Học phí Đại học tăng cao nhất 40%, cơ hội nào cho sinh viên nghèo?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột điều ai cũng nhận thấy là thu học phí cao sẽ tạo ra rào cản đối với sinh viên nghèo trong tiếp cận học tập. Ảnh: Khánh Huy |
Tăng theo lộ trình nhưng vẫn “chóng mặt”
Năm học 2022-2023, khối ngành VI.2 (Y dược) tăng 71,3% (hiện ở mức trần 1,43 triệu đồng/tháng sẽ tăng lên thành 2,45 triệu đồng/tháng). Các khối ngành còn lại (trừ khối ngành II) hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%, riêng khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên) mức tăng vừa phải hơn, 15,3%.
Theo Nghị định 81 của Chính phủ, các năm học tiếp theo, lộ trình tăng học phí cũng được quy định rõ để người học có cơ sở theo dõi, cân nhắc lựa chọn ngành nghề cho phù hợp. Lộ trình tăng học phí của các trường còn phụ thuộc vào lộ trình thực hiện tự chủ bởi theo quy định, với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự chủ mức 1 (đảm bảo chi thường xuyên), học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí các trường chưa tự chủ nêu trên, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học. Với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự chủ mức 2 (đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư), học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí các trường chưa tự chủ nêu trên.
Thông tin về học phí tại các trường cho thấy, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, học phí dự kiến cao nhất rơi vào khoảng 44,5 triệu đồng đối với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. So sánh với mức học phí là 32 triệu đồng/năm 2021, mức tăng này đã đạt đến 40%.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng dự kiến tăng học phí, ngành Răng Hàm Mặt chương trình tiếng Việt năm 2022 là 105 triệu đồng/học kỳ, trong khi mức cũ là 91 triệu đồng/học kỳ. Với chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, mức học phí tăng từ 110 triệu đồng/học kỳ lên mức 125 triệu đồng/học kỳ. Với các ngành học khác, mức tăng nhẹ hơn.
Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tăng học phí ở khóa tuyển sinh năm 2022. Mức thu cho năm học 2022-2023 tương đương 42 triệu đồng, năm học 2023-2024 là 44 triệu đồng, năm học 2024-2025 là 46 triệu đồng và năm học 2025-2026 là 48 triệu đồng. Chỉ tính riêng học phí năm học 2022-2023 khi so sánh với mức 35 triệu đồng/năm cho khóa tuyển sinh năm 2021, học phí của trường đã tăng thêm 24,5%.
Việc thực hiện tự chủ ĐH cũng đặt ra nhiều thách thức rất lớn liên quan đến tài chính. Ảnh: Khánh Huy |
Từ năm 2022, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP HCM thực hiện đổi mới, tự chủ về học phí, vì vậy, mức thu học phí của trường dự kiến tăng lên từ 16-60 triệu đồng/năm. Cụ thể, học phí nhóm ngành khoa học xã hội từ 16-20 triệu đồng/sinh viên/năm học; học phí nhóm ngành ngôn ngữ và du lịch từ 21-24 triệu đồng/sinh viên/năm học. Mức học phí chương trình chất lượng cao (theo chi phí thực tế) gấp 3 lần mức trần học phí chương trình đào tạo hệ chuẩn trình độ đại học, dự kiến là 60 triệu đồng/sinh viên/năm.
Tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, mức học phí cho khóa tuyển sinh năm 2022 dự kiến 64-72 triệu đồng/năm (tùy ngành). Trong khi đó, tại Trường ĐH Hoa Sen, học phí năm học 2022 với 33 ngành và 10 chương trình đào tạo bậc ĐH chính quy sẽ dao động từ 80-85 triệu đồng/năm học. Riêng chương trình song bằng sẽ có mức phí trung bình 85,5 triệu đồng/năm; Hoa Sen Elite sẽ có mức học phí 115-120 triệu đồng/năm.
Đối với Trường ĐH Bách khoa TP HCM, mức học phí áp dụng với sinh viên trúng tuyển năm 2021 là 24 triệu đồng/năm cho chương trình chính quy đại trà. Theo lộ trình dự kiến, năm học 2022 - 2023 học phí trường này tăng lên 27,5 triệu đồng/năm và tiếp tục tăng lên mức 30 triệu đồng/năm trong 2 năm sau đó. Với các chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế, chuyển tiếp quốc tế, tăng cường tiếng Nhật, học phí lên tới 50 - 66 triệu đồng/năm cho khóa tuyển sinh 2021, 55 - 72 triệu đồng/năm cho khóa tuyển sinh năm 2022. Lộ trình dự kiến 2 năm sau đó, học phí các chương trình này khoảng 60 - 80 triệu đồng/năm.
Theo lộ trình dự kiến, học phí cho sinh viên khóa tuyển sinh năm 2022 của Trường ĐH Công nghệ thông tin TP HCM sẽ ở mức 30 triệu đồng/năm (chính quy), 40 triệu đồng/năm (chất lượng cao) và 50 triệu đồng/năm (tiên tiến). Hai năm học tiếp theo, học phí dự kiến tăng từ 35 - 55 triệu đồng/năm tùy chương trình.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đã đưa ra dự kiến mức học phí năm 2022 đối với các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) được miễn học phí; các ngành khác hệ đại trà là 440.559 đồng/ tín chỉ; hệ chất lượng cao là 1.321.677 đồng/ tín chỉ.
Còn tại Trường Đại học Hoa Sen, học phí năm học 2022 với 33 ngành và 10 chương trình đào tạo bậc đại học chính quy sẽ dao động từ 80 đến 85 triệu đồng/năm học. Riêng chương trình song bằng sẽ có mức phí trung bình 85,5 triệu đồng/năm; Hoa Sen Elite sẽ có mức học phí 115 - 120 triệu đồng/năm; chương trình đào tạo từ xa sẽ có học phí 20 triệu đồng/năm.
Một hi vọng cho những sinh viên nghèo học giỏi là năm 2022, Trường ĐH Thủy lợi tuyển sinh 6 ngành mới. Trong đó có ngành Kỹ sư thủy lợi tiềm năng - nếu sinh viên theo học sẽ được chu cấp toàn bộ học phí, chi phí sinh hoạt và có việc làm ngay khi ra trường.
Năm nay, Trường ĐH Thủy lợi tuyển sinh 37 ngành và nhóm ngành, trong đó có 6 ngành mới. Bên cạnh đó, trường tuyển sinh theo 4 phương thức, trong đó sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội là phương thức mới được áp dụng.
Nhà trường vừa nhận quyết định đặt hàng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ngành Kỹ sư thủy lợi tiềm năng. Theo đó, toàn bộ sinh viên sẽ được chu cấp toàn bộ tiền học, chi phí sinh hoạt và sau khi tốt nghiệp ra trường thì công việc làm sẽ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Thủy lợi phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ lo cho các em.
Thách thức về tài chính khi tự chủ không nên chỉ dồn vào học phí
Một điều ai cũng nhận thấy là thu học phí cao sẽ tạo ra rào cản đối với sinh viên nghèo trong tiếp cận học tập. Chỉ các gia đình có thu nhập khá trở lên mới đủ khả năng cho con học những ngành học “đắt đỏ”.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM, điểm tích cực của việc tự chủ ĐH là đi cùng với trách nhiệm giải trình. Trách nhiệm giải trình của trường ĐH thể hiện sự minh bạch của các bên liên quan. Các trường ĐH nhận kinh phí từ ngân sách nhà nước, các nhà tài trợ và từ nguồn học phí của sinh viên. Do vậy, việc minh bạch các khoản chi là bắt buộc. Chỉ số thứ hai là chất lượng đào tạo mà thước đo quan trọng nhất là khả năng có việc làm của người học sau khi tốt nghiệp cũng như mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng.
Tuy nhiên, việc thực hiện tự chủ ĐH cũng đặt ra ba thách thức rất lớn liên quan đến tài chính. Những thách thức đó bao gồm: Không còn được đảm bảo nguồn chi từ ngân sách Nhà nước, chưa có chính sách tín dụng phù hợp cho sinh viên vay, chưa đa dạng hóa được các nguồn thu. Nếu không có hệ thống các giải pháp đồng bộ sẽ giới hạn cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; sẽ khiến các trường ĐH chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia.
Ba nguồn thu chính tại các trường ĐH công lập bao gồm: Ngân sách Nhà nước, học phí và các nguồn thu khác (thu từ chuyển giao công nghệ, thu từ các hoạt động dịch vụ, từ hiến tặng, từ hợp tác công - tư...). Trong ba nguồn thu này thì lớn nhất và quan trọng nhất vẫn là học phí. Khi các trường đại học tự chủ, ngân sách Nhà nước sẽ không còn. Để giảm bớt gánh nặng học phí, các trường cần đẩy mạnh hoạt động để tăng nguồn thu khác.
Tuy nhiên, việc gia tăng các nguồn thu này phụ thuộc vào quy định của các văn bản pháp luật cũng như cần thời gian lâu dài. Chẳng hạn để triển khai hợp tác công - tư trong lĩnh vực giáo dục ĐH còn gặp một số khó khăn, đặc biệt là việc định giá tài sản của các trường. Đối với các trường ĐH công, đất thuộc sở hữu Nhà nước, nhà trường chỉ được giao quyền sử dụng nên việc định giá tài sản là rất khó.
