Hà Nội: Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Thành phố Hà Nội hiện có 59.109 cơ sở thực phẩm, 06 cơ sở giết mổ công nghiệp, 15 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 04 khu giết mổ thủ công và 1.047 điểm giết mổ nhỏ lẻ. Có 454 chợ, 120 siêu thị, 22 Trung tâm thương mại.
Quý III, toàn Thành phố cấp mới 512 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; Xác nhận kiến thức về ATTP cho 3.289 người trực tiếp sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm. Cấp giấy xác nhận bản công bố hợp quy/giấy xác nhận phù hợp quy định ATTP 375 sản phẩm. Xác nhận nội dung quảng cáo, hội nghị giới thiệu sản phẩm cho 10 sản phẩm. Thành lập 762 đoàn thanh tra, kiểm tra các cấp đã kiểm tra 22.427 lượt cơ sở, phát hiện 3.149 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 3.149 cơ sở hơn 3,6 tỷ đồng, hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm ATTP trị giá 5,3 tỷ đồng.
Trong quý III năm 2017, toàn Thành phố ghi nhận 05 trường hợp ngộ độc methanol và 02 vụ ngộ độc thực phẩm nhỏ (15 người mắc) tại 02 trường học thuộc quận Hoàng Mai và huyện Hoài Đức. Sở Y tế tích cực phối hợp các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương điều tra, khắc phục, xử lý các vụ việc kịp thời.
Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường năng lực quản lý nhà nước về ATTP. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về ATTP của Lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương; đặc biệt đối với cấp quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn.
Chủ động và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, thông tin kịp thời về thực trạng ATTP, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về ATTP. Tổ chức truyền thông ATTP, phòng chống ngộ độc rượu.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm trong nuôi trồng, giết mổ gia súc gia cầm, sản xuất chế biến nông, lâm sản, thủy sản, sản xuất kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển vùng sản xuất tập trung; phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn. Tăng cường quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tiến tới xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ.
Đồng thời, mở rộng và phát triển các chợ mới theo quy hoạch. Tăng cường kiểm tra ATTP tại các chợ cóc, chợ tạm. Khuyến khích cơ sở đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại giám sát, quản lý chất lượng thực phẩm.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại