Thứ sáu 22/11/2024 04:13
Dự thảo Luật Công nghiệp QP, AN và ĐVCN:

Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức CNQP, CNAN

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong những năm qua, hệ thống tổ chức CNQP, CNAN Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP, AN trong tình hình mới theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước vẫn còn một số bất cập, tồn tại, cần phải có sự thay đổi, bổ sung…
Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức CNQP, CNAN
Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XIII về "Đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo"

Thực trạng hệ thống tổ chức CNQP, CNAN:

Đối với CNQP: Do điều kiện lịch sử nên các cơ sở CNQP hình thành chủ yếu trong thời kỳ chiến tranh và bố trí không đều giữa các miền. CNQP hiện có 79 cơ sở CNQP nòng cốt và 37 cơ sở ĐVCN trực tiếp tham gia sản xuất, sửa chữa VKTBKT, được bố trí trên ba miền Bắc, Trung, Nam (theo Quyết định 2057/QĐ-TTg ngày 16/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ). Trong số này, các lĩnh vực chủ yếu của CNQP tập trung tại miền Bắc và ngày càng phát triển, trong khi đó tại miền Nam đa phần là các cơ sở sửa chữa tổng hợp VKTBKT; đặc biệt tại miền Trung, các cơ sở CNQP còn rất mỏng, hiện mới chỉ có 01 cơ sở CNQP nòng cốt, 01 cơ sở sửa chữa VKTBKT của Quân chủng Hải quân và một số cơ sở ĐVCN, chưa có nhà máy sản xuất VKTBKT, kể cả các loại vũ khí thông dụng trang bị cho trung đoàn bộ binh. Điều này hạn chế khả năng phát huy năng lực của các cơ sở CNQP vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là tại miền Trung và miền Nam, cũng như huy động tiềm lực công nghiệp dân sinh khu vực phía Nam như các khu công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương vào hoạt động CNQP.

Hệ thống cơ sở CNQP nòng cốt bố trí phân tán, quy mô nhỏ tại nhiều đơn vị của Quân đội nên tính quy tụ về đặc điểm công nghệ, sản phẩm chưa cao. Điều này làm nảy sinh nhiều bất cập trong phối hợp giữa các đầu mối triển khai chu trình SXQP; nguồn lực đầu tưbị phân tán, không tập trung,trong khi đó nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (NSNN) hạn hẹp,gây khó khăn trong quá trình đầu tư phát triển, nhất là những sản phẩm vũ khí công nghệ cao lại đòi hỏi nguồn vốn lớn. Nếu không có giải pháp kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, năng suất và doanh nghiệp CNQP khó thích ứng với nền kinh tế thị trường của đất nước.

Mô hình hoạt động của các cơ sở CNQP chưa có sự thống nhất. Hiện nay, các doanh nghiệp CNQP vừa là đối tượng quản lý của các quy định về hành chính quân sự, vừa chịu sự điều tiết của Luật Doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp CNQP đã chuyển sang hoạt động theo mô hình các công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Tuy nhiên, các cơ sở CNQP nòng cốt đang thực hiện hạch toán kinh tế ở các mức độ khác nhau. Hầu hết các đơn vị thuộc Tổng cục CNQP, Tổng cục Hậu cần và một số cơ sở của Tổng cục Kỹ thuật và các quân binh chủng thực hiện hạch toán kinh tế độc lập, đầy đủ; các cơ sở còn lại thực hiện hạch toán nội bộ, dự toán hoặc chịu sự quản lý về hành chính quân sự.

Các cơ sở nghiên cứu của CNQP chủ yếu vẫn là đơn vị sự nghiệp KHCN, chưa có cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp KHCN theo định hướng chung của Đảng và Nhà nước. Điều này làm hạn chế sự đổi mới, sáng tạo trong hoạt động KHCN, chưa tạo động lực để chú trọng đến tính lưỡng dụng của sản phẩm nghiên cứu (như kiểu dáng công nghiệp, mẫu mã, tính năng...), chưa phát huy được vai trò là động lực then chốt để nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Tổ chức bộ máy quản lý hệ thống cơ sở CNQP nòng cốt chưa có sự đổi mới căn bản, toàn diện vàchưa đồng bộ.Chức năng quản lý nhà nước về CNQP hiện đang phân tán trong nhiều cơ quan Bộ Quốc phòng, chưa đảm bảo tập trung, thống nhất dẫn đến ảnh hưởng tính hiệu lực hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện. Cụ thể: Hệ thống quản lý CNQP trong Bộ Quốc phòng gồm 3 cấp: cấp Bộ Quốc phòng, cấp trên trực tiếp của nhà máy (gồm 10 đầu mối: các Tổng cục, Quân khu, Quân binh chủng) và cấp cơ sở. Tuy nhiên, ở một số đầu mối trực thuộc Bộ còn phát sinh thêm cấp trung gian thứ 4 là các cục chuyên ngành (thí dụ: Cục Kỹ thuật tại các Quân Binh chủng, Cục Quân khí, Cục Xe máy thuộc TCKT...). Chức năng, nhiệm vụ của các khối: đặt hàng, sản xuất - sửa chữa, khai thác sử dụng còn chưa được phân định rõ, điều này gây ra những lúng túng, chồng chéo trong điều hành và triển khai thực hiện, làm giảm tính hiệu quả trong khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Đối với CNAN: Các cơ sở CNAN được hình thành gắn liền với quá trình công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng CANDqua các thời kỳ lịch sử (tiền thân là các công an xưởng trực thuộc Công an các đơn vị, địa phương từ năm 1946).

Các cơ sở CNAN bao gồm hệ thống 09 doanh nghiệp, 58 cơ sở nghiên cứu, cơ sở sản xuất thuộc Bộ Công an được tổ chức hoạt động ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với 02 khu CNAN tập trung (Khu CNAN Hoài Đức, Hà Nội; Khu CNAN T30, Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh). Hiện nay, Bộ Công an đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng khu CNAN mới tại Thạch Thất, Hà Nội để triển khai thực hiện các dự án theo Quyết định số 14/QĐ-TTg ngày 26/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển CNAN giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên, các cơ sở CNAN còn bố trí phân tán, chưa hình thành hệ thống độc lập nên tính quy tụ về đặc điểm công nghệ, sản phẩm chưa cao. Điều này làm nảy sinh nhiều bất cập trong phối hợp giữa các đầu mối triển khai; nguồn lực đầu tư bị phân tán, không tập trung, trong khi đó nguồn vốn từ NSNN còn hạn hẹp, gây khó khăn trong quá trình đầu tư phát triển, nhất là các sản phẩm công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn lớn. Nếu không có giải pháp kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, năng suất và các cơ sở CNAN khó thích ứng với nền kinh tế hội nhập của đất nước. Đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan tới hạ tầng mạng, bảo đảm an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao...

Hiện nay các doanh nghiệp an ninh vừa là đối tượng quản lý của các quy định nội bộ chuyên ngành thuộc Bộ Công an, vừa chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp.Các đơn vị nghiên cứu phục vụ phát triển CNAN chưa có cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi, chuyển giao công nghệ sản xuất để hình thành doanh nghiệp KHCN. Điều này làm hạn chế sự đổi mới, sáng tạo trong hoạt động KHCN, chưa tạo động lực để chú trọng đến tính lưỡng dụng của các sản phẩm, chưa phát huy được vai trò là động lực then chốt để nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh...

Triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị và Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; Bộ Công an đã kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; trong đó Cục CNAN là đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Công an thực hiện chức năng quản lý nhà nước về CNAN. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù công tác nghiệp vụ của Công an Nhân dân nên việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu, sản xuất sản phẩm CNAN còn bố trí tại một số công an đơn vị, địa phương như: Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Viện Khoa học và Công nghệ, Cục Kĩ thuật nghiệp vụ, Viện Kĩ thuật hình sự, các cục nghiệp vụ Tình báo, Công an Hà Nội, Công an thành phố Hồ Chí Minh...

Các hạn chế được chỉ ra ở trên diễn ra trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh, đặt ra nhiều thách thức mới như: Tụt hậu về công nghệ, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế, vòng đời của các vũ khí, khí tài sẽ bị rút ngắn để nhanh chóng áp dụng các sản phẩm với công nghệ tiên tiến... Đây là thách thức đối với sự phát triển của CNQP, AN Việt Nam trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa và đất nước ngày càng tham gia hội nhập sâu, rộng trong quan hệ quốc tế.

Hoàn thiện, đổi mới hệ thống tổ chức CNQP, CNAN đáp ứng yêu cầu mục tiêu chiến lược phát triển phù hợp với quy hoạch công nghiệp quốc gia

Với những khó khăn, bất cập nêu trên, đặt ra yêu cầu trong thời gian tới phải tiếp tục tiến hành hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức CNQP, CNAN theo hướng tập trung, thống nhất nhằm đáp ứng chiến lược, sách lược phát triển CNQP, AN phù hợp với quy hoạch công nghiệp quốc gia.

Cần phải tạo cơ sở pháp lý để kiện toàn đồng bộ cơ cấu ngành CNQP từ cơ quan QLNN đến các cơ sở CNQP nòng cốt với lộ trình, bước đi phù hợp, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và triển khai các hoạt động CNQP, thực hiện nhiệm vụ ĐVCN

Nâng cao năng lực của các cơ sở CNQP nòng cốt để thích ứng với kinh tế thị trường; đảm bảo nguồn lực đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm; đảm bảo tính đồng bộ, gắn kết các khâu trong chu trình sản xuất VKTBKT.

Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức về CNAN đáp ứng các yêu cầu mục tiêu chiến lược phát triển CNAN phù hợp với quy hoạch công nghiệp quốc gia.

Vì vậy, giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng này chính là:

Kiện toàn tổ chức cơ quan chuyên trách quản lý Nhà nước về CNQP, ĐVCN đặt trong tổ chức của Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về CNQP, ĐVCN. Theo đó, tập trung, quy tụ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về CNQP cho cơ quan chuyên trách chủ trì thực hiện, khắc phục triệt để các khâu trung gian, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan.

Tổ chức sắp xếp lại các cơ sở CNQP theo hướng quy tụ, bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả, giảm số lượng đầu mối, tăng quy mô, bám sát nhiệm vụ SXQP và thế bố trí chiến lược; thực hiện cơ chế tự chủ cho các cơ sở nghiên cứu để tiến hành chuyển đổi thành doanh nghiệp KHCN. Mở rộng mạng lưới ĐVCN.

Phát triển, hình thành các tập đoàn CNQP theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, có trình độ KHCN cao, đáp ứng nhu cầu VKTBKT cho LLVTND, đủ năng lực thích ứng với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Rà soát, kiện toàn tổ chức về CNAN trong đó có cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về CNAN trong Bộ Công an, đảm bảo tinh, gọn, mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tiến hành rà soát, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập của CNAN thành doanh nghiệp.

Việc kiện toàn lại tổ chức quản lý nhà nước về CNQP, CNAN trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo đúng chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan giúp nâng cao hiệu quả hoạt động. Qua đó, cùng với sự sắp xếp các cơ sở CNQP, cơ sở CNAN theo hướng tinh gọn sẽ tối ưu hóa nguồn lực đầu tư cho CNQP, AN.

Khi sắp xếp lại cơ cấu tổ chức và mô hình quản lý theo hướng tinh gọn, tích tụ, tập trung, chuyên môn hóa, hoạt động với tư cách pháp nhân kép thì hiệu quả sử dụng nguồn lực dành cho CNQP, AN sẽ tăng cao, giảm chi phí doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh, năng suất lao động… dẫn đến đóng góp của các doanh nghiệp CNQP, AN cho xây dựng LLVTND và nền kinh tế quốc dân ngày càng tăng. Dự kiến sẽ tiến hành cơ cấu, sát nhập các doanh nghiệp CNQP, theo lộ trình đến năm 2025 giảm 32% đầu mối, riêng đối với doanh nghiệp CNQP do Tổng cục CNQP quản lý sẽ giảm 41% đầu mối. Sau sắp xếp số lượng lao động của các doanh nghiệp sẽ giảm từ 7-12% (do cắt giảm lực lượng gián tiếp, các khâu trung gian, đổi mới công nghệ), thu nhập bình quân của người lao động tăng từ 5-9%. Các chỉ số phát triển của doanh nghiệp đạt và vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 -2025 mà Đảng đề ra (tại văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII). Đối với các doanh nghiệp CNAN dự kiến sẽ tiến hành sắp xếp theo lộ trình đến năm 2025 giảm 10% đến 20% đầu mối, sau khi sắp xếp, số lượng lao động của các doanh nghiệp sẽ giảm 5% đến 9%, thu nhập bình quân của người lao động tăng hàng năm từ 4% đến 11%.

Chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp KHCN của CNQP, CNAN thành doanh nghiệp KHCN sẽ giảm đầu tư từ nguồn NSNN. Làm cho các hoạt động KHCN mang tính thực tiễn hơn, có tính ứng dụng cao. Để triển khai việc hiệu quả, khả thi việc chuyển đổi cần đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ và tríchlại một phần lợi nhuận từ sản xuất sản phẩm có ứng dụng kết quả KHCN.

Mở rộng mạng lưới ĐVCN sẽ góp phần tăng cường tiềm lực CNQP trong thời bình, huy động hiệu quả công nghiệp dân sinh vào phát triển CNQP. Để tạo cơ sở pháp lý mở rộng mạng lưới ĐVCN cần thực hiện mở rộng đối tượng và lĩnh vực ĐVCN.

Việc sắp xếp lại về cơ cấu tổ chức, quản lý sẽ dẫn đến yêu cầu chi ngân sách trong giai đoạn đầu khi thi hành Luật cho việc xử lý lao động dôi dư hoặc tuyển dụng lao động tăng thêm đối với một số vị trí việc làm, lĩnh vực chuyên môn, kỹ năng cần thiết. Theo tính toán, sau khi sắp xếp lại về tổ chức quản lý, trong 3-5 năm, chi ngân sách giải quyết lao động dôi dư đối với CNQP sẽ cần khoảng 200 tỷ đồng, đối với CNAN chi ngân sách giải quyết lao động dôi dư và tuyển dụng lao động tăng thêm sẽ cần chi phí khoảng 150 tỷ đồng.

Việc giao Thủ tướng Chính phủ kiện toàn tổ chức cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về CNQP, ĐVCN và CNAN giúp Chính phủ nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tập trung, thống nhất trong công tác quản lý Nhà nước về CNQP, AN và ĐVCN. Tạo điều kiện thuận lợi, tạo cơ chế đẩy mạnh sự phối hợp giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an với các Bộ, cơ quan ngang Bộ liên quan trong thực hiện chức trách quản lý Nhà nước về CNQP, AN và ĐVCN; làm cho CNQP, AN gắn kết hơn với công nghiệp dân sinh, khắc phục tình trạng khép kín như thời gian vừa qua; tăng hiệu quả huy động nguồn lực dân sinh cho phát triển CNQP, AN, giảm đầu tư từ NSNN.

Việc tổ chức sắp xếp các cơ sở CNQP theo lộ trình đảm bảo sự bền vững phát triển của cơ sở CNQP, phù hợp nhiệm vụ trước mắt và định hướng phát triển lâu dài của cơ sở CNQP nòng cốt, không tạo ra sự chuyển biến đột ngột, đứt gãy trong sản xuất sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh. Đồng thời, cũng tạo lộ trình, mục tiêu đẩy mạnh sự tích tụ làm cho doanh nghiệp CNQP có sự chuyển biến về chất, trở thành các Tập đoàn CNQP thực sự tham gia hiệu quả vào nền kinh tế quốc dân, đủ lực để có thể vận hành theo cơ chế thị trường, giảm sự phụ thuộc vào NSNN, giảm chi đầu tư công cho đầu tư phát triển CNQP.

Việc kiện toàn, sắp xếp các cơ sở CNAN đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững, phù hợp với nhiệm vụ trong tình hình mới và định hướng phát triển lâu dài, không tạo ra sự chuyển biến đột ngột, đứt gãy trong sản xuất sản phẩm an ninh.

Trên 96% đại biểu tán thành thông qua Luật phòng chống rửa tiền
Tránh trường hợp Luật Đất đai được thông qua nhưng các luật khác lại gặp nhiều cản trở trong việc thực thi
Năm 2022, việc nợ ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh tăng mặc dù số văn bản cần ban hành ít
Đăng Khôi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động