Thứ năm 25/04/2024 22:08

Cần đánh giá kỹ các tác động của chính sách xây dựng công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Một trong những chính sách trong dự thảo Luật Công nghiệp Quốc phòng (CNQP), an ninh và động viên quốc phòng đó là xây dựng nền CNQP theo hướng lưỡng dụng. Về chính sách này cũng có nhiều ý kiến, trước đó, VCCI cho rằng, cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng hơn các tác động của chính sách này.
Cần đánh giá kỹ các tác động của chính sách xây dựng công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng

Cần đánh giá kỹ lưỡng hơn các tác động của chính sách CNQP lưỡng dụng. Ảnh minh hoạ

Chính sách xây dựng nền CNQP theo hướng lưỡng dụng

Trong Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về "Đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, yêu cầu phát triển CNQP theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng; gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; cụ thể hóa mục tiêu xây dựng quân đội và góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng ghi nhận, thời gian qua, CNQP đã đạt được những kết quả quan trọng, sản phẩm CNQP ngày càng đa dạng, lưỡng dụng, bảo đảm chất lượng, góp phần tự chủ bảo đảm vũ khí trang bị, từng bước hiện đại hóa quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng quân đội.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có những biến động, khó khăn nên yêu cầu phát triển CNQP để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ngày càng cao.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị thể hiện sự quan tâm sâu sắc, sự kỳ vọng và tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với ngành CNQP, cụ thể hóa mục tiêu xây dựng quân đội đến năm 2025 cơ bản tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đồng thời góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ quán triệt, làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn và chỉ ra những nhiệm vụ, giải pháp phát triển CNQP theo hướng: Phát triển CNQP chủ động, tự lực, tự cường; phát triển CNQP hiện đại dựa trên 3 yếu tố then chốt là: Tiềm lực khoa học công nghệ, nhân lực và xây dựng thể chế; phát triển CNQP lưỡng dụng (phục vụ cả quân sự và dân sự)…

Quán triệt chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, Trung tướng Trần Hồng Minh, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP cũng cho rằng, chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước trong xây dựng Quân đội nói chung, nền CNQP, an ninh nói riêng là rất rõ ràng, bảo đảm vừa phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, vừa góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước và đầu tư cho CNQP, an ninh theo hướng lưỡng dụng, hiện đại được chú trọng.

Bởi lẽ, trong Nghị quyết đã nêu rõ phát triển CNQP, an ninh theo hướng lưỡng dụng, hiện đại. Thứ hai, phát triển CNQP, an ninh trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

Từng bước làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa, cải tiến nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, công nghệ cao, hiện đại, đáp ứng một phần nhu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang, phù hợp với chiến lược quốc phòng và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Thực hiện chuyển giao công nghệ hai chiều giữa CNQP và công nghiệp quốc gia, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa CNQP và công nghiệp quốc gia. Trong đó, CNQP lấy làm mũi nhọn cho công nghiệp quốc gia. CNQP phải là cơ sở thúc đẩy công nghiệp quốc gia phát triển. Cùng với đó nghiên cứu, sản xuất được nhiều mặt hàng kinh tế chất lượng cao, tạo được thương hiệu, uy tín, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thúc đẩy hội nhập quốc tế…

Vẫn theo Trung tướng Trần Hồng Minh, các định hướng trên đã thể hiện sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược. CNQP phải vừa làm nhiệm vụ sản xuất VKTBKT, vừa là đầu tàu, mũi nhọn của công nghiệp quốc gia để tham gia vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Vì vậy, yêu cầu hiện đại, lưỡng dụng là yêu cầu thực tiễn cấp thiết, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cần đánh giá kỹ lưỡng hơn các tác động của chính sách này

Liên quan đến các ưu đãi với doanh nghiệp quốc phòng sản xuất lưỡng dụng, Dự thảo đưa ra các quy định về ưu đãi thuế, phí, vốn vay cho doanh nghiệp để đầu tư sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm, công nghệ lưỡng dụng.

Theo VCCI, các quy định này cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn. Nguyên nhân là trọng tâm chính của việc phát triển CNQP, an ninh vẫn phải là phát triển các công nghệ, sản phẩm theo yêu cầu của quân đội, công an, dù nhiều CNQP, an ninh có thể sử dụng được cho cả dân sinh, nhưng cũng có những công nghệ không được chia sẻ hoặc chưa thể thương mại hóa ra bên ngoài khu vực quân sự.

Vì vậy, việc công nghệ, sản phẩm đó có đặc tính lưỡng dụng có thể mở thêm cơ hội kinh doanh cho các cơ sở sản xuất (quốc phòng, an ninh). Tuy nhiên, hoạt động này chỉ nên coi như một hoạt động bên lề nhiệm vụ chính, nhằm tận dụng năng lực sản xuất đã được đầu tư. Việc đưa ra các chính sách ưu đãi, bản chất là các công cụ kinh tế, có thể ảnh hưởng đến mức độ ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh trong hệ thống các cơ sở sản xuất liên quan.

VCCI đặc biệt lo ngại nguy cơ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng với khối doanh nghiệp tư nhân: nhiều lĩnh vực công nghiệp lưỡng dụng như hoá nổ, quang điện tử, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới… cũng là các lĩnh vực kinh doanh đang được khối doanh nghiệp tư nhân tích cực đầu tư nguồn lực phát triển.

Doanh nghiệp CNQP, an ninh được Nhà nước tài trợ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị tài sản, cơ sở vật chất từ nguồn ngân sách Nhà nước và các ưu đãi khác vì đây là nhiệm vụ quan trọng quốc gia.

Việc bổ sung các ưu đãi về kinh tế để khuyến khích doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất công nghệ lưỡng dụng bán ra thị trường dân sự sẽ tiếp tục tạo ra ưu thế kinh tế cho các doanh nghiệp này, giúp giá thành sản phẩm thấp hơn giá thành thực tế, và có thể cạnh tranh không bình đẳng với các sản phẩm do các doanh nghiệp tư nhân sản xuất. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng hơn các tác động của chính sách này

Để giải tỏa những nghi ngại trên, VCCI đề xuất nên có chính sách liên quan đến việc cho phép, hỗ trợ cho các doanh nghiệp dân sinh tham gia vào mô hình liên kết với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.

Trong mô hình này, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sẽ chịu trách nhiệm phát triển công nghệ quốc phòng, an ninh theo yêu cầu của Nhà nước. Nếu công nghệ lưỡng dụng, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sẽ nghiên cứu, chuyển giao phần công nghệ có thể phát triển thành công nghệ dân sự cho doanh nghiệp dân sinh. Doanh nghiệp dân sinh sẽ chịu trách nhiệm phát triển, sản xuất và kinh doanh sản phẩm này. VCCI nhận định mô hình này có điểm thuận lợi là chuyên môn hoá hoạt động của các doanh nghiệp liên quan.

Cần thiết có quy hoạch, kế hoạch xây dựng cụ thể để CNQP trở thành mũi nhọn công nghiệp quốc gia
Cần thiết xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp dân sinh tham gia công nghiệp quốc phòng
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động