Chính sách miễn học phí hiện nay chỉ mới áp dụng cho sinh viên thuộc diện hộ nghèo nhưng chưa có cho hộ cận nghèo, hộ thu nhập trung bình thấp cũng rất cần hỗ trợ. Ảnh: Khánh Huy |
Ngay cả khi các dự án hợp tác công - tư đi vào hoạt động cũng cần một thời gian dài để thu hồi vốn và từ đó mới có thể tính đến việc đóng góp kinh phí lại cho trường ĐH. Điểm cuối cùng là chưa có chính sách ưu tiên trong hợp tác công - tư cho các trường ĐH tự chủ.
PGS.TS Vũ Hải Quân cho rằng nên sớm xây dựng và ban hành chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam. Trong đó có phân tích, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao cho mỗi giai đoạn, đề xuất kinh phí đầu tư của Nhà nước để đào tạo nhóm lao động này, từ đó sớm xây dựng và triển khai cơ chế đặt hàng đào tạo đối với các trường đại học trong đó có 2 ĐH quốc gia.
Có lộ trình điều tiết ngân sách Nhà nước đối với các trường ĐH tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường ĐH đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm), để đảm bảo việc tăng học phí của các trường ĐH tự chủ phải theo lộ trình. Sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác công - tư, nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng...
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, phương án có thể áp dụng ngay là điều chỉnh chính sách về tài chính, thực hiện cơ chế tài chính học phí cao – hỗ trợ cao (hỗ trợ bao gồm học bổng và tín dụng sinh viên). Cơ chế này sẽ một mặt vừa giúp tăng suất đầu tư trên đầu sinh viên (là điều kiện cần để đảm bảo chất lượng, đảm bảo thu nhập cho giảng viên), vừa không làm ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của người nghèo. Cơ chế “2 cao” này được nhiều người kỳ vọng sẽ xử lý tốt hơn cơ chế “2 thấp” (học phí thấp, hỗ trợ thấp) trong việc đồng thời giải quyết mục tiêu kép: nâng cao chất lượng – mở rộng cơ hội đi học đại học cho người nghèo.
Cùng với đó, chính sách học bổng và tín dụng phải đảm bảo là dù tăng học phí nhưng người nghèo vẫn có cơ hội học tập. Tùy vào từng đối tượng, trường hợp khác nhau mà có thể áp dụng chính sách về học bổng hoặc chính sách vay vốn hoặc kết hợp cả hai. Quỹ học bổng cho sinh viên nghèo phải do Nhà nước quản lý thì mới điều phối và thực hiện hiệu quả, đúng đối tượng. Tất nhiên, sinh viên nghèo cũng phải đảm bảo đạt được các yêu cầu, tiêu chí về đầu vào.
Học bổng này không chỉ đáp ứng mức học phí mà còn cả về sinh hoạt phí cho sinh viên, sẽ có các mức học bổng cho từng đối tượng, ai có khả năng chi trả thấp thì mức học bổng sẽ cao.
Chính sách miễn học phí của chúng ta hiện nay chỉ mới áp dụng cho sinh viên thuộc diện hộ nghèo nhưng chưa có cho hộ cận nghèo, hộ thu nhập trung bình thấp cũng rất cần hỗ trợ. Phải xét từng trường hợp, sinh viên phải có đơn xin học bổng, trong đơn làm rõ điều kiện hoàn cảnh của mình và phải thể hiện sự nghiêm túc của mình về việc học.
Theo quy định, khi thực hiện tự chủ, các trường phải cam kết dành ít nhất 8% nguồn thu học phí để lập các quỹ học bổng, hỗ trợ sinh viên. Mức này theo các chuyên gia đánh giá là vẫn thấp. Ngoài mức 8% được lấy từ tổng số học phí thu được, nhà trường cần phải huy động từ những nguồn khác, từ sự đóng góp của các doanh nghiệp, các mạnh thường quân. Hiện nay về mặt chính sách thuế đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trường thành lập quỹ, nộp tiền vào quỹ mà không phải gặp vướng mắc, rào cản nào. Vậy vấn đề còn lại là các trường sẽ triển khai như thế nào.
Cùng với đó, tăng học phí phải đi đôi với tăng chất lượng. Chất lượng của một cơ sở giáo dục đại học phải được thể hiện qua hệ thống đảm bảo chất lượng, với các tiêu chí như: Về kiểm định chất lượng. Hai là các thông số minh bạch về kết quả đầu ra như xếp hạng; công bố khoa học của giảng viên; tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm hàng năm; mức thu nhập của sinh viên sau khi ra trường;... Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường ĐH là phải minh bạch, công khai thông tin, đồng thời phải đảm bảo người dân dễ dàng được tiếp cận thông tin này.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại