Chủ nhật 24/11/2024 07:14

Hà Nội: triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội đã có nhiều đóng góp vào nền kinh tế, cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa hiện nay vẫn còn thấp nên khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD.
Hà Nội: triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Hà Thư

Theo Sở Công Thương TP Hà Nội, hiện nay, Hà Nội có khoảng hơn 900 doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ, với trên 320 DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các DN hỗ trợ này tập trung chủ yếu sản xuất các linh kiện, phụ tùng cung cấp cho các DN chế tạo trong sản xuất ôtô, xe máy, cơ khí chế tạo, điện, điện tử. Đặc biệt, các DN đều có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân cho biết, thực tế những năm gần đây, các DN công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội liên tục tăng cả về số lượng, chất lượng, lĩnh vực; trong đó, tập trung vào 3 nhóm ngành nghề gồm sản xuất linh kiện, phụ tùng; sản phẩm phục vụ ngành dệt may-da giày; sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo.

Tuy nhiên, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước nói chung và của Hà Nội nói riêng vẫn còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Vì vậy, dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa còn thấp nên khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, TP Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước.

Để đạt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2024, TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này; thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ triển khai mô hình nhà máy thông minh.

Đồng thời, tổ chức các hội chợ công nghiệp hỗ trợ với sự tham gia của các DN trên địa bàn Hà Nội, các tỉnh, TP khác, DN nước ngoài; tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương trực tuyến; hỗ trợ DN tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực…

Hà Nội tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Hà Nội thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển
Kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động