Thứ sáu 29/03/2024 03:19

Hà Nội vào Xuân: Năng lượng mới, sức bật mới

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày cận Tết Quý Mão 2023, những tưởng năm nay sẽ đón Tết trong tiết trời nắng ấm thì từng cơn rét ngọt bất chợt ùa về. Tiết trời này là một đặc sản của Hà Nội mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Hà Nội vào Xuân: Năng lượng mới, sức bật mới
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra thực địa triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Nếm cái rét ngọt dịu dàng lại làm chúng ta chợt nhớ đến mấy câu của nhà văn Vũ Bằng: “Cùng với mùa Xuân trở lại, tim người ta dường như cũng trẻ hơn ra và đập mạnh hơn trong những ngày Đông tháng giá” (trích Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt).

Thật vậy! Cứ vào độ Xuân, vạn vật, đất trời như được khoác một tấm áo mới. Trong lồng ngực ta cảm thấy căng tràn nhựa sống và tràn ngập niềm vui. Một nguồn năng lượng mới được tái tạo, một sức bật mới được hình thành để tự tin và đầy hứng khởi đón chào một năm mới đến.

Bước xuống phố những ngày này, ta luôn cảm thấy tràn ngập màu sắc Tết cổ truyền trong dòng người tất bật lại qua nhờ những sắc hồng của đào bích, đào phai, trắng như bông của nhất chi mai hay là một chậu lan hồ điệp rạng rỡ. Từng chồi non xanh mơn mởn của quất Tứ Liên đang được những người bán chăm chút, tưới tắm…

Các tuyến phố chính ở trung tâm Thủ đô đã được trang hoàng cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu chào đón năm mới. Đi qua các khu phố cổ đã thấy từng ngôi nhà đang được điểm xuyết bởi đèn lồng, tràng pháo đỏ. Không khí rộn ràng, tấp nập chuẩn bị Tết ở chợ hoa Hàng Lược, chợ hoa Quảng Bá đang len lỏi và thấm sâu vào từng người con Hà Nội.

Tết cũng đang lan tỏa ở các phiên chợ Tết ngoại thành để giúp người dân tiếp cận với hàng Việt bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, thời gian này, nhiều đơn vị của TP đang tổ chức thi gói bánh chưng để trao tặng cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán. Từng mẻ bánh chưng đang được đưa đến tận tay từng người, mang Xuân đến mọi con phố, xóm làng, cũng là dịp để mỗi người trẻ hiểu hơn về truyền thống, về những nét đẹp không bao giờ phai cũ… Không khí và những cảnh sắc ấy luôn tạo nên những nét rất riêng của mùa Xuân Hà Nội. Đó là một hương vị, cảm giác Tết không thể lẫn với nơi nào khác.

Nhìn lại năm 2022, Hà Nội dường như đã có một bước chuyển mình lớn để vượt qua những thách thức và khó khăn bộn bề sau hơn hai năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. TP đã đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Nổi bật nhất là Hà Nội đã hoàn thành tất cả 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Tăng trưởng GRDP năm 2022 tăng 8,89% - mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây. Đặc biệt, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 1.692 triệu USD, tăng mạnh so với năm 2021. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2021.

Một tầm nhìn mới, một tư duy mới, một tâm thế mới được xác lập bởi Nghị quyết số 15- NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, từ đó tạo ra thế và lực mới cho phát triển Thủ đô. Để tạo ra sự đột phá, phát triển vững chắc, TP Hà Nội đã và đang nỗ lực hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cùng với phát triển kinh tế, Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội. TP đã trợ cấp cho trên 82.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với số tiền 1.655 tỷ đồng; trợ cấp cho hơn 200.000 đối tượng bảo trợ xã hội với mức đặc thù của TP.

Đồng thời, hỗ trợ kịp thời cho hơn 2,6 triệu lượt người thuộc 12 nhóm đối tượng khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch với số tiền 2.659 tỷ đồng. Những kết quả phát triển ấn tượng đã góp phần quan trọng để Thủ đô kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, khôi phục mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống người dân.

Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 15 - 30% so với năm trước. Tại các điểm bán hàng, lượng hàng hóa được tăng cường từ 15 - 40%. Các DN phân phối lớn trên địa bàn đều chủ động chuẩn bị nguồn hàng từ 2 tháng trước Tết với nguồn khai thác trong nước và nhập khẩu.

Để ai cũng có một cái Tết vui vẻ, ấm áp, TP tặng quà Tết cho hơn 1 triệu người với tổng kinh phí khoảng hơn 550 tỷ đồng. Năm nay, Ủy ban MTTQ các cấp TP Hà Nội cũng thăm hỏi và trao tặng gần 3.000 suất quà Tết, trị giá 1,535 tỷ đồng cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách có đông nhân khẩu, có người già, ốm đau, bệnh tật; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, hơn 200 ngôi nhà đại đoàn kết sẽ được bàn giao cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn các huyện, thị xã của TP trước thềm Xuân mới. Đây sẽ là cơ sở để giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.

Năm Quý Mão 2023 được dự báo là một năm mà Hà Nội sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn. Trước những thử thách đó, Đảng bộ, chính quyền và người dân Hà Nội càng thể hiện quyết tâm giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ưu tiên dồn lực vào phát triển hạ tầng, chú trọng phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Đồng thời kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Một mùa Xuân mới lại đến. Mùa Xuân của niềm tin và khát vọng. Tinh thần vượt khó, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm phải trở thành một nguồn năng lượng, động lực mạnh mẽ để tạo thành sức bật mới cho Hà Nội phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô - trái tim của cả nước.

Làng đào Nhật Tân rực rỡ ngày cận Tết
Chợ hoa Hàng Lược nhộn nhịp những ngày cận Tết
Thuỷ Tiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động