Hành vi làm lộ đề Toán, dự đoán đề Ngữ văn gây hiểu nhầm sẽ bị xử phạt như thế nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 |
Kết quả xác minh nghi vấn lộ đề thi tốt nghiệp THPT 2022
Ngày 13/7, Bộ GD&ĐT cho biết đã nhận được kết quả xác minh nghi vấn lộ đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 từ cơ quan chức năng của Bộ Công an.
Kết quả xác minh cho thấy không có việc lộ đề thi môn Ngữ văn. Việc dự đoán tên tác phẩm sẽ ra trong đề thi chính thức của 3 sinh viên (thuộc một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh) là quản trị mạng “Kaito Kid” dựa trên sự phân tích của các cá nhân trong nhóm và kết quả bình chọn của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, việc này đã tạo ra sự hiểu lầm trong dư luận về việc đề thi bị lộ, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi.
Hành vi này có dấu hiệu vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Cơ quan chức năng của Bộ Công an đang phối hợp với nhà trường và địa phương để xử lý các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.
Còn đối với đề thi môn Toán, hành vi tiết lộ đề thi môn Toán trong thời gian thi của một thí sinh tại Hội đồng thi TP Đà Nẵng đã vi phạm Quy chế thi. Theo đó, trong lúc làm bài thi môn Toán, thí sinh này đã sử dụng điện thoại chụp ảnh câu hỏi đề thi, đăng lên mạng nhờ giải hộ. Về vụ việc này, cơ quan chức năng của Bộ Công an đang phối hợp với các bên liên quan làm rõ và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cho rằng vụ việc này không ảnh hưởng tới chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Trên cơ sở kết quả xác minh từ cơ quan chức năng của Bộ Công an, Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã chỉ đạo các đơn vị liên quan trong ngành Giáo dục cần tăng cường hơn nữa các biện pháp giáo dục, chấn chỉnh các cá nhân và tổ chức trong việc đăng tải thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận; xử lý nghiêm sai phạm trong thực hiện Quy chế thi; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm về công tác coi thi tại điểm thi có thí sinh vi phạm Quy chế thi.
Hình thức xử lý ra sao?
TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) |
Trao đổi với PL&XH, TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo kết luận của Bộ GD&ĐT thì đối với những người vi phạm quy định về đoán đề thi Ngữ văn gây hiểu nhầm, làm lộ đề thi Toán chỉ có thể bị xử lý kỷ luật và bị xử phạt hành chính, hành vi chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.
TS.Luật sư Cường phân tích: Theo Quyết định 809/QĐ-TTg, ngày 10/6/2020 của Thủ tướng chính phủ quy định về Danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực GD&ĐT thì bí mật nhà nước độ Tối mật trong lĩnh vực giáo dục bao gồm:
1. Kế hoạch, chương trình hành động, báo cáo, tài liệu kèm theo báo cáo của Bộ GD&ĐT thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo trực tiếp phục vụ chiến lược an ninh, quốc phòng chưa công khai.
2. Đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức, đáp án đề thi dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thí chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai.
3. Thông tin về người thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu được cử đi đào tạo trong nước và ngoài nước cần được bảo vệ theo yêu cầu của bên cử đi đào tạo.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, với đề thi chính thức, đáp án đề thi các kỳ thi tốt nghiệp THPT "chưa công khai" thì đây là bí mật Nhà nước thuộc độ tối mật. Nếu đề thi này chưa được công bố mà người nào làm lộ, mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt thì sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh mà bộ luật hình sự đã quy định liên quan đến bảo vệ bí mật Nhà nước. Người làm lộ bí mật sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lộ bí mật nhà nước theo quy định tại Điều 337 bộ luật hình sự.
Còn trường hợp các đề thi đã được bảo quản, bảo vệ theo quy định của luật bảo vệ bí mật Nhà nước cho đến khi được công bố. Khi các giám thị bóc đề thi, công khai để thi cho các thí sinh làm bài mà các thí sinh gian lận đã tự ý tuồn đề thi ra ngoài thì đây không được coi là hành vi làm lộ bí mật Nhà nước, hành vi này sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của quy chế thi.
Người gian lận trong kỳ thi thì có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật tùy thuộc vào từng mức độ vi phạm, cao nhất là đình chỉ, hủy bỏ kết quả thi. Ngoài ra hành vi nhờ người làm bài hộ có thể còn bị xử phạt hành chính đến 16.000.000 đồng.
Điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-Cp quy định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về thi như sau:
1. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi gây rối hoặc đe dọa dùng vũ lực ngăn cản người dự thi và người tổ chức thi, thanh tra thi, coi thi, chấm thi, phục vụ thi.
2. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi thông tin sai sự thật về kỳ thi.
3. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về thi theo các mức phạt sau:
a. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vào khu vực tổ chức thi, chấm thi khi không được phép; mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi;
b. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài;
c. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
d. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
đ. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
e. Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm.
4. Phạt tiền từ 13.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hạnh vi làm mất bài thi của thí sinh.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc cải chính thông tin sai sự thật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này; b) Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều này; c) Buộc bảo đảm quyền lợi của thí sinh đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d, đ khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Bởi vậy, với thí sinh đưa đề thi ra ngoài để nhờ người giải đề hộ sẽ bị xử lý kỷ luật và xử phạt hành chính theo quy định nêu trên.
Còn đối với người đã đưa tin giả mạo về đề thi lên mạng xã hội thì người giả mạo đề thi này sẽ bị xử lý về hành vi đưa tin trái phép trên mạng internet theo quy định của Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện với mức phạt là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Cụ thể theo Điều 101 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định về các hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, cụ thể phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
- Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
- Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
- Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
- Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về vụ lộ đề thi Sinh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 | |
Đảm bảo cung ứng sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023 | |
Bài 1: Học sinh bối rối, thầy cô băn khoăn |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại