẻ, giữ mãi ngọn lửa yêu nước
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Trưng bày chuyên đề “Mầm xanh trên đá” là hoạt động tri ân sâu sắc những lớp thanh thiếu niên đã anh dũng hi sinh để giữ vững nền độc lập tự do dân tộc. (Ảnh Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò) |
Từ nhiều năm nay, Nhà tù Hỏa Lò luôn là "địa chỉ đỏ" hướng về cội nguồn, dấu mốc lịch sử của Hà Nội nhằm giáo dục truyền thống cách mạng. Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức khai mạc Trưng bày chuyên đề “Mầm xanh trên đá”. Đây là hoạt động tri ân sâu sắc những lớp thanh thiếu niên đã anh dũng hi sinh để giữ vững nền độc lập tự do dân tộc.
Tham dự sự kiện là các nhân chứng lịch sử, các đại biểu là lão thành cách mạng, các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, cựu học sinh kháng chiến Hà Nội giai đoạn 1947 - 1954, cựu đội viên Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt và đại diện gia đình các liệt sĩ.
Các đại biểu tham dự khai mạc. (Ảnh Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò) |
Mở đầu cuộc trưng bày là tái hiện hoạt cảnh của học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội những năm 1949 - 1950, cùng nghe lại bài “Tiến quân ca” trong xà lim tử hình; câu chuyện về bãi khóa, phản đối địch khủng bố, bắt bớ học sinh và sự kiên cường, giữ vững khí tiết của học sinh kháng chiến khi bị tra xét tại Sở Mật thám,…
Hoạt cảnh của học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội những năm 1949 - 1950 gây xúc động. (Ảnh Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò) |
Tại đây, các đại biểu tham quan trưng bày với 3 nội dung chính: Tuổi xanh nơi ngục lửa, Ngọn lửa Thành đồng, Ký ức không phai.
Phần nội dung “Tuổi xanh nơi ngục lửa” là những đóng góp của lớp lớp thanh thiếu niên và học sinh, sinh viên kháng chiến. Họ đã tham gia Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt (khoảng 40 thành viên) và âm thầm lập nên những chiến công xuất sắc. Trong quá trình hoạt động, nhiều đội viên bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Khí thế cách mạng sục sôi, các “chiến sĩ” trẻ tuổi vẫn can trường đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc, tham gia vượt ngục để trở về tham gia cách mạng.
Nội dung “Ngọn lửa Thành đồng” tái hiện những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuổi trẻ miền Nam - nơi Thành đồng Tổ quốc hăng hái dấn thân vào cuộc đấu tranh ác liệt, chống địch khủng bố, đòi hòa bình với nhiều hình thức như: Bãi khóa, biểu tình, “Hát cho đồng bào tôi nghe”... Trong đó, điển hình là câu chuyện 13 tù nhân nhỏ tuổi tại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt, đã vượt lên đòn thù tàn khốc, đấu tranh dũng cảm để trở về hoạt động cách mạng. Trong đêm mùng 7 rạng sáng ngày 8/5/1973, 13 tù nhân tổ chức vượt ngục, có 2 tù nhân lạc đường bị địch bắt lại, 11 người được cơ sở nuôi giấu và tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.
Khí thế cách mạng sục sôi, các “chiến sĩ” trẻ tuổi vẫn can trường đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc, tham gia vượt ngục để trở về tham gia cách mạng. (Ảnh Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò) |
Phần nội dung “Ký ức không phai” giới thiệu hình ảnh sau khi thoát khỏi ngục tù, các thanh thiếu niên lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, đóng góp công sức cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã phục dựng hình ảnh sự cùm kẹp tại góc phòng giam tù chính trị để mỗi du khách tham quan cảm nhận một phần gian khổ, khắc nghiệt mà thế hệ cha ông đã trải qua khi bị địch bắt, giam trong Nhà tù Hỏa Lò.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về năm tháng oai hùng vẫn hiện hữu với những nhân chứng lịch sử, các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, cựu học sinh kháng chiến Hà Nội giai đoạn 1947 - 1954, cựu đội viên Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt.
Cuộc trưng bày chuyên đề “Mầm xanh trên đá” không chỉ tái hiện một phần hồi ức lịch sử, góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Giữ lửa truyền thống cách mạng” đối với thế hệ trẻ hôm nay.
Ở nhà vẫn nghe được những câu chuyện lịch sử ý nghĩa | |
Bài 2: Tour du lịch trải nghiệm trên không gian số | |
Tái hiện hình ảnh đoàn quân giải phóng tiến về Thủ đô |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại