Hoang mang vì kẻ tâm thần từng ăn thịt người xuất viện
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGần 4 năm điều trị ở bệnh viện Tâm thần nhưng bệnh tình của Hà Văn Pẩu cứ đỡ rồi lại tái phát, nên anh cứ phải ra vào viện liên tục. Trong khi đó, bà con nơi anh ở đã đồng loạt kiến nghị: Không cho Pẩu trở về cộng đồng!
Bệnh nhân Hà Văn Pẩu đang là nỗi thấp thỏm của bà con
làng xóm.
Gia đình, làng xã không nhận người tâm thần giết người
Năm 2008, cả tỉnh Lạng Sơn hoang mang với thông tin xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan có người mắc bệnh tâm thần đã đánh chết một bé gái hàng xóm (SN 2002) rồi ăn thịt cô bé này.
Khi đó, Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn kết án Hà Văn Pẩu (dân tộc Tày, 37 tuổi) tội tử hình vì hành vi dã man đó. Nhưng trong quá trình phúc thẩm, xác định Pẩu bị bệnh tâm thần nên tòa án đã hủy bản án hình sự và đưa Pẩu đi chữa trị ở Bệnh viện Tâm thần TƯ I.
Chữa trị đến ngày 11/10/2011, Pẩu được bệnh viện trả về địa phương với lí do: Bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Những tội ác mà Hà Văn Pẩu gây ra tưởng chừng đã lắng xuống thì giờ đây lại là nỗi thấp thỏm của bà con người Tày nghèo ở Đồng Giáp.
Ngay lập tức, bà con đồng loạt đến Ủy ban xã kiến nghị: Không cho Pẩu trở về cộng đồng vì sợ chuyện đau lòng lại xảy ra. Gia đình, họ hàng Pẩu cũng không ai dung dưỡng anh.
Ông Hà Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chúng tôi dự định sẽ xây cho Pẩu một ngôi nhà tình thương bằng tiền hỗ trợ của UBND huyện. Thế nhưng, chỉ sau 3 ngày về địa phương, Pẩu lại tái phát bệnh. Anh phá phách và la hét khiến cho lực lượng dân quân xã rất vất vả. Xã lập tức làm công văn lên huyện và Bệnh viện Tâm thần TƯ I thì ngay ngày hôm sau đã có xe đón Pẩu trở lại viện”.
Cho đến thời điểm này, Pẩu đã gần 4 năm điều trị ở bệnh viện và đã hết hạn điều trị theo quy định nhưng bệnh tình cứ đỡ rồi lại tái phát, nên anh cứ phải ra vào viện liên tục.
Theo lời kể của người em ruột Pẩu là Hà Văn Xuôi (ở thung Nà Bản, xã Đồng Giáp), gia đình đã phát hiện Pẩu có triệu chứng tâm thần từ khi lên 10, gia đình cho anh nghỉ học và bắt đầu một hành trình dài dặc điều trị.
Mẹ của Pẩu từng là giáo viên, đã phải nghỉ dạy đưa Pẩu lê la hết Bệnh viện tỉnh đến Bệnh viên Trung ương chữa trị.
“Có những đợt mẹ tôi đưa anh Pẩu ăn chực nằm chờ ở Bệnh viện Tâm thần TƯ I suốt 7 tháng để điều trị nhưng bệnh vẫn không khỏi”.
Nghe tin có ông lang ở tít Cao Bằng bốc thuốc nam giỏi, ông thầy cúng ở tít Chi Lăng, mẹ tôi đều lặn lội đến tìm - anh Xuôi kể.
“Bao nhiêu trâu, bò, lợn, gà, nhà cửa, mẹ tôi đều bán đi để chữa trị cho anh nhưng bệnh tình anh vẫn không thuyên giảm”.
Sau khi cưới vợ, bệnh tình của Pẩu càng phát triển mạnh hơn, đến nỗi cô vợ cũng không chịu được và bỏ đi thì xảy ra chuyện đau lòng trên. “Ít ngày sau biến cố đó, mẹ tôi cũng ra đi trong khổ cực và tủi nhục” - Anh Xuôi tiếp lời.
Anh Hà Văn Xuôi như đứt từng khúc ruột khi viết là đơn từ chối nhận dung dưỡng anh trai ruột của mình
Lá đơn đẫm nước mắt… từ chối anh trai
Hà Văn Xuôi cho biết, anh đã viết lá đơn kiến nghị dài 8 trang gửi các cơ quan liên quan, kể về hoàn cảnh gia đình mình và xin để anh trai mình điều trị trọn đời trong Bệnh viện tâm thần.
Lá đơn dài 8 trang xin để anh trai điều trị trọn đời trong Bệnh viện
tâm thần.
Ông Lăng Văn Toàn - Chủ tịch xã Đồng Giáp bảo: “Để Pẩu về cộng đồng thì cả xã đều lo lắng và các lực lượng, ban nghành của xã không thể giám sát 100% hành vi của Pẩu được. Xã kiến nghị cần có một quy chế để những người mắc bệnh tâm thần đã có hành vi gây nguy hiểm cho cộng đồng như Pẩu có thể điều trị trọn đời trong bệnh viện”.
Bác sĩ Dương Văn Lương, Phó Giám đốc Viện Giám định pháp y Tâm thần TƯ cho biết: Hà Văn Pẩu là bệnh nhân tâm thần đã lâu. Với những bệnh nhân này, cũng có lúc họ tỉnh táo. Nhưng vào một giai đoạn nào đó, bệnh tái phát và có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Bệnh viện không phải là nơi giam giữ mà chỉ là nơi điều trị, khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Trường hợp của Pẩu, sau khi ra viện có thể vào Trung tâm Điều dưỡng bệnh xã hội và ở đây trong một thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn.
Nhưng khi về đến tỉnh Lạng Sơn, ông Nông Thanh Bình, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh & Xã hội tỉnh cho biết: Tỉnh Lạng Sơn chưa có Trung tâm Điều dưỡng bệnh xã hội mà chỉ có các Trung tâm Bảo trợ xã hội dành cho người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi bị bỏ rơi, người nghiện ma túy…
"Không thể để Hà Văn Pẩu ở Trung tâm bảo trợ xã hội được vì không ai dám chắc chuyện đau lòng không xảy ra" - ông Bình cho hay.
Theo Yên Ninh
Bee
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại