Hà Nội: Tăng cường chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu bia
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐồ uống có cồn gây nên những tác hại khôn lường cho sức khoẻ |
Theo đó, để tiếp tục thực hiện Công văn số 3014/SYT-NVY ngày 5/7/2022 của Sở Y tế Hà Nội về việc thực hiện Công điện số 488/CĐ-TTg ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Sở Y tế đề nghị các đơn vị yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang Nhân dân, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định về cấm uống rượu, bia; thực hiện nghiêm quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. Chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung tuyên truyền quy định về những hành vi nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định của pháp luật.
Các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã phối hợp với Phòng y tế tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn; tích cực thực hiện tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn; phối hợp với Thanh tra Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội trong công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Sở Y tế cũng đề nghị Phòng y tế quận, huyện, thị xã phối hợp với TTYT tiếp tục tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị chức năng thực hiện tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và đề xuất xử lý các hành vi vi phạm tại các đơn vị trong ngành theo quy định.
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội tiếp tục phối hợp với CDC Hà Nội và các đơn vị trong ngành trong công tác xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) theo quy định của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với các đơn vị y tế trong ngành tiếp tục thực hiện tuyên truyền việc chấp hành các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia đến cán bộ, nhân viên, người lao đông và người đến khám, chữa bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại đơn vị.
Tỷ lệ uống rượu bia ở người trưởng thành tại Việt Nam ở mức cao, đặc biệt ở nam giới |
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tỷ lệ uống rượu bia ở người trưởng thành tại Việt Nam ở mức cao, đặc biệt ở nam giới. Kết quả điều tra yếu tố nguy cơ các bệnh không lây nhiễm của Bộ Y tế năm 2021, có tới hơn 64% nam giới và 10% nữ giới trưởng thành được hỏi cho biết có uống rượu bia 30 ngày qua. Đáng chú ý, tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, đặc biệt là ở nam giới (cứ 3 nam giới lại có 1 người uống ở mức nguy hại).
Hành vi uống rượu bia đang ngày càng phổ biến ở tuổi vị thành niên tại Việt Nam và tuổi bắt đầu uống rượu bia đang ngày càng trẻ hóa. Việc sử dụng rượu bia đang gia tăng ở mức báo động-đặc biệt là ở giới trẻ. Điều này không chỉ tạo nên gánh nặng đối với y tế, gây tổn thất về kinh tế mà còn gia tăng các vấn đề xã hội.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Báo cáo thực trạng rượu bia toàn cầu của WHO cho thấy: Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật, chấn thương. Trong đó phải kể đến trong số đó là chứng rối loạn tâm thần, ung thư, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh tiêu hóa, tổn thương hệ miễn dịch, tác động đến bào thai, gây hành vi nguy cơ chấn thương...
Thống kê của WHO cũng cho biết, mỗi năm có hơn 548.000 trường hợp tử vong do ung thư, bệnh tim mạch, tâm thần, tiêu hóa, nhiễm trùng và do một số bệnh khác; trong đó, ước tính có khoảng hơn 40.800 ca tử vong liên quan đến bia rượu, chiếm tỷ lệ 7,5%.
Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ tiến triển nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh.
WHO khuyến cáo, để giảm thiểu nguy cơ, người bình thường không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Uống rượu bia ở mức độ nào cũng tăng nguy cơ mắc ung thư. Tác hại của rượu bia là do chất cồn gây ra, không phụ thuộc là bia hay là rượu mà phụ thuộc vào lượng uống (bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng) của mỗi người.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại