Hợp tác quốc tế về CNQP là một trụ cột trong đối ngoại quốc phòng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐại tướng Phạm Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng |
Trong bài phát biểu Khai mạc Triển lãm, Đại tướng Phạm Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh: “Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022 lần đầu tiên được Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức là sự kiện quan trọng nhằm thực hiện đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường đối ngoại quốc phòng, phát triển hợp tác với tất cả các nước. Triển lãm là điểm đến để các nhà sản xuất vũ khí, trang bị quốc phòng, các cơ quan, đơn vị, các lực lượng vũ trang trong nước và nước ngoài giao lưu, trao đổi kinh nghiệm xúc tiến hợp tác cung cấp, phát triển sản phẩm, chuyển giao công nghệ quốc phòng.
Chúng tôi kỳ vọng Triển lãm sẽ là nơi các lãnh đạo cấp cao Bộ Quốc phòng, Quân đội các nước trên thế giới gặp gỡ, trao đổi về các chủ đề an ninh, quốc phòng và các vấn đề liên quan khác, tăng cường sự hiểu biết để cùng xây dựng, bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.”
Theo đó, Công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam trong những năm qua đã đẩy mạnh triển khai chính sách chủ động hội nhập quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm ra thị trường thế giới.
Giới thiệu với các đại biểu quốc tế về CNQP Việt Nam, Đại tá Dương Văn Yên cho biết, CNQP Việt Nam được ra đời ngay sau khi nước Việt Nam giành được độc lập năm 1945. Trải qua gần 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đồng hành cùng mọi thắng lợi của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, CNQP Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và đang lớn mạnh không ngừng: Bắt đầu với các xưởng sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật và đến nay đã hình thành được một hệ thống thống nhất các cơ sở nghiên cứu, sản xuất trải dài trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Từ trước năm 2000 chỉ có vài đối tác, đến nay CNQP Việt Nam đã hợp tác với hơn 40 nước trên thế giới”, Đại tá Dương Văn Yên, Phó chủ nhiệm Tổng cục CNQP nhấn mạnh tại Hội thảo “Hợp tác công nghiệp quốc phòng Việt Nam và các nước” diễn ra ngày 9-12 trong khuôn khổ Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022.
Hầu hết các cơ sở CNQP Việt Nam thuộc sở hữu Nhà nước, giao cho Bộ Quốc phòng Việt Nam quản lý. Trong đó, Tổng cục CNQP là cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ, Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý về CNQP trên phạm vi cả nước; đồng thời, quản lý, chỉ đạo các công ty sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị trực thuộc. Đại tá Dương Văn Yên nhấn mạnh, hiện nay, năng lực của các cơ sở CNQP nòng cốt của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cả cơ sở hạ tầng kỹ thuật và chất lượng nguồn nhân lực.
Theo Đại tá Dương Văn Yên, hợp tác quốc tế về CNQP là một trụ cột trong đối ngoại quốc phòng. Chủ trương của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về CNQP là đa phương hóa, đa dạng hóa các kênh hợp tác, mua sắm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài về sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật, trang bị hậu cần đáp ứng yêu cầu của các lực lượng vũ trang. Nhiều sản phẩm được sản xuất thành công từ kết quả hợp tác chuyển giao công nghệ hay hợp tác nghiên cứu, sản xuất với các nước như súng, tàu quân sự, ngòi đạn, thuốc phóng, thuốc nổ...Đồng thời, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm quốc phòng do Việt Nam sản xuất.
Trao đổi nhanh trong buổi Khai mạc triển lãm Quốc phòng Quốc tế, Thượng tá Nguyễn Đoàn Cường, cán bộ Tổng Cục CNQP cho biết: Định hướng trong CNQP của Bộ Quốc phòng là đa phương hoá, đa dạng hoá, phát triển CNQP trên cơ sở tự chủ, lưỡng dụng, hiện đại. Năm 2008 đã có Pháp lệnh về Công nghiệp Quốc phòng nhưng sau 14 năm thực hiện, tổng kết, nhìn lại Pháp lệnh thì cũng có nhiều điểm không còn phù hợp, cần phải bổ sung, thay đổi theo xu thế chung là hội nhập quốc tế và phải có hành lang pháp lý để thực hiện được việc này, vì nó liên quan đến việc phát triển CNQP.
Trên thực tế CNQP được đầu tư và chuẩn bị đầy đủ năng lực để sẵn sàng phục vụ khi có biến cố xảy ra, nên năng lực của CNQP phải đủ lớn, đủ mạnh. Với quân đội, thời bình sản xuất các trang thiết bị, vật dụng phục vụ cho nhu cầu huấn luyện hàng ngày thì vẫn có lượng dư về công suất và năng lực. Nếu lượng dư ấy được sử dụng tốt trong sản xuất lưỡng dụng hay duy trì dây chuyền về con người là điều rất cần thiết, nên chỉ cần có đến 60% công suất có thể là đáp ứng cho các phần còn lại. CNQP cũng muốn phát triển theo hướng lưỡng dụng để có thể dùng năng lực dôi dư ấy để sản xuất ra các sản phẩm kinh tế cũng như lưỡng dụng để trong đó có cả phần xuất khẩu để đảm bảo duy trì kinh tế cũng như công ăn việc làm cho người lao động, duy trì dây chuyền sản xuất.
Hiện nay, những sản phẩm CNQP của Tổng Cục CNQP và của các Nhà máy thuộc Bộ QP đã có những đơn đặt hàng để xuất khẩu đi, nhưng phía Việt Nam bán thành phẩm chứ chưa phải sản phẩm hoàn chỉnh, chưa xuất sản phẩm hoàn chỉnh đi. Những sản phẩm thành phẩm và lưỡng dụng phía Việt Nam đã xuất khẩu đi là tàu quân sự, tàu chiến đấu, những sản phẩm khác như thuốc nổ dùng cho công nghiệp... Nếu như dùng cho mục đích quân sự thì phải được sự cho phép của Bộ Quốc phòng, trình Chính phủ quyết định. Cá nhân tôi rất hi vọng trong thời gian tới việc xuất khẩu các sản phẩm, trang thiết bị phục vụ quốc phòng sẽ trở thành mũi nhọn của CNQP, và Việt Nam sẽ làm được điều đó. Vì đã hội nhập rồi nên cũng có nhu cầu duy trì năng lực sản xuất, dây chuyền sản xuất và có những sản phẩm đưa ra thế giới. Khi xuất khẩu được thì sẽ chứng minh là Việt Nam làm rất tốt, bạn bè quốc tế sẽ quan tâm. Như Triển lãm Quốc phòng Quốc tế này, đây là lần đầu tiên tổ chức nhưng đã có hơn 170 Tập đoàn, Công ty đến từ 30 quốc gia tham gia trưng bày, và có lưu lượng người tham quan rất đông.
Về nguồn nhân lực dành cho Công nghiệp Quốc phòng hiện tại thì phía Bộ Quốc phòng, các đơn vị, nhà máy cũng đã gửi cán bộ đi đào tạo ở rất nhiều nước, có những ngành cán bộ nghiên cứu có trình độ ngang hàng với các nước trên thế giới. Tuy nhiên cơ hội để có những dự án, hợp đồng để thúc đẩy sản xuất ra các sản phẩm quốc tế thì từ kết quả thực tế khi tổ chức Triển lãm sẽ có những đánh giá, nhìn nhận từ các đối tác và sẽ có những sự hợp tác tốt nhất. Không riêng cá nhân tôi và rất nhiều cán bộ, công nhân viên của Bộ QP đang trực tiếp làm công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất mong muốn có nhiều những cơ hội để thực hiện ứng dụng KHCN vào sản xuất, khẳng định CNQP trong nước có thể làm được những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của quân đội cũng như nhu cầu của đời sống dân sinh.
Cần thiết có quy hoạch, kế hoạch xây dựng cụ thể để CNQP trở thành mũi nhọn công nghiệp quốc gia | |
Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức CNQP, CNAN |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại