Hệ lụy từ những hội nhóm “xúi tự tử”, “bùng nợ”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLuật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng, cần xử lý nghiêm nhiều vụ việc tương tự để tăng sức răn đe. Ảnh: Quốc Doanh |
Nguyên nhân do đâu?
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 11 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), Bộ đã thông tin đến báo chí một số kết quả đạt được của lĩnh vực thông tin truyền thông trong tháng 10/2023. Trong buổi họp báo, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, thời gian vừa qua, trên Facebook xuất hiện nhiều hội nhóm hướng dẫn tự tử, dạy “bùng nợ”, cách vay tiền lừa đảo, cách lừa đảo bằng thế chấp tín dụng... Những nhóm ngày có hàng chục nghìn thành viên. Ngay sau khi phát hiện, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử đã yêu cầu Facebook chặn những nhóm này.
Trước đó báo chí đã cảnh báo, khi truy cập vào mạng xã hội Facebook, gõ cụm từ “cách bùng tiền qua app”, người tìm kiếm sẽ nhận về một loạt kết quả từ những hội nhóm hướng dẫn cách bùng tiền với số lượng thành viên lên tới hàng trăm nghìn người. Hoạt động của những người bán dịch vụ “bùng nợ” không chỉ giúp khách hàng của mình chiếm đoạt tài sản là số tiền đã vay, mà còn nhận được thù lao từ những hành vi đó.
Nhưng đa số, các khách hàng khi sử dụng dịch vụ này đều nhận về “trái đắng” với kết quả "tiền mất tật mang". Người vay khi làm theo sẽ vướng vào những hệ lụy khó kiểm soát, thậm chí có thể bị xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản.
Cũng trên Facebook, nhiều hội nhóm được lập ra với mục đích chia sẻ những thông tin tiêu cực, thậm chí xúi giục, hướng dẫn các hình thức tự tử, như: hội những người chán ghét cuộc sống; hội những người tìm cách tự tử không đau...
Giải pháp… xóa sạch hiểm họa
Trước hiểm họa do các hội nhóm tiêu cực trên, ngành chức năng cần những giải pháp gì để xóa bỏ? Theo các chuyên gia pháp lý, cơ quan chức năng cần làm việc với admin, yêu cầu hạ gỡ, xóa bỏ các trang, hội nhóm này, để lành mạnh hóa sinh hoạt trên mạng xã hội. Cần đẩy mạnh giải pháp như yêu cầu mạng xã hội Facebook ngăn chặn, xóa bỏ các nhóm hướng dẫn, xúi giục tự tử và hướng dẫn “bùng nợ” trên mạng xã hội. Kiến nghị với Bộ TTTT, Bộ CA cùng Ngân hàng Nhà nước, hỗ trợ công ty tài chính tiêu dùng triệt phá ổ nhóm trên mạng, xử lý một cách thích đáng theo quy định của pháp luật.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, cùng với việc yêu cầu hạ gỡ, xóa bỏ các trang, hội nhóm tự tử, “bùng nợ”, cần phải xử lý nghiêm hành vi xúi giục tự tử cũng như hành vi rủ nhau “bùng nợ”. Đây đều là những hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, Điều 131, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hành vi xúi giục hoặc giúp người khác tự sát, tùy theo tính chất, mức độ, sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Đối với hành vi hướng dẫn “bùng nợ”, công dân phải tôn trọng cam kết “có vay, có trả” và tuân thủ pháp luật. Vay mà cố tình không trả, rủ nhau “bùng nợ” là vi phạm pháp luật. Ở nước ngoài, những người như vậy sẽ bị hạn chế rất nhiều quyền lợi.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, với những trường hợp “bùng nợ”, các công ty cho vay cũng không làm được gì, nếu có kiện ra tòa, tiền nợ đòi được cũng không đủ để trả chi phí tố tụng. Khi những người “bùng nợ” hùa với nhau, kích động nhiều người để cùng “bùng nợ”, đây không còn là việc bội ước bình thường, mà đó là vi phạm pháp luật.
Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: “Những người vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”… là vi phạm pháp luật.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, các cơ quan chức năng nên xử nhiều vụ để làm gương, đó là những người có khả năng trả nợ nhưng chây ì không trả nợ. Khi cơ quan chức năng làm quyết liệt thì mới có thể ngăn chặn và chấm dứt được tình trạng trên.
Trong vụ cướp ngân hàng ở huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh tháng 10/2023, các đối tượng quen biết nhau qua nhóm "Những người vỡ nợ…". Tại CQCA, các đối tượng khai nhận tham gia hội nhóm để kết bạn, nhắn tin trao đổi với nhau. Trước đó, tháng 3/2022, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự TP Hà Nội bắt hai đối tượng sử dụng vũ khí giống súng, uy hiếp nhân viên tại một chi nhánh ngân hàng tại phường Xuân Tảo, cướp 500 triệu đồng. CQĐT xác định, đây là những đối tượng tham gia nhóm “Hội những người vỡ nợ…” trên Facebook |
Bùng nợ qua app vay tiền “đen”: “Trăm cái dại, tại cái tham” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại