Hộ kinh doanh cá thể có được sử dụng trên 10 lao động
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên(Lê Thành Tuân, trú tại Hà Đông, Hà Nội)
Ảnh minh họa |
Trả lời:
Tại Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 09 năm 2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định về hộ kinh doanh như sau:
“1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.
3. Hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định.”
Theo quy định trên, hộ kinh doanh chỉ được sử dụng dưới mười lao động, nếu có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp. Nếu hộ gia đình của bạn thường xuyên sử dụng trên 10 lao động, thì không được hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh nữa mà phải thực hiện đăng ký doanh nghiệp. Hộ kinh doanh của bạn thường xuyên sử dụng trên 10 lao động mà vẫn hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh là vi phạm quy định về hộ kinh doanh theo quy định tại Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP và sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 50/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, cụ thể:
“Điều 41. Vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đăng ký kinh doanh nhiều hơn một hộ kinh doanh;
b) Không báo cáo tình hình kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
c) Thường xuyên sử dụng từ 10 lao động trở lên;
d) Hộ kinh doanh buôn chuyến, hộ kinh doanh lưu động kinh doanh ngoài địa điểm đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhưng không thông báo cho cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi đăng ký trụ sở và nơi tiến hành hoạt động kinh doanh; đ) Thành lập hộ kinh doanh do những người không được quyền thành lập;
e) Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hoặc hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc làm thủ tục chấm dứt các hộ kinh doanh khác và chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh duy nhất đối với hành vi vi phạm tại Điểm a Khoản 1 Điều này;
b) Buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm tại Điểm c Khoản 1 Điều này;
c) Buộc thông báo cho cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này;
d) Buộc đăng ký thành lập hộ kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này;
đ) Buộc kê khai lại đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.
Như vậy hộ gia đình có hành vi thường xuyên sử dụng từ 10 lao động trở lên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 Nghị định 50/2016/NĐ-CP.
Áp dụng Điều 4 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP quy định mức tiền phạt quy định tại Điều 41 Nghị định số Nghị định 50/2016/NĐ-CP là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức; và Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”. Xác định mức tiền phạt đối với hộ gia đình có hành vi thường xuyên sử dụng từ 10 lao động trở lên là 4.000.000 đồng.
Đồng thời hộ gia đình có hành vi vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 41 Nghị định 50/2016/NĐ-CP “:Buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại