Thứ sáu 22/11/2024 22:42

Hà Nội tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hà Nội tăng cường kênh kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố, tăng hiệu quả của cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh Phạm Hùng
Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh Phạm Hùng

Ngày 6/12/2023, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Tọa đàm trực tuyến Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" với chủ đề “Dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán" trên địa bàn Hà Nội.

Kết nối hàng hoá với trên 30 tỉnh, TP

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho biết, thời gian qua, hàng Việt ngày càng khẳng định vai trò của mình trong nước và quốc tế. Trong nước, trên các kệ siêu thị hay các cửa hàng tạp hoá, các chợ dân sinh, hàng Việt đã chiếm ưu thế và được đa số người tiêu dùng Việt lựa chọn. Trên các kệ hàng quốc tế, hàng Việt cũng ngày càng khẳng định vị thế của mình. Các sản phẩm Việt xuất khẩu từ nông sản, thực phẩm đến đồ gia dụng, dệt may, da giày, nội thất... đã chinh phục nhiều thị trường khó tính như Pháp, Nhật Bản, Italia….

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, hàng Việt cũng đứng trước rất nhiều thách thức để giữ vững thị phần. Vậy, làm sao để hàng Việt được lòng người Việt nhiều hơn, làm sao để hàng Việt không chỉ vững chân trên sân nhà mà còn đứng tự hào trên các kệ hàng quốc tế?

Vì thế, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Tọa đàm trực tuyến tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và công tác “dự trữ hàng Việt phục vụ Tết” trên địa bàn TP Hà Nội. “Thông qua Toạ đàm này, chúng tôi mong muốn sẽ nhận được nhiều tham vấn quý giá của các đại biểu về thực tế, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và các giải pháp để cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” ngày càng nâng cao chất lượng, đạt hiệu quả cao. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ góp thêm tiếng nói tạo dựng sự đồng thuận trong xã hội về cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt”, để người dân hiểu sâu hơn đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và TP Hà Nội cũng như những nỗ lực của DN” - Tổng Biên tập Nguyễn Thành Lợi thông tin.

Tại cuộc tọa đàm này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao hỗ trợ các tỉnh, TP quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tại thị trường Hà Nội theo các Thông báo kết luận ghi nhớ, hợp tác giữa Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ các Tỉnh, Thành ủy 42 tỉnh, TP, với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cùng cả nước”.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh Phạm Hùng
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh Phạm Hùng

Trong năm 2023, ngành Công Thương Hà Nội cùng với trên 30 tỉnh, TP đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để tăng cường kết nối cung- cầu hàng hóa phục vụ thị trường Hà Nội và các địa phương như: Hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Trị, Bắc Kạn, Tây Ninh, Hải Dương… làm việc trực tiếp với hệ thống phân phối Hà Nội (Siêu thị BigC, Đức Thành; CHTP Miền Xanh, Biggreen, Lương An…) để giới thiệu, kết nối sản phẩm đặc sản, đặc trưng; tổ chức và hỗ trợ DN Hà Nội và các tỉnh tham gia trên 40 hoạt động giao thương, hội chợ, tuần hàng tại Hà Nội và các tỉnh tổ chức; giới thiệu, cung cấp danh sách 3.000 sản phẩm của 30 tỉnh, thành đến hệ thống phân phối Hà Nội để chủ động kết nối…, kết quả hàng năm đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ lượng hàng hóa từ các tỉnh, TP đạt trên 500.000 tấn, là sản phẩm hàng Việt.

Rất nhiều sản phẩm nông sản, OCOP của các tỉnh, thành được kết nối, đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối của TP Hà Nội, được ưu tiên hỗ trợ truyền thông, quảng bá tiêu thụ được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, sử dụng, đã được các tỉnh ghi nhận, đánh giá cao.

Từ kết quả triển khai thực hiện hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, TP, hoạt động này đã đóng góp cho việc tăng hiệu quả của cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Qua đó giúp các doanh nghiệp, đơn vị phân phối Hà Nội tìm được nguồn hàng Việt ổn định, chất lượng từ các tỉnh, TP. Đây đều là những sản phẩm đặc sản, đặc trưng do đơn vị các tỉnh, TP sản xuất theo hướng dẫn, luôn được nghiên cứu điều chỉnh mẫu mã, quy cách, chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Thủ đô… không chỉ đưa về tiêu thụ tại hệ thống phân phối của đơn vị trên địa bàn Hà Nội mà còn tiêu thụ tại hệ thống phân phối trên toàn quốc (BigC, Co.opmart…), góp phần đưa hàng Việt đến đông đảo người tiêu dùng cả nước. Ví như trái cây mùa vụ các tỉnh: trái cây có múi- cam, bưởi tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, xoài, mận Sơn La, na Lạng Sơn; gạo Quảng Trị; nông sản vùng cao tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng...; sản phẩm OCOP các tỉnh Tây Ninh, Quảng Nam, Lào Cai, Quảng Ninh...

Thứ hai, giúp hàng hóa của tỉnh, TP sản xuất ra có thị trường tiêu thụ lớn, ổn định, giúp người tiêu dùng yên tâm mua sắm hàng hóa đặc sản, chất lượng từ các tỉnh, TP, góp phần thay thế dần hàng ngoại nhập. Thực tế, người tiêu dùng Thủ đô đã ưu tiên lựa chọn sản phẩm trái cây đặc sản các tỉnh, thay thế dần cho hàng ngoại nhập, đặc biệt trong dịp lễ, tết.

Thứ ba, thúc đẩy các địa phương sản xuất đa dạng các dòng sản phẩm, cụ thể: hàng hóa trong mùa vụ trái cây, nông sản đặc sản các tỉnh được người tiêu dùng Thủ đô và cả nước biết đến và sử dụng trong mùa vụ. Với nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng mong muốn có thể sử dụng được nhiều thời điểm trong năm, thúc đẩy các đơn vị sản xuất các tỉnh tăng cường chế biến đa dạng các dòng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng (như: sản phẩm trái cây đặc sản, ngoài dùng tươi, có thể sử dụng sấy khô, siro, đóng hộp…; thủy sản đóng hộp, khô, ruốc, mắm…), góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, hạn chế dư cung trong mùa vụ.

Cuộc bình chọn “hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” tạo động lực thúc thúc đẩy các DN

Chương trình bình chọn hàng “Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” được triển khai từ năm 2010. Từ năm 2010 đến nay, số lượng doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa dịch vụ tham gia tăng dần qua các năm. Qua 14 kỳ tổ chức đã có 1088 sản phẩm, dịch vụ của 823 doanh nghiệp được bình chọn là hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích.

Chương trình bình chọn hàng “Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” kích cầu tiêu dùng, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Thành phố.
Chương trình bình chọn hàng “Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” kích cầu tiêu dùng, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Thành phố.

Qua các năm, đây đã thực sự là một chương trình hiệu quả, đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt, Chương trình này đang giúp các doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu, giúp người tiêu dùng Việt Nam nâng cao niềm tự hào đối với hàng Việt và sử dụng hàng Việt nhiều hơn trong tương lai.

Qua 13 năm thực hiện Chương trình, việc không ngừng thay đổi các hình thức thực hiện đã tăng tính chủ động của các doanh nghiệp, thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia với số lượng sản phẩm, dịch vụ ngày càng tăng lên (năm 2010 có 100 doanh nghiệp tham gia bình chọn với 10 nhóm sản phẩm, từ năm 2020 -2023 có trên 150 doanh nghiệp tham gia bình chọn với 18 nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tham gia mỗi năm). Số lượng doanh nghiệp, số lượng người tiêu dùng bình chọn tham gia chương trình bình chọn năm sau cao hơn năm trước (cả từ bình chọn online đến trực tiếp). “Đây là con số có ý nghĩa, khẳng định sự quan tâm của doanh nghiệp, của người tiêu dùng đối với chương trình bình chọn và khẳng định hiệu quả của Chương trình”- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp đánh giá.

Chương trình đã là cầu nối sản phẩm của doanh nghiệp với hệ thống các nhà bán lẻ trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm bình chọn của Chương trình đã tiếp cận vào các hệ thống siêu thị và được các nhà phân phối, các siêu thị lớn ký kết hợp đồng hợp tác và hợp đồng xuất khẩu (Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, Công ty cổ phần may 10, Công ty Ba Huân, Công ty cổ phần bánh mứt kẹo Hà Nội, Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan, Công ty cổ phần Richy Group....).

Cũng theo diện Sở Công Thương Hà Nội, từ kết quả của năm 2023, có thể khẳng định cuộc Chương trình bình chọn trong những năm qua được Hà Nội triển khai bài bản, có hiệu quả, ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô (thu hút 150 sản phẩm của 140 doanh nghiệp với 18 nhóm sản phẩm, dịch vụ). Các doanh nghiệp tham gia ngày càng có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng về các sản phẩm, dịch vụ tham gia, đảm bảo đầy đủ tiêu chí về độ an toàn, chất lượng, mẫu mã và hình thức bắt mắt phù hợp thị hiếu người tiêu dung để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.

Chương trình đã hỗ trợ tích cực doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược và quảng bá thương hiệu, qua đó tạo hiệu ứng kép trong và sau chương trình (ví dụ như: Dược phẩm Tâm Bình, Sunhouse, Seabank,…). Các doanh nghiệp này có thể đạt mức độ tăng trưởng về độ phủ thương hiệu và tiêu thụ tốt hơn với mức tăng trung bình hàng năm khoảng 20%.

Đối với các doanh nghiệp được bình chọn thông qua các kênh truyền thông, công bố thông tin kết hợp với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, dịch vụ được vinh danh (hội chợ, triển lãm,…). Các doanh nghiệp đều tăng được mức độ nhận diện thương hiệu, số lượng người biết đến thông tin doanh nghiệp. Sản phẩm, dịch vụ tiêu thụ cũng ghi nhận tăng trưởng từ 5% - 10% tùy lĩnh vực ngành nghề kinh doanh. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng giảm.

Thông qua chương trình bình chọn, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đã nắm bắt được thông tin điều tra về người tiêu dùng, thông tin thị trường, giúp cho các doanh nghiệp có cơ sở đánh giá toàn diện về nhu cầu thị trường, sự kỳ vọng của người tiêu dùng và sự lựa chọn của họ đối với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Từ đó, tạo động lực thúc thúc đẩy các DN xây dựng các hạng mục (cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hướng đến chuyên nghiệp hóa từ khâu quản lý đến sản xuất và cung ứng (phân phối), phát triển thương hiệu,…) mang lại lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

“Chương trình đã tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, mặt hàng vì khi tham gia Chương trình, doanh nghiệp phải thực thi các chính sách pháp luật tốt. Ngoài ra, khi tham gia Chương trình, trách nhiệm và ý thức của doanh nghiệp được tăng lên, đặc biệt là trách nhiệm với xã hội, người tiêu dùng, với cán bộ công nhân viên” - ông Nguyễn Thế Hiệp nhấn mạnh.

Hà Nội: Đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán
Hà Nội đẩy mạnh liên kết vùng - kết nối cung cầu hàng hóa
Vĩnh Phúc: Đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023
Lê Nam - Lâm Nguyễn - Thảo Nguyên - Phương Nga
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động