Thứ bảy 04/05/2024 10:13

Hà Nội: Chưa hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo đúng tiêu chí

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao được xác định là một trong 6 giải pháp quan trọng cho phát triển sản xuất nông nghiệp của TP Hà Nội đã được cụ thể hóa tại Chương trình 02-CTr/TU về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021 - 2025”.
PGS.TS. Ngô Thị Phương Thảo cho rằng, nhằm đáp ứng nhu cầu sản phẩm nông nghiệp tươi sống, quy hoạch phát triển nông nghiệp cần tiếp tục thiết lập không gian phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao cho TP theo hướng xây dựng 3 vành đai, 4 khu vực. Ảnh minh họa: Khánh Huy
PGS.TS. Ngô Thị Phương Thảo cho rằng, nhằm đáp ứng nhu cầu sản phẩm nông nghiệp tươi sống, quy hoạch phát triển nông nghiệp cần tiếp tục thiết lập không gian phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao cho TP theo hướng xây dựng 3 vành đai, 4 khu vực. Ảnh minh họa: Khánh Huy

Những tồn tại

Theo PGS.TS. Ngô Thị Phương Thảo và Nhóm nghiên cứu Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần. Tỷ lệ đô thị hóa ở Hà Nội đang tăng dần; giai đoạn năm 2025 và năm 2030, Hà Nội phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 60 - 62% và đến năm 2030 dự kiến đạt khoảng 65 - 75%.

Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 30% vào năm 2025 và phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 33 - 36% (theo Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26/8/2022 của Thành ủy Hà Nội). Nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn TP tuy chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu kinh tế nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của Hà Nội.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, với định hướng từng bước xây dựng và phát triển các vùng, DN, trang trại, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP; sản xuất ra nhiều nông sản hàng hóa có năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân Thủ đô và xuất khẩu, TP đã ban hành các chính sách, hướng dẫn, các tiêu chí để khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, mặc dù là một trong những địa phương tiên phong của cả nước về phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, nhưng đến nay, TP mới chỉ có 1 DN được công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Về mô hình ứng dụng đồng bộ công nghệ cao trong sản xuất rất ít, mới chỉ có 2 mô hình sản xuất rau (tại Thanh Trì và Đan Phượng); 2 mô hình sản xuất hoa (tại Đan Phượng và Chương Mỹ), 1 mô hình sản xuất lúa (Thanh Trì); 1 cơ sở sản xuất giống thủy sản và 17 cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Trên toàn TP mới chỉ có 50,15 ha sản xuất rau, hoa và 20 ha nuôi trồng thủy sản ứng dụng các công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cao vào sản xuất, còn lại là các cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và các sản phẩm của công nghệ cao vào sản xuất như: ứng dụng một phần hệ thống nhà lưới có điều khiển vi khí hậu, giống mới, chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, hệ thống chuồng kín trong chăn nuôi... Còn thiếu những mô hình ứng dụng công nghệ cao mang tính tiên tiến hàng đầu, chứa đựng hàm lượng khoa học công nghệ cao áp dụng trong sản xuất nông nghiệp nên chưa tạo ra được sự đột phá mạnh mẽ về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất...

Tạo không gian phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao

PGS.TS. Ngô Thị Phương Thảo cho rằng, nhằm đáp ứng nhu cầu sản phẩm nông nghiệp tươi sống, tạo không gian xanh và địa điểm vui chơi cho người dân Thủ đô, quy hoạch phát triển nông nghiệp cần tiếp tục thiết lập không gian phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao cho TP theo hướng xây dựng 3 vành đai, 4 khu vực. Phát triển 3 vành đai nông nghiệp xác định theo khoảng cách như sau: Vành đai nông nghiệp nội đô có bán kính dưới 10km; vành đai nông nghiệp ven đô có bán kính từ 10 - 20km; vành đai nông nghiệp xa đô thị có bán kính từ 20 - 50km.

Bốn khu vực phát triển nông nghiệp của TP bao gồm: Khu vực 1 là vùng nội đô lịch sử, xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp đô thị nhằm tạo không gian xanh, tạo cảnh quan môi trường sinh thái và tận dụng giải quyết một phần rác hữu cơ trong đô thị. Khu vực 2 là vùng đô thị mở rộng gồm diện tích trong vành đai 4 bao gồm cả 5 huyện đang thực hiện đề án phát triển lên quận, các huyện định hướng phát triển theo mô hình TP trong TP và phạm vi vùng ven thuộc các huyện tương lai chuyển đổi mạnh sang đô thị, nông nghiệp khu vực này tập trung khai thác hiệu quả quỹ đất để ứng dụng các mô hình sản xuất phù hợp, xây dựng mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, tạo hành lang xanh cải thiện môi trường sống, phát triển các diện tích cây trồng tập trung, mặt nước, sát kề đô thị tạo cảnh quan môi trường sinh thái ứng phó thiên tai, dự trữ tài nguyên nước...

Khu vực 3 gồm vùng phạm vi quy hoạch 5 đô thị vệ tinh và các vùng phụ cận, định hướng phát triển sản xuất gắn với bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ, làng nghề, gắn với du lịch giáo dục, trải nghiệm. Khu vực 4 là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm gồm các vùng còn lại như: Ba Vì, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất..., quy hoạch thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản trong vùng đồng bằng sông Hồng; kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, bảo quản, chế biến.

Tùy theo từng vùng, các địa phương áp dụng các mô hình phát triển phù hợp; đa dạng loại hình sản xuất, kết hợp đa lĩnh vực du lịch, sinh thái, giáo dục, bảo vệ môi trường, nhất là chú trọng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, để tạo động lực phát triển ứng dụng công nghệ cao, TP cần quy hoạch các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các quy hoạch, bảo đảm quỹ đất ổn định để thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp…

Chất lượng và độ an toàn sản phẩm là một vấn đề quan trọng để đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm được dễ dàng. Thực tế không chỉ đối với rau sạch có vấn đề gian dối về chất lượng mà các sản phẩm thông thường khác cũng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, để lập lại trật tự thị trường, phải nâng cao vai trò của luật pháp để xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm nội quy an toàn thực phẩm, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh cung cấp nông sản cho Hà Nội có sự kiểm soát đồng bộ ngay từ khâu sản xuất đến phân phối sản phẩm. Sự kiểm tra giám sát này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và nghiêm túc, trong đó tăng cường quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với các cán bộ trực tiếp làm công tác thanh tra, kiểm dịch.
Hà Nội: Mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao
Hà Nội: Ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững làng nghề
Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo điều kiện thực hiện phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động