Hà Nội: Ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp chế biến nông sản
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênToàn bộ quy trình từ sản xuất đến thu hoạch nấm của Công ty Kinoko Thanh Cao ở xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Thanh Tuyền |
Nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của công nghệ như: công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, Internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.
Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng: Sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro bởi phụ thuộc vào thời tiết, dịch bệnh, nhu cầu thị trường... Do đó, việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến được coi là giải pháp tối ưu, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm nguồn nông sản phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu... Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp Hà Nội đã và đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các chuỗi sản xuất khép kín, nâng cao năng lực chế biến nông sản.
Toàn TP có khoảng 14.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, trong đó có 250 DN chế biến sâu sản phẩm nông, lâm, thủy sản; hơn 1.650 hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh cá thể thực hiện sơ chế, chế biến, bảo quản để phục vụ tiêu dùng ở địa phương; 159 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn TP.
Trong đó có HTX Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai). Đơn vị đã đầu tư hệ thống giết mổ, đóng gói theo công nghệ của Đan Mạch, bảo đảm an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm. HTX đã áp dụng quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng HACCP và ISO-9001. HTX đã thực hiện chuỗi thực phẩm A-Z, chuỗi chăn nuôi hoàn chỉnh từ sản xuất con giống đến giết mổ, sơ chế và chế biến sản phẩm.
Áp dụng công nghệ cao
Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Công nghiệp chế biến là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, có 50% số cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm rau, củ, quả, thịt, trứng... sử dụng máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ cao, bảo quản sản phẩm theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến... Đến năm 2030, Hà Nội sẽ hình thành 15 khu, cơ sở chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu... Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp Thủ đô đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển các chuỗi khép kín, nâng cao năng lực chế biến nông sản.
Hiện, sản lượng các loại nông sản, thực phẩm qua chế biến của TP đạt khoảng 1.500 tấn/tháng, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô là khoảng 5.350 tấn/tháng. Như vậy, năng lực chế biến nông sản, thực phẩm của Hà Nội mới đáp ứng gần 30% nhu cầu thực tế.
Đại diện Cty CP Dabaco Việt Nam cho rằng, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để thực hiện chuỗi giá trị là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, đây là câu chuyện không dễ vì tốn kém nhiều kinh phí. Theo đó, cần phải có các chính sách hỗ trợ cho DN và hình thành trục liên kết với các DN trong nước nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để phát triển ngành nông nghiệp.
Thực tế ngành công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn những hạn chế, số lượng DN tham gia vào lĩnh vực này còn ít, quy mô vừa và nhỏ. Thiết bị, máy móc của các cơ sở chế biến chủ yếu là bán tự động (chiếm 76,6% tổng số cơ sở), công nghệ dây chuyền tự động mới chiếm hơn 14,7% và công nghệ chế biến thủ công vẫn chiếm khoảng 8,7%. Hệ thống bảo quản các sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản của Hà Nội còn khiêm tốn. Toàn TP hiện có 113 kho lạnh, nhưng mới có 7 kho lớn (tổng quy mô gần 30.000m2), còn lại 106 kho có tổng diện tích chỉ hơn 5.300m2.
Theo ông Tạ Văn Tường, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị rà soát, quy hoạch cơ sở, vùng giết mổ, chế biến nông sản kết nối với vùng nguyên liệu tập trung và hạ tầng thương mại của TP. Mặt khác, TP sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, công nghệ cho hoạt động chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường; hỗ trợ các cơ sở giết mổ, chế biến nông sản áp dụng hệ thống chứng nhận chất lượng quốc tế (ISO, HACCP, Halal...), nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại