Hà Nội: xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgười dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart (khu đô thị Victoria, quận Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: Phú An |
Hà Nội hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
Theo thống kê, nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng thiết yếu của Hà Nội tương đối lớn. Cụ thể, gạo khoảng 96.700 tấn/tháng, thịt lợn 19.300 tấn/tháng, thịt bò 5.350 tấn/tháng, thịt gà 6.400 tấn/tháng, trứng gia cầm 129 triệu quả/tháng, thủy sản 19.250 tấn/tháng, thực phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản 5.350 tấn/tháng, rau củ 107.500 tấn/tháng và các loại quả khoảng 56.000 tấn/tháng.
Với diện tích đất nông nghiệp khoảng 189.000ha, chiếm 56% tổng diện tích đất tự nhiên, các sản phẩm hàng hóa thiết yếu mà Hà Nội tự sản xuất mới chỉ đáp ứng từ 20% đến 70% nhu cầu. Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố bạn và nhập khẩu.
Để bảo đảm nguồn cung nông sản, Sở NN&PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, TP đã chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 946 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho TP, với hơn 1.130 đầu mối cung cấp sản phẩm nông, lâm, thủy sản cho Hà Nội.
Trong đó, sản phẩm gạo từ một số tỉnh phía Bắc và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; thịt bò từ các tỉnh: Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái; rau, củ, quả từ Sơn La, Hòa Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng…; các loại quả từ Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La và các tỉnh phía Nam; thủy, hải sản từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; thực phẩm chế biến từ Hải Dương, Hà Nam, Bắc Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thực hiện chương trình phối hợp, TP Hà Nội đã triển khai ký kết với 43 tỉnh, TP trên cả nước. Qua đó xây dựng và phát triển được 997 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (tăng 51 chuỗi so với năm 2022 và 211 chuỗi so với giai đoạn 2015-2020 (tăng 21%), (hoàn thành vượt chỉ tiêu theo chương trình phối hợp); riêng Hà Nội đã xây dựng và phát triển được 159 chuỗi, trong đó nhiều chuỗi được tổ chức khép kín từ khâu sản xuất đến khâu phân phối tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu mạnh trên thị trường cũng như xuất khẩu như: Chuỗi rau an toàn Văn Đức, chuỗi thịt Hợp tác xã Hoàng Long, Vinh Anh, chuỗi trái cây bưởi diễn Chương Mỹ, nhãn Đại Thành, gạo Bảo Minh...
Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản có nhiều chuyển biến tích cực; hoạt động thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh; nhiều chuỗi giá trị nông sản được triển khai có hiệu quả đã tạo ra những sản phẩm thực phẩm an toàn cho ngưởi tiêu dùng TP Hà Nội. Trong năm 2023, các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội đã thực hiện lấy trên 2.000 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản, trong đó 98% mẫu có nguồn gốc từ các tỉnh, TP bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức thanh tra, kiểm tra trên 650 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản, kết quả có 60 cơ sở vi phạm, xử phạt với số tiền là 185 triệu đồng.
Đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm
Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp đánh giá cao công tác phối hợp giữa Hà Nội và các tỉnh, TP trong công tác nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm; xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản. Vì vậy đã và đang góp phần quan trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm trên địa bàn Hà Nội trong mọi tình huống.
Với những kết quả đã đạt được, để công tác phối hợp phát huy hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới TP Hà Nội cần giới thiệu địa điểm thuận lợi tại các quận, huyện, thị xã, kênh phân phối để hỗ trợ các tỉnh, thành chủ động tổ chức điểm bán sản phẩm tại Hà Nội theo nhu cầu, tập trung vào dịp lễ, Tết, mùa thu hoạch nông sản.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác thông tin, phối hợp trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh giám sát, thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản của các tỉnh, thành đưa về Hà Nội tiêu thụ và ngược lại. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm phát huy thế mạnh mỗi địa phương, quảng bá, kết nối cung - cầu sản phẩm, hàng hóa lợi thế của các địa phương, hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.
Để kiểm soát chất lượng nông, lâm, thủy sản từ các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ, Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, việc kết nối nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội, nhằm giải quyết bài toán tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, các địa phương cần sản xuất theo tín hiệu thị trường để không xảy ra tình trạng cung vượt cầu.
Ngoài ra, các tỉnh, TP phải coi trọng chất lượng nông sản, quy chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm để cung ứng cho thị trường Hà Nội. Để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, ngoài việc biểu dương những chuỗi cung ứng an toàn, chất lượng cũng cần loại bỏ những chuỗi không đạt yêu cầu.
Trong khuôn khổ Chương trình phối hợp về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa TP Hà Nội và các tỉnh, TP năm 2023, nhiều hoạt động kết nối giao thương như: Hội chợ, Festival, tuần lễ, hội nghị kết nối, trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản đặc sản vùng miền giữa Hà Nội và các tỉnh, TP đã được thực hiện hiệu quả. Nhiều sản phẩm nông sản đặc sản vùng miền, sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của các tỉnh được đưa đến các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, cửa hàng trái cây, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tại Hà Nội với số lượng lớn như: Tỉnh Hòa Bình cung ứng trên 1.600 tấn cá sông Đà, trên 18.000 tấn trái cây; tỉnh Sơn La cung ứng trên 19.000 tấn rau, củ quả; tỉnh Hải Dương cung cấp trên 30.000 tấn thủy sản; tỉnh Lâm Đồng cung cấp từ 7-10% sản lượng rau của tỉnh cho Hà Nội với trên 66.000 tấn; tỉnh Bình Thuận cung cấp trên 100.000 lít nước mắm... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại