Hạn chế nhận thức, vẫn phải chịu án tù
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBị cáo nghe tòa tuyên án |
Theo bản án sơ thẩm, năm 1976, ông Nguyễn Công Nh, SN 1950, ở Hà Nội, kết hôn với bà Nguyễn Thị H, SN 1951 và sinh ra Nguyễn Phương Nam.
Năm 1992, bà H bỏ nhà đi. Từ đó, bà Nguyễn Thị B, SN 1956, em ruột bà H, quê Bắc Giang, thay bà H chăm sóc Nam như người mẹ thứ hai. Từ năm 1998, bà B đến sống chung như vợ chồng với ông Nh tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nhưng hai người không đăng ký kết hôn. Nam được dì ruột và cha chăm sóc đầy đủ, tốt nghiệp ĐH và làm việc tại một cơ quan báo chí ở Trung ương.
Trong quá trình công tác, thỉnh thoảng Nam bị đau đầu. Những lúc như vậy, Nam đều được gia đình đưa đi khám bệnh và cho uống thuốc điều trị. Sau khi lập gia đình riêng, năm 2019, do mâu thuẫn với vợ và muốn ly thân nên Nam chuyển về ở nhà ông Nh, bà B. Thời gian chung sống tại nhà ông Nh, giữa Nam và bà B thỉnh thoảng có xảy ra mâu thuẫn, bất đồng quan điểm.
Khoảng 16h30 ngày 15/7/2021, Nam từ tầng 3 đi xuống tầng 1 để uống nước. Lúc này bà B đang đứng đối diện với tủ lạnh để pha cà phê. Do bất cẩn nên Nam đã va vào làm đổ cốc cà phê ra nền nhà. Lúc đó, Nam nói với bà B: “Pha cà phê thì đứng dịch ra chỗ khác”. Bà B đáp: “Mày đi đứng thế à?”. Hai dì cháu lời qua tiếng lại. Trong lúc tức giận, Nam đi ra bếp lấy con dao và bất ngờ chém vào lưng và đỉnh đầu bà B cho đến khi nạn nhân ngã xuống nền nhà bất tỉnh.
Gây án xong, Nam chạy xuống tầng 1 và gặp cha đi từ ngoài về. Nam nói: “Con đánh chết bà rồi”. Ông Nh đi vào nhà nhìn thấy bà B nằm bất tỉnh dưới chân cầu thang, trên người đầy máu nên vội gọi cấp cứu và báo CQCA. Bà B được đưa đi cấp cứu, nhưng đến 9h ngày 16/7/2021 thì tử vong do bị thương quá nặng. Nam bị bắt giữ ngay sau đó.
Tại tòa, đại diện VKSND cho rằng, bị cáo Nam được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự do có biểu hiện mắc bệnh tâm thần, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Quá trình điều tra, Nam đã thành khẩn nhận tội. Có mặt dự phiên xử, gia đình bị cáo Nam xin giảm nhẹ tội cho bị cáo. Họ cho biết, Nam bị tâm thần 10 năm nay, mỗi năm bị cáo đều lên cơn một lần và gia đình đều cho dùng thuốc thì thấy đỡ nên chủ quan. Đó là nguyên nhân khiến bi kịch đau lòng đã xảy ra.
HĐXX khẳng định, hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng vì cố tình tước đoạt mạng sống của người khác… Vì vậy, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo mới tương xứng với tính chất, mức độ và hành vi phạm tội.
TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Nam 20 năm tù về tội “Giết người”.
Không phải trong mọi trường hợp người bị bệnh tâm thần đều không phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo tinh thần của Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015, người bị bệnh tâm thần chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh. Đồng thời, tình trạng bệnh ở mức làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi. Còn nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái hoàn toàn bình thường mà trước khi bị kết án mới lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi thì có thể vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự (theo khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015). Trong trường hợp này, tòa án sẽ căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần để ra quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi người đó khỏi bệnh thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại