Hoàn chỉnh Đề án Giãn dân phố cổ Hà Nội : Băn khoăn trong triển khai
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Giãn dân phố cổ là vấn đề trọng tâm của quận Hoàn Kiếm cũng như TP Hà Nội trong nhiều năm qua. Một mắt xích lớn là nguồn vốn đã được khai thông, tuy nhiên, thực hiện Đề án thế nào để đảm bảo quyền lợi người dân là vấn đề được lãnh đạo TP đặt ra trong buổi làm việc với quận Hoàn Kiếm hôm qua (13-4).
Cụ thể hóa
Trên 4.300 tỷ đồng để thực hiện Đề án Giãn dân phố cổ giai đoạn 1 của quận Hoàn Kiếm cần sự vào cuộc từ nhiều nguồn lực. Đây là vấn đề then chốt để biến những Đề án trên giấy trở thành hiện thực, thực hiện có hiệu quả những mục tiêu của TP đề ra. Điều đó được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh với UBND quận Hoàn Kiếm, các sở, ngành khi đưa ra các phương án khả thi của Đề án.
Mất 12 năm cho một Đề án đang trở thành hiện thực, để cụ thể hóa, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi yêu cầu quận Hoàn Kiếm cùng liên ngành cần làm nghiêm túc và triệt để trong giai đoạn 1. Mọi vướng mắc phải thông báo với TP để có hướng giải quyết, theo mục tiêu đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân di dời. Đây sẽ là những lợi thế để tiếp tục giai đoạn 2, di dời tiếp khoảng 4.700 hộ dân trong những năm tiếp theo. "Không để dự án kéo dài, doanh nghiệp phải đủ mạnh, quỹ đất giãn dân phải đảm bảo là 3 yếu tố tiên quyết để Đề án thành công" - ông Khôi kết luận.
Theo Đề án, để giảm mật độ từ 823 người/ha hiện nay xuống còn 500 người/ha (mật độ khống chế theo quy hoạch đến năm 2020), quận Hoàn Kiếm sẽ phải di chuyển khoảng 6.550 hộ với trên 2,6 vạn dân, một việc làm không hề đơn giản. Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, đây là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp về nguồn vốn, quỹ đất giãn dân, xây nhà giãn dân.., nhưng với điều kiện hiện tại và qua các thông số kỹ thuật, việc triển khai Đề án là hoàn toàn có cơ sở. "Việc giãn dân phố cổ về bản chất không khác nhiều so với giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy, các cơ chế chính sách tương đồng sẽ được áp dụng. Bên cạnh đó, TP sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, để các hộ gia đình cảm thấy hài lòng với nơi ở mới" - Phó Chủ tịch UBND TP nhận định.
Một góc phố cổ Hà Nội.
Khai thông về nguồn vốn
Từ khi đưa ra mục tiêu giãn dân phố cổ Hà Nội đến khi Đề án có tính khả thi cao, TP đã mất 12 năm để "bàn" và đưa ra những chiến lược cụ thể. Đến nay, các giai đoạn chuẩn bị đã được hoàn tất, với mục tiêu khắc phục tình trạng quá tải về hạ tầng xã hội, kỹ thuật, đồng thời đảm bảo bảo tồn, tôn tạo phố cổ, giãn dân tại quận trung tâm của TP.
Mối lo ngại nhất về nguồn vốn để thực hiện Đề án đã được "khai thông", chủ yếu qua việc huy động từ các nguồn lực xã hội theo hình thức xã hội hóa. Các nhà thầu tự ứng toàn bộ vốn để xây dựng quỹ nhà, sau đó bàn giao cho TP để bán cho người dân trong diện giãn dân. Giai đoạn 1 được thực hiện trên khu đất có diện tích 11,12 ha tại Khu Đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên), đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1.800 hộ dân. Kế hoạch hoàn thành và bàn giao căn hộ giãn dân sẽ diễn ra vào quý III-2015.
Theo ông Vũ Văn Viện, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, trong giai đoạn 1 sẽ tiến hành di chuyển khoảng 1.800 hộ dân, bao gồm 749 hộ thuộc đối tượng giải phóng mặt bằng trong đó 562 hộ sống trong di tích, 39 hộ sống trong trường học, 148 hộ sống trong các công sở và 1.051 hộ sống trong các số nhà đông hộ, nhà đang trong quá trình xuống cấp, hoặc xuống cấp ở mức độ nguy hiểm, các ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn. Những ngôi nhà này đã được điều tra xã hội học và đều tự nguyện di dời.
Tuy nhiên, mối quan tâm rất lớn hiện nay là làm thế nào để kiểm soát và ngăn ngừa khả năng tăng dân số trở lại, hay tình trạng quay trở lại nơi ở cũ sau khi tái định cư. Chính vì vậy, quận Hoàn Kiếm sẽ có cam kết bắt buộc phải chuyển hộ khẩu với các hộ dân sau khi nhận căn hộ tại nơi định cư mới.
Các trường hợp KT2 đi và KT2 đến sẽ được giám sát chặt chẽ. Đối với hộ tự nguyện và tách hộ để giãn dân, quận kiểm soát chặt đầu đi và đến. Trường hợp nhận nhà giãn dân mà không đến ở hoặc bán, cho thuê, đồng thời quay trở lại nơi ở cũ sẽ bị thu hồi căn hộ. "Việc chuyển nhượng diện tích nhà ở sau khi giãn dân cũng có sự khống chế về đối tượng mua, sẽ chỉ được phép chuyển nhượng cho những người sống trong cùng số nhà, hộ liền kề và phải có hộ khẩu phố cổ…" - đại diện quận nói.
Quang Minh
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại