Hỗ trợ sinh kế và tặng quà cho gần 5.500 nạn nhân ảnh hưởng bởi bom mìn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThông tin trên được Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Nguyên Cục trưởng Cục tác chiến, Bộ tổng tham mưu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cho biết tại Hội nghị tổng kết hoạt động của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mình Việt Nam năm 2020 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2021 diễn ra ngày 16-1.
Trung tướng Phạm Ngọc Khóa cho biết, năm 2020, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cùng Hội và các Chi hội địa phương chịu sự tác động và ảnh hưởng rất lớn của tình hình chung do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đồng thời tình hình thời tiết, thiên tai, bão lũ ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động chung của Hội. Tuy vậy, Trung ương Hội đã kết hợp với các địa phương tích cực triển khai một cách kịp thời và hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn.
Riêng trong năm 2020, Hội đã tổ chức tuyên truyền và hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình từ nguồn quỹ Hội và tài trợ của Quỹ Hoa Hòa Bình Việt Nam và doanh nghiệp. Tổng số nạn nhân bom mìn đã được hỗ trợ sinh kế đợt này gồm: trao tặng 40 con bò sinh sản cho 40 nạn nhân; nhà tình nghĩa cho 3 nạn nhân có hoàn cành khó khăn đặc biệt, thăm và tặng quà cho 5 Mẹ Việt Nam anh hùng, tặng Quỹ "Nâng bước em đến trường" khu vực biên giới tại đồn Biên phòng Cha Lo. Chi hội Hà Giang trong năm đã hỗ trợ 37,5 triệu đồng và 1 căn nhà tình nghĩa trị giá 50 triệu đồng cho nạn nhân, đàn bò của nạn nhân sinh sản thêm 3 con nâng tổng số thành 104 con. Tổng giá trị hoạt động hỗ trợ nạn nhân năm 2020 của Hà Giang đạt 117, 5 triệu đồng.
Trung Tướng Nguyễn Đức Soát, Nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân-Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam phát biểu tại Hội nghị (Ảnh V.H) |
Như vậy tính đến nay, với nguồn quỹ Hội cùng với sự đồng hành của Quỹ Hòa bình Mỹ Lai/Hoa Hòa Bình Việt Nam, cùng các nhà tài trợ trong nước, các tổ chức nhân đạo, hảo tâm, qua 28 đợt hoạt động trên địa bàn 20 lượt tỉnh, TP những năm vừa qua, tổng số người đã được hỗ trợ sinh kế và tặng quà của Hội là gần 5.500 người với các mức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể như: hỗ trợ bò giống sinh sản cho 280 gia đình nạn nhân; tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn kinh doanh, mua sắm công cụ sản xuất, sửa chữa nhà ở, tặng phương tiện nghe nhìn, chân tay giả, xe lăn, dụng cụ chỉnh hình, phục hội chức năng cho nạn nhân, tặng tiền quà tết Nguyên đán cho 957 gia đình nạn nhân và 200 suất quà tết; tặng cho học sinh các trường địa phương máy vi tính, trao hỗ trợ quỹ “nâng bước em đến trường” 226 triệu đồng, 150 xe đạp, khám bệnh/cấp thuốc miễn phí cho 1.000 nạn nhân bom mìn…
Bên cạnh hoạt động thường xuyên tại các địa phương, Hội cũng kịp thời phối hợp với Hội Đà Nẵng và chi hội Kon Tum tổ chức thăm hỏi, động viên, thăm viếng và hỗ trợ tới các gia đình nạn nhân bị tai nạn bom mìn đột xuất như: nạn nhân Nguyễn Lê Mi Sa (Đà Nẵng) bị chết tai nạn do nổ đầu đạn khi đang trên đường đi làm, với số tiền 7 triệu đồng; 2 vụ nổ tại tỉnh Kon Tum làm 1 người chết, 9 người bị thương với số tiền hỗ trợ 16 triệu đồng.
Chia sẻ tại Hội nghị, bà Trần Thị Tâm Hiền, sinh năm 1965 ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng-nạn nhân của bom mìn kể lại: "Tháng 10-1975 trên đường đi học, bà giẫm phải mìn của địch còn sót lại nên bị cụt 1 chân phải trên đầu gối, chân trái bị thương nặng phải nẹp sắt. Khi lớn lên, lập gia đình với người đàn ông cũng là người khuyết tật nên cuộc sống của bà gặp nhiều khó khăn. Để có nghề kiếm sống nuôi con, vợ chồng bà nhận gia công đồ hàng dân dụng, nhưng thu nhập quá thấp nên con của bà phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp gia đình".
Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam trao bò hỗ trợ cho nạn nhân bom mìn tại tỉnh Quảng Bình (Ảnh V.H) |
“Năm 2017 Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn TP Đà Nẵng hỗ trợ cho tôi được 12 triệu đồng. Vợ chồng tôi dùng số tiền này mở rộng thêm việc gia công hàng mã. Nhờ sự hỗ trợ trên, sau 3 năm cật lực lao động vợ chồng tôi đã tích lũy được ít vốn và mua được 2 chiếc xe máy trị giá 18 triệu đồng để đi lại và chở hàng hóa. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình tôi có cải thiện hơn”, bà Tâm Hiền cho biết.
Đối với ông Huỳnh Anh, ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng thì cuộc sống của gia đình ông ổn định như hôm nay nhờ sự giúp đỡ rất nhiều của Hội. Khi bị tai nạn do vật liệu nổ trước chiến tranh, ông còn lại 1/3 cẳng chân trái, hạn chế lao động nên kinh tế ngày càng khó khăn. Hội đã hỗ trợ cho gia đình ông 1 con bò, qua quá trình chăn nuôi sinh lợi ông Huỳnh Anh đã mua được một máy cuốn rom để sản xuất nấm. Qua quá trình sản xuất ông đã tích lũy mua được một chiếc máy cày. “Trị giá cả 2 chiếc máy là 190 triệu đồng, trong đó số tiền sinh lợi từ Hội hỗ trợ là 60 triệu đồng, từ đó gia đình tôi có thu nhập ổn định”, ông Huỳnh Anh nói.
Theo Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, bằng những việc làm hiệu quả và thiết thực nêu trên, Hội đang tiếp tục khẳng định được uy tín, niềm tin, là địa chỉ tin cậy, là nhịp cầu nối những tấm lòng nhân ái của nhân dân cả nước cũng như của cộng đồng quốc tế với những nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, giúp họ vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại