Thứ năm 21/11/2024 23:57

Hoàn thiện chế tài xử lý vi phạm lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ và đường sắt, hàng không dân dụng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ và đường sắt, hàng không dân dụng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Giao thông vận tải cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 13-11-2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022 với nhiều nội dung mới như: Bổ sung giải thích thuật ngữ “tái phạm”, quy định cụ thể về nguyên tắc xử phạt đối với từng hành vi trong trường hợp “vi phạm hành chính nhiều lần”, bổ sung quy định Chính phủ được giao quy định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; tăng mức phạt tiền tối đa trong một một số lĩnh vực (trong đó có lĩnh vực giao thông đường bộ); tăng thẩm quyền xử phạt của một số chức danh...

Vì vậy, các nội dung liên quan đến xử phạt vi phạm trong các lĩnh vực hàng hải (được quy định tại Nghị định số 142/2017/NĐ-CP ngày 11-12-2017), lĩnh vực đường bộ, đường sắt (được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019), lĩnh vực hàng không dân dụng (được quy định tại Nghị định số 162/2018/NĐ-CP ngày 30-11-2018) phải được cập nhật, sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và triển khai thực hiện từ ngày 1-1-2022.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện thi hành Nghị định số 142/2017/NĐ-CP ngày 11-12-2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, 2 năm triển khai thực hiện Nghị định số 162/2018/NĐ-CP ngày 30/11/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan được ban hành đòi hỏi phải rà soát để cập nhật, bổ sung mới hoặc sửa đổi các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng.

Bộ Giao thông vận tải đề xuất dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ và đường sắt, hàng không dân dụng nhằm cập nhật những nội dung mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, làm căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt và hàng không dân dụng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải. Đồng thời góp phần làm giảm các hành vi vi phạm trong thực tiễn hiện nay.

Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, đối với việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 142/2017/NĐ-CP ngày 11-12-2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, sẽ sửa đổi quy định về phạm vi điều chỉnh; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; tịch thu, tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ chuyên môn theo thủ tục hành chính; bổ sung quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; quy định về sử dụng thông tin, dữ liệu phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xử phạt.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định vi phạm hành chính về: Xây dựng, quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải; xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn; hoạt động của tàu thuyền; thanh toán phí, lệ phí hàng hải; quản lý đăng ký tàu thuyền và bố trí thuyền viên, sử dụng chứng chỉ chuyên môn, sổ thuyền viên; hành vi vi phạm hành chính về hoa tiêu, hoạt động kinh doanh vận tải biển, vận tải đa phương thức, dịch vụ hỗ trợ vận tải biển và cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, điều kiện hoạt động của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu thuyền và hoạt động phá dỡ tàu thuyền, lao động hàng hải; khai báo, báo cáo tai nạn lao động hàng hải.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định vi phạm hành chính về: Lao động hàng hải; khai báo, báo cáo tai nạn lao động hàng hải; khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động hàng hải; phòng chống thiên tai trong lĩnh vực hàng hải; hoạt động quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã được sửa đổi theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa đổi thẩm quyền xử phạt của các chức danh để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung các hành vi vi phạm về lắp đặt, sử dụng, cung cấp, cập nhật, truyền dữ liệu camera theo quy định để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số hành vi vi phạm hành chính về kích thước thùng xe.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 162/2018/NĐ-CP ngày 30-11-2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Bộ Giao thông vận tải cho biết, sẽ sửa đổi, bổ sung quy định vi phạm hành chính về: Quản lý và khai thác cảng hàng không, sân bay; cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay; đi lại, điều khiển, vận hành phương tiện, thiết bị hoạt động trong cảng hàng không, sân bay; bảo vệ môi trường trong khai thác tàu bay; về nhân viên hàng không, đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, sử dụng nhân viên hàng không và giám định sức khỏe cho nhân viên hàng không; hoạt động vận chuyển hàng không chung và hoạt động hàng không chung; an ninh hàng không; phòng chống cháy nổ tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; điều tra sự cố, tai nạn hàng không.

Quy định khung thời gian tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; sửa đổi quy định về thẩm quyền xử phạt của các chức danh để bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính.

TQ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động