Hai điều làm nên sức mạnh của những chiến binh Viking
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMôn võ đặc biệt của người Viking
Trong khoảng từ thế kỷ thứ 8 đến 11 ở châu Âu, Viking là nỗi sợ hãi của rất nhiều quốc gia. Với lực lượng hải quân hùng mạnh, họ cướp phá khắp nơi. Vào những năm 800 - 1050 người Viking thường dùng thuyền buồm nhỏ có độ bền cao và lao nhanh trên biển để đi cướp phá của cải ở những nước lân cận như Iceland (Băng đảo), Thụy Điển, Đan Mạch, Anh hay Hà Lan.
Viking là đại diện cho những người thông thạo về hàng hải và lão luyện trong những trận xung đột giữa các lãnh chúa vùng Bắc Âu. Họ thường đóng vai thương nhân đi buôn bán trao đổi rồi ra tay cướp bóc nếu thấy có cơ hội.
Người Viking thường không xâm chiếm đất đai để cai trị mà chỉ gây chiến và tạo thế lực buôn bán đổi chác trong lãnh vực Bắc Âu và Đông Âu. Họ là nỗi lo âu của đa số dân cư sống rải rác ven biển vì người Viking to lớn, mạnh bạo và rất dã man.
Họ thường tấn công các làng mạc, tu viện chớp nhoáng và cướp đi vàng bạc châu báu lẫn phụ nữ trẻ đẹp. Đặc biệt người Viking đi biển rất giỏi, họ giương buồm đi khắp châu Âu và Bắc Đại Tây Dương trên những chiếc thuyền dài, đánh phá cướp bóc, xâm chiếm phần lớn các vùng đất trù phú, rồi định cư tại những vùng đất chiếm được.
Những người Viking nổi tiếng là các chiến binh giỏi. Sự lợi hại của các đội quân đến từ Bắc Âu này khiến không ít người mặc định cứ là Viking thì phải biết chiến đấu.
Trên thực tế do yêu cầu của thời kỳ đó, người Viking cả nam lẫn nữ đều học võ từ rất nhỏ. Môn võ được yêu thích và là nền tảng chiến đấu của họ mang tên Glima. Thor, vị thần sấm nổi tiếng trong thần thoại Bắc Âu, được mệnh danh là một trong những chiến binh Glima xuất sắc nhất.
Về cơ bản, Glima là một hệ thống các đòn tự vệ cá nhân như đấm, đá, khóa, chọc… được tổng hợp từ nhiều môn võ khác. Môn võ này rất chú trọng đến sức mạnh, phản xạ và đặc biệt là sự quyết đoán. Bởi không chỉ để chiến đâu, tập luyện Glima giúp người Viking tăng khả năng chống chọi với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Ngay từ khi lên 6, 7 tuổi, trẻ em tại đây đã được dạy Glima. Nhờ đó, Viking luôn sở hữu một đội ngũ chiến binh mạnh mẽ trong suốt thời kỳ hưng thịnh nhất. Trong tập luyện, Glima chia ra 3 nhánh: Brokartok, Hryggspenna và Lausatok. Brokartok phổ biến nhất và được coi là môn võ truyền thống của Iceland.
Khi đối luyện, 2 đô vật sẽ phải đeo 2 vành đai riêng biệt xung quanh eo. Sau đó hai bên nắm lấy vành đai này và ra sức vật ngã đối thủ. Người đầu tiên quật ngã được đối phương xuống đất sẽ chiến thắng.
Người Viking còn đưa ra các quy định rất cụ thể khi thi đấu như: Các đấu sĩ phải luôn đứng thẳng, bước đi theo chiều kim đồng hồ, không được phép xô ngã đối phương mà không cầm vành đai. Với luật lệ và cách thi đấu không quá nguy hiểm, Glima Brokartok từng được đưa vào chương trình thi đấu ở Olympic 1912.
Còn Hryggspenna khá giống với nhiều môn thể thao hiện đại. Hai bên chỉ được phép tóm lấy phần trên cơ thể đối thủ. Ai có bộ phận cơ thể chạm đất trước (không tính chân) là thua. Lausatok là hình thức phổ biến nhất của Glima tại Na Uy. Luật lệ ở đây tự do hơn, người tham gia có thể sử dụng kỹ thuật của riêng mình, chỉ cần đánh ngã đối thủ là được.
Trong thực chiến, các đòn thế sát thương nặng sẽ được dùng nhiều hơn. Kỹ thuật được chú ý nhất là tay không đối đầu với kẻ địch dùng vũ khí. Để rèn luyện, trước tiên người Viking học cách sử dụng tất cả các loại vũ khí thời kỳ đó như kiếm, rìu, giáo, gậy, dao.
Sau đó, họ nghiên cứu phương pháp hữu hiệu nhất để vô hiệu hóa chúng. Nhờ vậy, khả năng chiến đấu của mỗi người đều khá hoàn thiện, suốt nhiều năm liền cho tới tận bây giờ, chiến binh Viking vẫn luôn nổi tiếng với sức mạnh “lấy một địch trăm”.
Ngoài việc võ nghệ cao cường, cùng với việc sử dụng thuần thục nhiều loại vũ khí, người Viking còn sở hữu một loại vũ khí hết sức đặc biệt và có khả năng đối đầu với các loại vũ khí tương tự để tiêu hao sinh lực đối phương.
Đó chính là thanh kiếm Ulfberht của người ViKing được làm từ kim loại siêu nguyên chất. Người ta cho rằng công nghệ được sử dụng để rèn ra những thanh kim loại như vậy sẽ không thể được phát minh trong vòng 800 năm tới hoặc lâu hơn nữa.
Thanh kiếm độc nhất
Vào giai đoạn những thanh kiếm Ulfberht ra lò (khoảng năm 800-1000), những thanh kiếm với chất liệu và chất lượng tương tự làm từ thép Damascus cũng đang được sản xuất ở Trung Đông. Cả thép Damascus và thép dùng để rèn kiếm Ulfbehrt đều có hàm lượng carbon rất cao.
Cacbon có thể tạo ra hoặc phá hỏng một thanh kiếm; nếu hàm lượng cacbon không được kiểm soát trong một hàm lượng vừa đủ, thanh kiếm sẽ trở nên quá mềm hoặc quá giòn. Nhưng với hàm lượng vừa đủ, cacbon có thể làm lưỡi kiếm trở nên rất kiên cố.
Kiếm Ulfberht có hàm lượng cacbon cao gấp 3 lần so với những thanh kiếm khác cùng thời. Nó bền chắc hơn nhưng lại cùng lúc dẻo dai hơn hẳn những thanh kiếm khác, đồng thời cũng có trọng lượng nhẹ hơn. Nó cũng gần như không chứa tạp chất, được gọi là xỉ.
Điều này tạo điều kiện cho một sự phân bổ hàm lượng cacbon đồng đều hơn trong thành phần thanh kiếm. Quặng sắt phải được nung nóng đến khoảng 1.650 độ C để đạt được điều này, và đây là một kỳ tích mà các thợ rèn kiếm Ulfberht rõ ràng đã đạt được 800 năm trước thời đại.
Với nỗ lực lớn và độ chính xác cao, người thợ rèn hiện đại Richard Furrer từ bang Wisconsin, Mỹ đã rèn được một thanh kiếm có chất lượng tương đương Ulfberht bằng cách sử dụng công nghệ sẵn có vào thời Trung Cổ.
Ông cho biết đây là thứ phức tạp nhất ông từng chế tạo và ông đã sử dụng các phương pháp mà chúng ta cho rằng người thời đó chưa biết đến.
Dù được cho là từng sở hữu thứ vũ khí sắc bén Ulfberht, thế nhưng lại có giả thuyết cho rằng, nguồn gốc của loại vũ khí này của người Viking thực ra bắt nguồn từ khu vực Trung Đông, và đây chỉ là một trong số những thứ vũ khí mà người Viking cướp được trong những cuộc viễn chinh của mình.
Thế nhưng, trong cuộc trao đổi với tờ báo địa phương Sud Deutsche vào tháng 10/2014, Robert Lehmann, một nhà hóa học tại Viện Hóa học vô cơ thuộc trường ĐH Hannover, Đức đã tuyên bố rằng nguyên liệu rèn nên thanh kiếm Ulfberht “chắc chắn không có xuất xứ từ phương Đông”.
Ông đã nghiên cứu một thanh kiếm Ulfberht được tìm thấy vào năm 2012 trên một đống sỏi khai quật được ở sông Weser, và con sông này chảy qua bang Lower Saxony ở phía tây bắc nước Đức. Lưỡi gươm này chứa hàm lượng mangan cao, từ đó cho Lehmann biết rằng nó không có nguồn gốc từ phương Đông.
Đốc kiếm (phần kim loại chắn giữa chuôi kiếm và lưỡi kiếm) được làm từ sắt có chứa hàm lượng thạch tín cao, biểu thị nguồn gốc xuất xứ từ một mỏ khoáng sản ở châu Âu. Bộ phận núm tròn ở chuôi kiếm được bọc trong một tấm hợp kim thiếc-chì.
Trong các nghiên cứu trước đây, ông Lehmann đã biên soạn một tấm bản đồ ghi chú địa điểm các mỏ đồng vị chì ở Đức, cho phép ông xác định rằng phần mạ chì của bộ phận núm tròn ở chuôi kiếm có xuất xứ từ một khu vực ở vùng Taunus, ngay phía bắc TP Frankfurt, Đức.
Dường như lớp chì này không được khai thác và vận chuyển đến một địa điểm nào khác để chiết luyện, vì các mỏ khoáng sản đã bị khai thác số lượng lớn vào thời La Mã. Điều này cho thấy thanh kiếm được rèn đúc gần nguồn khai thác, mang các nhà nghiên cứu tiến gần hơn với thanh kiếm Ulfberht bí ẩn, trên thực tế nếu đây thực sự là tên của người thợ rèn kiếm hoặc của một nhân vật nào đó có liên hệ đến thanh kiếm này.
Tuy một số tu viện trong khu vực Taunus được cho là nơi sản xuất vũ khí vào thời đó, nhưng cái tên Ulfberht không xuất hiện trong sổ sách của họ.
Thái Yên / PL&XH
![Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại](/modules/frontend/themes/plxh/images/pc/qr-code.jpg?v=2.620250124154516)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại