Thứ sáu 22/11/2024 10:16
Nhịp sống văn hóa Hà Nội trong dòng chảy thời đại

Bài 2: Tour du lịch trải nghiệm trên không gian số

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tour đêm “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long”, dự án “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám”, kênh phát thanh độc quyền trên ứng dụng Spotify của Di tích Nhà tù Hỏa Lò,… được đánh giá là cách làm hay trong khai thác thế mạnh di sản văn hóa về phát triển du lịch Hà Nội.
Bài 1: Bài 1: "Ký ức Hà Nội" trong lòng phố
Bài 2: Tour du lịch trải nghiệm trên không gian số
Học sinh trải nghiệm in tranh mộc bản truyền thống trong hoạt động “Giáo dục di sản” tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám tháng 4-2021

Kênh phát thanh trực tuyến

Chỉ cần một cú click chuột với từ khóa “HoaLoPrisonRelic” trên ứng dụng Spotify và nhấn “theo dõi”, là công chúng có thể trải nghiệm những câu chuyện lịch sử, nhân chứng lịch sử cách mạng với phong cách hiện đại, trẻ trung.

Những câu chuyện lịch sử được tái hiện thông qua podcast Spotify với những nội dung thú vị, hấp dẫn (toàn bộ podcast đều miễn phí cho mọi tài khoản Spotify). Sau khi ra mắt, từ khóa “Nhà tù Hỏa Lò” đã trở thành một trong những điểm đến lịch sử được giới trẻ tìm kiếm nhiều nhất.

Đánh giá cao những podcast chính là giọng đọc ấm áp, cảm xúc hòa vào những câu chuyện lịch sử, thiêng liêng gợi cho khán, thính giả như được trôi vào những ký ức bi hùng của lịch sử.

Đây là dự án được Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò chính thức ra mắt kênh phát thanh độc quyền trên ứng dụng Spotif từ cuối tháng 7-2021. Kết hợp với việc ra mắt kênh fangage “Nhà tù Hỏa Lò” trên mạng xã hội trực tuyến thu hút hơn 80.000 lượt theo dõi. Từ thành công của tour trải nghiệm “Đêm lửa thiêng” nên việc ra mắt kênh phát thanh dưới dạng podcast chất lượng thu hút khán giả tương tác và trải nghiệm.

Sau podcast đầu tiên giới thiệu di tích, đến nay Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò triển khai trưng bày chuyên đề “Thắp lửa yêu thương” đăng tải trên kênh phát thanh từ tháng 7-2021 cho tới hết tháng 12-2021. Chuyên đề kể lại câu chuyện về tinh thần quật cường của các chiến sĩ cách mạng dù bị giam cầm tại nhà lao đế quốc thực dân, đối mặt với những trận tra tấn, đòn roi đẫm máu vẫn nung nấu ý chí cứu nước, cứu dân.

Bài 2: Tour du lịch trải nghiệm trên không gian số
Góc trưng bày "Thắp lửa yêu thương" tại di tích Nhà tù Hỏa Lò

Thông điệp của “Thắp lửa yêu thương” là sự tri ân sâu sắc những hi sinh mất mát của thế hệ cha anh trong ngục tù thực dân, góp phần thắp sáng ngọn lửa yêu thương, sự đồng cảm và sẻ chia.

Nhờ những hình ảnh, tài liệu được đăng tải trên fangage “Nhà tù Hỏa Lò” cùng câu chuyện lịch sử được kể như: Cờ xin ăn của phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, Chuyện về người chiến sĩ tình báo giả gái, Phi công Mỹ đầu tiên bị giam tại Hỏa Lò... giống như là thước phim lịch sử sống động, cung cấp cách tiếp cận thông tin nhiều chiều tới công chúng.

Ứng dụng công nghệ tương tác, trải nghiệm

Thời gian qua các khu di tích tại Hà Nội đang nỗ lực thay đổi để phục vụ khách nội địa, trong đó có Hoàng thành Thăng Long với tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Câu chuyện văn hóa nhẹ nhàng, logic, vừa mang tính giải trí vừa có tính trải nghiệm tạo luồng gió mới khác biệt với tour du lịch truyền thống.

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là một trong 8 di sản của Việt Nam được ghi danh trong Danh mục Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Phát huy giá trị văn hóa lịch sử, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã xây dựng nhiều chuyên đề trực tuyến như: “Trung thu sum vầy” (tháng 9-2021), “Vị tướng huyền thoại” (tháng 8-2021), triển lãm trình diễn nghề làm quạt làng Đào Xá xưa “Gió lành Đoan Dương” (tháng 6-2021), “Bác Hồ với di sản văn hóa” (tháng 5-2021),….

Trước bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc tham quan, trải nghiệm của du khách, Trung tâm văn hóa di sản Thăng Long – Hà Nội đã từng bước thay đổi, ứng dụng công nghệ số trong trưng bày và giới thiệu trưng bày, làm tăng khả năng kết nối, tương tác cũng như cung cấp thông tin về kho tư liệu, hiện vật quý hiếm đang lưu giữ tại Hoàng thành Thăng Long. Ứng dụng công các hiện vật được giới thiệu một cách sống động, mang tới hình ảnh tương tác, trải nghiệm đầy khác biệt.

Với tiềm năng lớn về văn hóa lịch sử, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm văn hóa xứng tầm khu vực. Trên tinh thần sáng tạo, đổi mới, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã có bước chuyển mình thích ứng thời cuộc.

Nhiều tháng nay, các điểm tham quan du lịch tạm đóng cửa và theo thông báo mới nhất thành phố Hà Nội, ngày 14-10-2021 bắt đầu triển khai mở cửa bảo tàng còn các điểm di tích vẫn tạm thời đóng cửa. Hạn chế trong việc không thể trực tiếp đón du khách tham quan, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã chủ động triển khai nhiều nội dung quảng bá, đặc biệt là tọa đàm “Đánh thức tiềm năng văn hóa Việt” cùng với chương trình ra mắt dự án “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” (tháng 9-2021).

Bài 2: Tour du lịch trải nghiệm trên không gian số
Dự án "Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám" tạo sức hút đến giới trẻ

Dự án nhằm đưa di tích trở thành không gian mở, nơi sinh hoạt chung của các sáng kiến về di sản, chia sẻ thông tin văn hóa lịch sử và quảng bá hoạt động giao lưu văn hóa tại Quốc Tử Giám.

Thông qua dự án, những người thực hiện hướng đến mục tiêu lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa nghìn năm của dân tộc; khẳng định sức trường tồn của “nhân, nghĩa, lễ, nhạc” của dân tộc Việt Nam, phát triển tinh hoa của dân tộc.

Bên cạnh đó, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám triển khai nhiều nội dung như: Kết nối khu vực nội tự với Vườn Giám, Hồ Văn trở thành chỉnh thể thống nhất phát huy giá trị; số hoá những giá trị vật thể và phi vật thể của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám; tổ chức hoạt động định kỳ hàng tháng, tuần gắn với giá trị về đạo học; kết nối Văn Miếu – Quốc Tử Giám với các di sản khác.

Mới đây, talkshow “Đạo học trong không gian văn hóa Quốc Tử Giám” được tổ chức và thu hút khán giả theo dõi. Với thời lượng 60 phút, các chương trình được ghi hình trên nền tảng zoom, livestream trên các trang fanpage: Không gian văn hóa Quốc Tử Giám; Di tích văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cùng sự tham gia của nhiều khách mời là nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, giáo dục.

Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, dự án “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” triển khai từ đầu tháng 9-2021, chưa đầy một tháng đã nhận được sự tương tác của 1.500 người. Trung tâm đã áp dụng công nghệ mới trong phát huy giá trị di tích, nghiên cứu lại giá trị, xây dựng sản phẩm phục vụ khách sau khi phục hồi.

Cụ thể là đã số hóa đưa vào ứng dụng công nghệ QR code (mã vạch hai chiều) trên 40 hiện vật, cây xanh; 35 bia tiến sĩ và các hạng mục công trình trong khuôn viên di tích. Theo đó, du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, đặt trước bảng chỉ dẫn đã cài mã QR code, hệ thống sẽ tự động đăng nhập và chuyển tới điện thoại của du khách thông tin cơ bản về hiện vật đó. Bên cạnh đó, Trung tâm triển khai chương trình tham quan và triển lãm trên nền trình chiếu 3D di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám...

Những “điểm sáng” mô hình du lịch trực tuyến giữa mùa dịch kể trên đã bắt nhịp xu hướng hiện đại trong việc phát triển, bảo tồn nhằm đưa di sản văn hóa tiếp cận với công chúng, trở thành “đòn bẩy” cho ngành du lịch Hà Nội phát triển.

(Còn nữa)

Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động