Thứ sáu 22/11/2024 10:05

Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có văn bản số 3847/TB-TTKQH thông báo kết luận của Uỷ ban Thường Vụ Quốc hội về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại phiên họp thứ 34, tháng 6/2024. Theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nội dung dự kiến, giải trình tiếp thu, chỉnh lý như trong dự thảo…
Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Toàn cảnh Phiên thảo luận cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Theo đó, ngày 11/6/2024, tại Phiên họp thứ 34, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, tháng 6/2024.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, chủ động của cơ quan chủ trì thẩm tra (Uỷ ban Pháp luật), cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp) và cấp uỷ, Chính quyền TP Hà Nội đã tích cực nghiên cứu, tham mưu giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, của Chính phủ và các cơ quan có liên quan.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nội dung dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý như trong dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Giao Thường vụ Uỷ ban Pháp luật tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan rà soát kỹ nội dung và kỹ thuật của dự thảo Luật, đặc biệt các nội dung cần có quy định chuyển tiếp, để đảm bảo tính khả thi, thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật để gửi lấy ý kiến Chính phủ, TP Hà Nội và thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (dự kiến ngày 27/6/2024).

Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và đại diện các Bộ ngành, UBND Tp.Hà Nội tham dự Phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội

Trước đó, tại Phiên họp thứ 34 ngày 11/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành liên quan, UBND T P Hà Nội đều thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật...

Đề cập về vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: ngày 28/5/2024, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Tại phiên họp, đã có 26 lượt ý kiến phát biểu và 05 vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) gửi ý kiến tham gia bằng văn bản. Cùng với ý kiến góp ý của ĐBQH về dự thảo Luật này, trước đó, ngày 23/5/2024, Chính phủ đã có văn bản số 269/BC-CP về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và đề xuất chỉnh lý một số nội dung cụ thể.

Ngày 08/6/2024, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã tổ chức làm việc với Thường trực Ủy ban Pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan và thành phố Hà Nội để thống nhất về nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, ý kiến của Chính phủ và ý kiến thống nhất tại cuộc làm việc này, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và rà soát, chỉnh lý toàn bộ nội dung của dự thảo Luật, bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Trung ương, của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW, Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị; đồng thời, bám sát 09 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định khi bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý vẫn giữ bố cục gồm 07 chương và 54 điều, trong đó đã tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật tại 36/54 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại đầu kỳ họp thứ 7. Các nội dung chưa được tiếp thu (kể cả nội dung trong Báo cáo số 269/BC-CP của Chính phủ) đều đã được giải trình cụ thể trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quốc hội

Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội 05 vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm: Về việc quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê (các điều 17, 18, 21, 32); Về hình thức giao đất, cho thuê đất và vai trò của Ban quản lý trong quản lý đất đai trong khu công nghệ cao Hòa Lạc (Điều 24); Về việc quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng (Điều 24 và Điều 41); Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Điều 25); Về thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Điều 40).

Tại Phiên thảo luận, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành liên quan, UBND Tp.Hà Nội đều thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban Pháp luật và các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc trong việc cho ý kiến vào Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị Bộ Tư pháp, UBND Tp.Hà Nội và Ủy ban Pháp luật tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đảm bảo có tính khả thi khi triển khai.

Phát biểu tại Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: liên quan đến dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Pháp luật đã xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 05 vấn đề lớn. Còn các vấn đề khác thì cơ bản đã thống nhất trong quá trình thảo luận.

Qua thảo luận, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao với việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị UBND Tp.Hà Nội, Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để gửi lấy ý kiến của Chính phủ, UBND Tp.Hà Nội trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 7 này.

Liên kết giáo dục giúp học sinh hội nhập ngay tại đất nước mình Liên kết giáo dục giúp học sinh hội nhập ngay tại đất nước mình
Đề xuất giao Hà Nội phê duyệt dự án xây dựng tại bãi sông Đề xuất giao Hà Nội phê duyệt dự án xây dựng tại bãi sông
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động