Hòa giải cơ sở đã tiết kiệm cho chi phí tòa án như thế nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTiết kiệm chi phí
Những năm qua, hòa giải ở cơ sở đã hòa giải thành được số lượng lớn các vi phạm pháp luật và tranh chấp trong cộng đồng dân cư. Theo số liệu thống kê, trong 6 năm, tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 875.312 vụ, việc. Trong đó, hòa giải thành 707.945 vụ, việc (đạt tỷ lệ 80,9%) cũng có nghĩa là chừng ấy vụ việc được giải quyết êm đẹp mà không phải đáo tụng đình. Có được kết quả này, trước hết là nhờ sự đóng góp của đội ngũ hòa giải viên đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tận tâm, nhiệt tình trong việc hàn gắn những rạn nứt về tình cảm, vun đắp, thắp sáng tình yêu thương, sự hòa thuận trong từng gia đình, làng xóm, cộng đồng dân cư.
Các chi phí, lệ phí tố tụng sẽ giảm đi đáng kể so với trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải tại cơ sở |
Theo quy định tại Chương XXXIII của BLTTDS năm 2015, kết quả hòa giải thành ở cơ sở có thể được Tòa án công nhận khi thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 417 của Bộ luật. Lần đầu tiên Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã dành hẳn 1 chương (Chương XXXIII) quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, trong đó có hòa giải ở cơ sở. Theo đó, yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở là một trong các quyền mới quan trọng của các bên tham gia hòa giải và được hòa giải viên tuyên truyền, phổ biến trong quá trình hòa giải.
Các chi phí, lệ phí tố tụng (300.000 đồng, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án) mà đương sự phải chịu sẽ giảm đi đáng kể so với trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật không giải quyết được bằng con đường hòa giải trước khi khởi kiện đến Tòa án. Tuy nhiên, trên thực tế, đa phần thỏa thuận đạt được đều được các bên mâu thuẫn, tranh chấp tự giác thực hiện mà không cần có sự can thiệp của Nhà nước bởi những thỏa thuận này được các bên “tự nguyện” thương lượng, thỏa thuận với nhau dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của hòa giải viên.
Tiết kiệm thời gian
Đối với các vụ việc hòa giải không thành phải đưa ra cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nội dung tranh chấp, mâu thuẫn, tâm tư nguyện vọng của các bên cũng đã được thể hiện rõ trong biên bản hòa giải không thành, nên sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc xác định phương hướng, đường lối giải quyết vụ việc một cách đúng đắn, thấu tình đạt lý của các cơ quan này.
Trường hợp hòa giải thành, nếu việc thực hiện thoả thuận giữa các bên có khó khăn thì hòa giải viên động viên, giúp đỡ các bên thực hiện thoả thuận, hoặc yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành mà không áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành những thoả thuận của họ. Mọi hành vi tác động đến sự tự do ý chí của các bên như cưỡng ép, làm cho một trong hai bên bị lừa dối hay nhầm lẫn không chỉ không thể hiện đầy đủ tính tự nguyện của các bên mà còn vi phạm quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành của tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự. Theo đó, trong trường hợp phải yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, thì quá trình tố tụng cũng được rút ngắn rất nhiều.
Chi phí hòa giải phụ thuộc vào biểu phí, điều kiện của từng tổ chức hòa giải, phẩm chất hòa giải viên nhưng nhìn chung sẽ tiết kiệm hơn cho các bên khi so sánh với giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hoặc toà án. Thậm chí trong trường hợp các bên giải quyết tranh chấp thành công thông qua việc tiến hành hòa giải tại toà án thì các bên vẫn phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm giải quyết theo thủ tục thông thường. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại