Thứ sáu 22/11/2024 16:36

“Hòa giải viên cần phải có sự chân thành - nghĩa tình trong cuộc sống, sự khéo léo - linh động trong công việc”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đó là một trong những kinh nghiệm để hóa giải mâu thuẫn được ông Trần Công Duyên (76 tuổi) – Bí thư Chi bộ kiêm Tổ phó Tổ hòa giải Tổ dân phố 14 phường Phúc La (quận Hà Đông, Hà Nội) đúc kết trong gần 10 năm tham gia công tác hòa giải cơ sở.
Ông Trần Công Duyên (bên phải) chia sẻ: “Để hòa giải thành thì một trong những kỹ năng quan trọng là hòa giải viên phải có kỹ năng “dân vận khéo””. Ảnh: Minh Phong
Ông Trần Công Duyên (bên phải) chia sẻ: “Để hòa giải thành thì một trong những kỹ năng quan trọng là hòa giải viên phải có kỹ năng “dân vận khéo””. Ảnh: Minh Phong

Chia sẻ với phóng viên Ấn phẩm Pháp luật & Xã hội (Báo Kinh tế và Đô thị), ông Trần Công Duyên cho biết, với tình cảm thân ái mà sâu sắc ông dành cho Tổ dân phố 14 nói riêng và phường Phúc La nói chung, nên sau khi nghỉ chế độ, với vốn kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được trong những năm công tác, bà tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương.

Thời gian qua, Tổ dân phố 14 phường Phúc La được đánh giá là một trong những điểm sáng trong công tác hòa giải cơ sở. Do làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nên địa bàn Tổ dân phố 14 những năm qua không phát sinh những vụ việc mâu thuẫn phức tạp. Tuy nhiên, vẫn có những vụ việc nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư, liên quan đến đất đai, môi trường, hôn nhân...

Nhờ sự nhiệt tâm, khéo léo của ông Duyên và các thành viên trong tổ hòa giải, cùng những buổi phân xử thấu tình đạt lý của tổ hòa giải đã giúp phố phường yên vui, bà con xích lại gần nhau hơn, nhiều gia đình thêm hạnh phúc.

Ông Duyên cho hay, Tổ hòa giải Tổ dân phố 14 có 11 thành viên, các hòa giải viên đều là những người có uy tín, kinh nghiệm và đặc biệt rất khéo dân vận… Do đó, đối với từng vụ việc, tổ hòa giải cơ cấu đúng thành phần nên hòa giải rất hiệu quả. Chẳng hạn như hòa giải hôn nhân thì nhờ cán bộ Hội phụ nữ tiếp, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia tộc thì có đoàn thể Mặt trận Tổ quốc đứng ra chèo lái, ẩu đả giữa thanh thiếu niên thì có đoàn thanh niên vận động hàn gắn, những vụ phức tạp hơn thì nhờ công an giải quyết...

Với gần 10 năm làm công tác hòa giải, ông Duyên nêu kinh nghiệm, không nên để mâu thuẫn bùng nổ thành tranh chấp mà phải biết cách dùng lý lẽ và tình cảm để khuyên can. Người hòa giải phải có cái tâm, thấy vụ việc phát sinh là bắt tay vào làm ngay, không ngại thiên hạ gièm pha “ăn cơm nhà, xía chuyện người ta”.

Ông Trần Công Duyên cho biết: “Nguyên tắc hàng đầu của người làm công tác hòa giải là phải nỗ lực mỗi ngày rèn luyện kỹ năng “dân vận khéo”. Hòa giải viên cần phải có sự chân thành - nghĩa tình trong cuộc sống, sự khéo léo - linh động trong công việc”, sao cho cả lời nói và hành động phải có uy tín thì người đân mới tin và nghe theo. Hòa giải viên phải công tâm, không áp đặt, để các bên tự thỏa thuận và người làm công tác hòa giải phải xây dựng được tình cảm tốt với Nhân dân trên địa bàn”.

“Khi tham gia hòa giải, tổ hòa giải chỉ giải thích đúng sai, chỉ ra hướng mở, để sau mâu thuẫn, hàng xóm vẫn còn qua lại với nhau. Các thành viên trong tổ hòa giải luôn quan niệm: “Cái tình là trên hết” nên bằng mọi cách luôn cố gắng giúp bà con giữ hòa khí” - ông Duyên nhấn mạnh.

Theo ông Duyên, khi người dân nộp đơn, tổ hòa giải sẽ thẩm định đơn, họp tổ, phân công thành viên nắm tình hình, xác minh sự vụ, lên lịch giải quyết. Những vụ việc về tranh chấp hợp đồng dân sự thường có tỷ lệ thành công cao. Vấn đề hôn nhân gia đình là mảng làm tổ hòa giải đau đầu nhất. Đối tượng nộp đơn xin ly hôn thường rơi vào các cặp vợ chồng trẻ, do mâu thuẫn trong cách sống, bức bối kinh tế, không biết cách hành xử dẫn đến rạn nứt tình cảm. Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tổ hòa giải cũng đã hàn gắn không ít đôi tưởng đã chia tay, chấp nhận trở lại sống chung với nhau.

“Việc hòa giải phải có lòng kiên nhẫn và sự nhiệt tình. Hiếm có vụ việc nào chỉ hòa giải một lần đã thành công, mà phải đi lại nhiều lần, lựa lời hỏi han, chia sẻ. Lúc thì trò chuyện với người này, khi thì tâm sự với người kia, để các bên cùng lắng nghe, thấu hiểu, dần dần hóa giải được mâu thuẫn. Cho dù vất vả hay mất nhiều thời gian công sức, nhưng bù lại là niềm vui sau mỗi lần hòa giải được mâu thuẫn giữa mọi người, là sự tin yêu, quý mến của bà con lối phố” – ông Duyên chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Tiến - Bí thư Đảng ủy phường Phúc La cho biết, Tổ dân phố 14 là một trong những tổ có hòa giải đạt hiệu quả cao của phường, những vụ việc phát sinh đều được giải quyết êm đẹp. Thành viên tổ hòa giải là những ông/bà có năng lực, uy tín, kiến thức, được bà con tin tưởng.

“Những năm qua, với cương vị Bí thư Chi bộ, bằng uy tín của mình, ông Trần Công Duyên đã vận động, thuyết phục các hộ dân thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, không lấn chiếm vỉa hè lòng đường… góp phần giữ cho bộ mặt đô thị tại Tổ dân phố 14 nói riêng và phường Phúc La nói chung luôn khang trang - sạch đẹp.

Là Tổ phó Tổ hòa giải Tổ dân phố 14, với tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết, không quản ngày đêm, mưa nắng, ông Trần Công Duyên đã gắn kết tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt. Nhờ ông mà lãnh đạo phường đã kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân để giải quyết công việc hợp lý, nhanh chóng. Ông Trần Công Duyên xứng đáng là một điển hình trong công tác hòa giải ở địa phương” – ông Nguyễn Đức Tiến nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND phường Phúc La Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, sau 11 năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn phường Phúc La đã không ngừng phát triển. Cấp ủy, chính quyền phường luôn quan tâm củng cố kiện toàn, phát huy vai trò của các tổ hòa giải ở cơ sở, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình đoàn kết, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn.

“Các tổ hòa giải trên địa bàn phường được kiện toàn bảo đảm đúng số lượng, thành phần theo quy định, chất lượng hòa giải được nâng lên, số vụ hòa giải thành ngày càng tăng, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cơ quan Nhà nước và công dân” – bà Nguyễn Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Trong năm 2024, Hà Nội sẽ tuyển chọn, bổ nhiệm 37 hòa giải viên lao động
Công tác hòa giải cơ sở đã đạt được những kết quả đáng khích lệ
Nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên cơ sở
Văn Biên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động