Thứ bảy 22/02/2025 07:11

Hiệu quả của Nghị định 168/NĐ-CP: những con số biết nói

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tất cả các số liệu thống kê về vi phạm, xử phạt, tai nạn đều giảm mạnh sau khi Nghị định 168/NĐ-CP (Nghị định 168) quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực.
Hiệu quả của Nghị định 168/NĐ-CP: những con số biết nói
Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: BVCC

Những con số biết nói

Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025. Sau khi Nghị định 168 đi vào thực tế đã tạo chuyển biến tích cực về ý thức, hành vi tham gia giao thông và tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội, sau 1,5 tháng áp dụng Nghị định 168, vi phạm TTATGT trên đường bộ giảm mạnh. Theo đó, từ ngày 1/1 – 15/2/2025, lực lượng CSGT toàn thành phố đã xử lý 24.080 trường hợp vi phạm, giảm 18.160 trường hợp so với giai đoạn liền kề trước đó (giảm 42,9%).

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã tước 1.050 giấy phép lái xe , trừ điểm giấy phép lái xe đối với 2.714 trường hợp. Đáng chú ý, các hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), như nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, chở quá tải trọng, vượt đèn đỏ đều ghi nhận giảm đáng kể.

Cụ thể, từ ngày 1/1 – 15/2/2025, vi phạm nồng độ cồn giảm 36,8% so với giai đoạn liền kề trước đó; lỗi tốc độ giảm 27,6%; vi phạm hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông giảm 58,4%; chở quá tải trọng giảm 54%...

Với việc quyết liệt xử lý, cũng như tăng cường tuyên truyền, vi phạm về mũ bảo hiểm cũng đã giảm gần một nửa so với giai đoạn liền kề trước. Theo đó, vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm giảm từ hơn 14.000 trường hợp xuống còn 7.417 trường hợp.

Về tình hình TNGT, từ ngày 1/1 – 15/2/2025, toàn thành phố xảy ra 133 vụ, làm 83 người chết, 92 người bị thương. So với giai đoạn liền kề (từ ngày 16/11/2024 – 31/12/2024), giảm 56 vụ, giảm 17 người chết và giảm 40 người bị thương.

Những con số ấn tượng trên đã nói lên những chuyển biến tích cực khi Nghị định 168 đi vào cuộc sống. Anh Nguyễn Văn Hùng, một tài xế xe tải tại Hà Nội, chia sẻ: "Trước đây, tôi hay uống rượu bia khi đi liên hoan, nhưng từ khi Nghị định 168 có hiệu lực, tôi đã bỏ hẳn thói quen này. Bởi mức phạt cao và quan trọng hơn là tôi nhận ra rằng lái xe an toàn chính là bảo vệ bản thân và gia đình".

Cũng như anh Hùng, nhiều tài xế cho biết, trước đây họ có tâm lý chủ quan khi tham gia giao thông, nhưng giờ đây họ đã có ý thức hơn trong việc tuân thủ quy định vì mức phạt nặng có thể ảnh hưởng lớn đến công việc và cuộc sống. Một số hành vi nguy hiểm như vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn đã giảm đáng kể, góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông.

Tác động tích cực đến xã hội

Hiệu quả của Nghị định 168/NĐ-CP: những con số biết nói
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Mạnh Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (áo trắng). Ảnh: BVCC

Tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức - cơ sở y tế ngoại khoa thường xuyên tiếp nhận nạn nhân bị tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn giao thông, qua thống kê số liệu từ đầu năm tới nay (từ ngày 1/1-13/2/2025), Bệnh viện ghi nhận hơn 2.339 trường hợp người bệnh tới khám, chữa bệnh cấp cứu do TNGT.

Trong 9 ngày nghỉ lễ Tết Ất Tỵ 2025, Bệnh viện đã tiếp nhận tổng số 481 trường hợp TNGT, chiếm 50% trong tổng số người bệnh tới khám. Chỉ tính trong 7 ngày từ 29 – mùng 5 Tết, số liệu thống kê của năm 2025 ghi nhận 362 trường hợp khám cấp cứu do tai nạn giao thông (TNGT), giảm so với con số 409 của cùng kỳ năm 2024.

Theo TS. BS Đỗ Mạnh Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức, số ca tai nạn giao thông nghiêm trọng đã giảm đáng kể kể từ khi Nghị định 168 có hiệu lực. Tổng số bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông vẫn tương đương so với cùng kỳ năm trước, nhưng số ca chấn thương nặng phải phẫu thuật cấp cứu đã giảm đáng kể. Trong số ca bệnh nhập viện vì TNGT 2 tuần đầu năm 2024, 100% trường hợp phải phẫu thuật thì trong 2 tuần đầu năm nay, số ca phải phẫu thuật là 458/765 ca.

Đáng chú ý, số trường hợp nhập viện do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia cũng đã giảm đáng kể. Bệnh viện tiến hành xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ cồn với tất cả nạn nhân TNGT tới khám chữa bệnh cấp cứu, ghi nhận 263 trường hợp có nồng độ cồn trong máu từ ngày 1/1 – 13/2. Số lượng nạn nhân TNGT có cồn trong máu chiếm 11,2%, thấp hơn mức 12,4% cùng kỳ năm 2024.

Theo TS.BS Đỗ Mạnh Hùng, mức phạt nặng có thể là biện pháp răn đe mạnh hơn, khiến người dân nâng cao ý thức tham gia giao thông. Người tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm túc quy định của Luật giao thông đường bộ, qua đó giảm thiểu nguy cơ bị TNGT.

Cũng theo TS. BS Đỗ Mạnh Hùng, Nghị định 168 không chỉ giúp giảm số vụ tai nạn giao thông mà còn góp phần giảm tải áp lực lên hệ thống y tế. “Trước đây, nhiều trường hợp nhập viện do tai nạn giao thông trong tình trạng say rượu, mà khám, chữa bệnh cấp cứu cho người bệnh say rượu luôn “làm khó” đội ngũ y bác sĩ. Nhiều ca bệnh hôn mê, không có người nhà đi cùng gây khó khăn cho quá trình khai thác thông tin bệnh sử, tính chất tai nạn. Đặc điểm của người say rượu hay ngộ độc rượu là suy giảm nhận thức hay khả năng kiểm soát hành vi, dễ mất bình tĩnh, dễ bị kích động. Các biểu hiện khác ở người say rượu như hạ đường huyết, co giật, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, nôn, mửa liên tục dẫn đến mất nước… ảnh hưởng nhiều tới quá trình đánh giá thương tổn”.

Ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết, khi số ca TNGT và mức độ nghiêm trọng của tai nạn giảm, thực trạng quá tải tại các chuyên khoa chấn thương chỉnh hình sẽ được cải thiện so với các năm trước, đồng thời tình trạng quá tải trong phòng mổ cũng được cải thiện…

Theo đại diện Cục CSGT, Nghị định 168 ban hành với nhiều hành vi tăng nặng mức xử phạt đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức của người tham gia giao thông. Các cơ quan chức năng, lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông đều xác định “mục tiêu không phải để tăng mức thu tiền phạt nộp ngân sách Nhà nước mà để quyết tâm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người tham gia giao thông”.

Tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều của đường một chiều… đã giảm rõ rệt, nhất là tại các đô thị lớn. Người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông kể cả khi không có lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, kiểm soát, đã dần thay đổi về nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng công dân khi tham gia giao thông, hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, tạo hình ảnh giao thông, đô thị văn minh với bạn bè thế giới, được người dân đồng tình ủng hộ.

Sẽ tính toán thêm các yếu tố liên quan, không chỉ tập trung vào xử phạt
Diễn viên Thanh Hương sẵn sàng đồng hành tuyên truyền văn hóa giao thông
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động