Hà Nội tăng cường tuyên truyền 53 hành vi vi phạm pháp luật hành chính, hình sự trong phòng chống dịch Covid-19
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột trường hợp vi phạm hành chính về phòng chống dịch bị CA quận Bắc Từ Liêm xử phạt |
Theo đó, Sở Tư pháp đề nghị UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền tăng thời lượng, tần suất phát thanh và chú trọng phát trong giờ cao điểm, nhằm nâng cao ý thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh.
Trong số 53 hành vi vi phạm, có 43 hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính và 10 hành vi bị xử lý hình sự. Trong đó, các hành vi vi phạm hành chính được chia làm 10 nhóm, với từng mức phạt cụ thể.
Theo đó, mức phạt tiền cao nhất đến 10 triệu đồng được áp dụng cho các nhóm hành vi vi phạm quy định về phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và vi phạm quy định về mai táng, hỏa táng. Nhóm hành vi vi phạm quy định về thông tin, giáo dục truyền thông trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm có mức phạt tiền cao nhất đến 25 triệu đồng.
Mức phạt cao nhất đến 20 triệu đồng được áp dụng cho các nhóm hành vi: Vi phạm quy định về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm; vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm; vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
Nhóm hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm và vi phạm quy định về kiểm dịch biên giới có mức phạt tiền cao nhất đến 30 triệu đồng. Vi phạm quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế; vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch có mức phạt tiền cao nhất đến 40 triệu đồng.
Mức phạt tiền trên đây được áp dụng với cá nhân, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ được tính gấp đôi so với cá nhân.
Bên cạnh đó, có 10 hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự, với mức phạt tiền cao nhất lên đến 200 triệu đồng và mức phạt tù tối đa đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Cụ thể là các hành vi liên quan đến các tội: Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người; Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người; Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; Làm nhục người khác; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Buôn lậu; Đầu cơ; Chống người thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đáng chú ý, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người: Trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa, thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295: Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; Không tuân thủ quy định cách ly; Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán ba, vũ trường, karaoke, dịch vụ massage, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại