Khởi tố ổ nhóm sản xuất và bán giấy khám sức khỏe giả qua Zalo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgày 2-3, Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên, Hà Nội cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hồ Công Lệnh, SN 1995, trú tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; Nguyễn Trương Định, SN 1993, trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội; Phan Thế Huy, SN 2000, trú tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ; Nguyễn Văn Quân, SN 1984 và vợ là Nguyễn Thị Huế, SN 1991, cùng trú tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Theo tài liệu điều tra, trước đó khoảng 13h30 ngày 29-1-2021, tổ công tác Đội điều tra Tổng hợp CA quận Long Biên phát hiện 1 nam thanh niên điều khiển xe máy BKS 29V1-485.92 đi ngược chiều trên đường Ngô Gia Tự, phường Đức Giang nên đã tiến hành kiểm tra.
Qua đó, phát hiện ở móc treo đồ của xe có một túi nilon chứa 3 túi giấy, bên trong mỗi túi có 1 giấy khám sức khỏe có xác nhận của bệnh viện nhưng không có thông tin người khám, có dấu hiệu làm giả.
Qua đấu tranh, thanh niên khai tên Phạm Văn Cao, làm nghề ship hàng, số giấy tờ trên được bạn là Nguyễn Trương Định thuê vận chuyển từ địa chỉ số 26 ngõ 4, Đông Ngạc 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội đến khu vực huyện Đông Anh, Hà Nội để giao cho khách.
Từ lời khai của Cao, lực lượng CA kiểm tra, bắt quả tang Định và Huy đang thực hiện hành vi làm giả giấy khám sức khỏe của các bệnh viện. Tại CQĐT, Định khai nhận, khoảng tháng 10-2020, Định được Lệnh thuê vận chuyển giấy tờ khám sức khỏe giả đến cho khách hàng có nhu cầu.
Các đối tượng Lệnh (giữa) cùng Huy và Định tại CQCA. |
Nhiều lần vận chuyển thành công, Lệnh tin tưởng và rủ Định cùng tham gia làm giả giấy tờ tại địa chỉ số 26 ngõ 4 Đông Ngạc 1 để bán thu lợi bất chính.
Đầu tháng 1-2021, Định rủ Huy tham gia. Khi có khách liên hệ với Lệnh qua Zalo để mua giấy khám sức khỏe, Lệnh chỉ đạo Định và Huy làm theo yêu cầu rồi đặt shiper trên các ứng dụng như Grab, Aha Move để chuyển đến cho khách.
Khách hàng sẽ thanh toán cho các đối tượng dưới nhiều hình thức khác nhau, bằng việc nhận tiền thông qua tài khoản ngân hàng của Lệnh hoặc shipper sẽ ứng tiền nhận hàng và thanh toán tiền với khách.
Trưa 29-1, Định thuê Cao vận chuyển số giấy tờ nêu trên để giao cho khách tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Cao nhận hàng nhưng không biết bên trong có số giấy tờ giả nói trên.
Đến khoảng 17h30 cùng ngày, khi Định và Huy đang thực hiện hành vi làm giả giấy khám sức khỏe tại số 26 ngõ 4 Đông Ngạc 1 thì bị CQCA bắt quả tang.
Ngày 30-1, CQĐT đã vận động Lệnh ra đầu thú. Theo lời khai của Lệnh, để thực hiện hành vi, đối tượng lên mạng tìm hiểu cách sản xuất dấu giả và đặt mua một máy khắc lazer để sản xuất dấu. Tuy nhiên, do không biết cách sử dụng nên làm 10 con dấu chỉ sử dụng được 1 đến 2 con dấu.
Sau đó, Lệnh tìm những nơi nhận làm con dấu giả trên mạng rồi đặt mua các con dấu của các bệnh viện lớn trên cả nước để sử dụng làm giả giấy khám sức khỏe.
Khi có khách đặt mua dấu, Lệnh đã liên hệ mua dấu trên mạng và bán lại để hưởng chênh lệch, với mỗi con dấu Lệnh đặt trên mạng với giá 500 nghìn đồng Lệnh bán cho khách với giá dao động từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/1 con dấu…
Quá trình khám xét CQĐ đã thu giữ 18 miếng cao su non hình vuông, 1 mặt có khắc dấu tròn của các bệnh viện trên cả nước như Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Việt Đức; Bệnh viện Đa khoa Hải Dương… 31 miếng cao su non màu đen hình chữ nhật 1 mặt có khắc các chữ có nội dung: “Đủ sức khỏe lái xe hạng ... và tên, chức danh của nhiều bác sỹ của các bệnh viện lớn.
Lệnh khai nhận, trước khi bị bắt, Lệnh đã từng bán con dấu giả của Bệnh viện Giao thông vận tải cho một nữ giới ở trọ gần nhà văn hóa đội 6, thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tiến hành xác minh, CQCA xác định tại phòng trọ số 4, nhà số 15, đội 6, thôn Bầu là địa điểm thực hiện hành vi giao dịch. Phòng trọ do anh Nguyễn Văn Quân đang thuê ở cùng vợ là Nguyễn Thị Huế.
Khám xét khẩn cấp phòng trọ của vợ chồng Quân, CQCA phát hiện 3 con dấu của Bệnh viện Giao thông vận tải, Cty cổ phần Bệnh viện giao thông vận tải, Bệnh viện đa khoa tư nhân Tràng An; 7 miếng hình chữ nhật có ốp nhựa và phần mặt có gắn miếng cao su non màu đen, phần mặt cao su có khắc chữ, ký tự; 14 giấy A3 khám sức khỏe của một số bệnh viện đã đóng dấu và chữ ký xác nhận nhưng không có thông tin người khám.
Vợ chồng Quân đang làm công nhân tại KCN Bắc Thăng Long, biết được mọi người muốn xin việc làm thì cần phải có giấy khám sức khỏe của bệnh viện nên nảy sinh ý định làm giả giấy khám sức khỏe bán kiếm thu nhập.
Khoảng tháng 3-2020, Huế nghiên cứu cách thức làm và lên mạng đặt mua con dấu giả của một số bệnh viện. Khi khách có nhu cầu, Huế là người trực tiếp làm giấy khám sức khỏe nêu trên và giao cho khách với giá tiền từ 40 đến 130 nghìn đồng/ 1 tờ. Quân hỗ trợ vợ làm giấy tờ giả và giao cho khách những lúc rảnh.
Tháng 12-2020, Huế nghỉ đẻ nhưng vẫn nhận đơn rồi chuyển cho Quân để Quân trực tiếp làm và giao cho khách. Hai vợ chồng đã bán được khoảng 100 tờ giấy khám sức khỏe giả cho khách. Ngày 31-1-2021, Huế đã đến CQCA đầu thú về hành vi phạm tội nêu trên.
Sau khi trưng cầu giám định con dấu đã thu giữ trong qúa trình khám xét nơi ở của vợ chồng Quân. Kết quả sơ bộ xác định con dấu thu được trong quá trình khám xét và hình con dấu đóng trên các giấy khám sức khỏe nói trên là giả.
Vụ án đang tiếp tục được mở rộng, điều tra, làm rõ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại