Hà Nội và những chính sách ưu đãi riêng biệt dành cho người cao tuổi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhám bệnh cho người già tại Trung tâm Điều dưỡng và Nuôi dưỡng người có công TP Hà Nội (ảnh Bảo Xuân Vũ) |
Để ứng phó với việc già hóa dân số, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND năm 2018 Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025. Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội triển khai, đồng bộ các chính sách quy định về người cao tuổi của nhà nước và chính phủ trên toàn TP.
Năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1579 phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi đến năm 2030, trong nội dung Kế hoạch 93 của UBND TP Hà Nội năm 2018 về cơ bản hệ thống chỉ tiêu của kế hoạch 93 đã đáp ứng cơ bản đầy đủ các chỉ tiêu của quyết định 1579.
Do vậy, Chi cục DS-KHHGĐ đã đề xuất UBND TP tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch 93 đến 2025, sau đó đánh giá và xây dựng kế hoạch tiếp đến năm 2030.
Thực hiện Chương trình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi đến năm 2030, đến nay tỉ lệ khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho người cao tuổi của các quận, huyện Hà Nội đạt 84%. TP đang triển khai thực hiện việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người cao tuổi, đạt mục tiêu cao hơn so với chỉ tiêu mà Chính phủ giao.
Bên cạnh đó, hiện Hà Nội đang triển khai những chính sách riêng trong chăm sóc sức người cao tuổi, ưu đài dành cho người cao tuổi như: từ năm 2013 thì thành phố đã nâng mức trợ cấp cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu mức từ 250 nghìn của chính phủ lên 350 nghìn đồng/tháng. Gần đây, thành phố ban hành nghị quyết số 07/2019 NQ-HDND, trong đó miễn tiền vé xe bus cho người cao tuổi và một số đối tượng khác. Ngoài ra, nhân dịp ngày Người cao tuổi Việt Nam, ngày Quốc tế Người cao tuổi, dịp Tết đều tặng quà cho người cao tuổi.
Theo kế hoạch 93 của UBND TP thì Hà Nội có những mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như sau: Mô hình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng nghĩa là lấy xã phường, thị trấn làm địa bàn triển khai; Mô hình CLB người cao tuổi tự giúp nhau; Phấn đấu tiến tới xã hội hóa thành lập những cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Đây là các mô hình đạt đến 3 mục tiêu quan trọng: Một là nâng cao trách nhiệm cấp ủy chính quyền, ban ngành đoàn thể ở các xã, thôn làng, tổ dân phố về chăm sóc người cao tuổi nói chung, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng. Hai là nhằm tăng tỉ lệ người cao tuổi được tư vấn chăm sóc khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Ba là thúc đẩy việc hình thành, nâng cao hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ người cao tuổi tại thôn làng, tổ dân phố.
Hiện nay hàng năm thành phố đang đầu tư triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng từ 60-70 xã phường, thị trấn/năm và quận huyện thị xã đầu tư tối thiểu bằng ½ phần thành phố đầu tư cho xã phương.
Tuy vậy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ Hà Nội Tạ Quang Huycho rằng, trong quá trình triển khai chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn Hà Nội còn một số khó khăn như: Hiện tại còn một số ít cấp chính quyền cơ sở chưa quan tâm thường xuyên đến công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thể hiện bằng việc chủ yếu tập trung vào những dịp như Ngày Người cao tuổi Việt Nam hay Quốc tế Người cao tuổi.
Kinh phí cho hoạt động chăm sóc người cao tuổi ở tại cơ sở còn ít, còn khó khăn nhất là trong bối cảnh phòng chống Covid-19 hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh hệ thống y tế cơ sở phải xây dựng lộ trình tự chủ. Trong khi đầu tư từ ngân sách thì có mức độ.
Số người cao tuổi không có lương hưu được hưởng trợ cấp còn ít (theo quy định đủ 80 tuổi trở lên).
Vì thế, để đảm bảo hiệu quả chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn thành phố nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung, ông Huy đề nghị các cấp chính quyền nhất là cấp cơ sở tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật người cao tuổi, chương trình hành động về người cao tuổi của Chính phủ. Đồng thời, xem xét hạ độ tuổi người không có lương hưu được hưởng trợ cấp.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại