Hà Nội: Sự đồng thuận của người dân đóng vai trò quan trọng trong tái thiết đô thị
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVới chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và TP Hà Nội, từ những quy định mới được sửa đổi, bổ sung phù hợp, công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô đang có nhiều tiến triển tích cực, nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân và sự tham gia nhiệt tình từ doanh nghiệp |
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội có 1.579 chung cư, nhà tập thể cũ, qua rà soát đến thời điểm này, số lượng lại tăng thêm vào khoảng 2.000 chung cư. Nhưng đáng mừng là hiện nay số lượng doanh nghiêp (DN), nhà đầu tư xin đăng ký tham gia tương đối lớn, cao hơn gấp nhiều lần so với thời điểm cách đây hơn 2 năm.
Ông Mạc Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến nay, đã có 70 nhà đầu tư đăng ký tham gia cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP. Nếu như trước đây, các khâu kiểm định, lập quy hoạch chi tiết đều do nhà đầu tư thực hiện thì theo quy định mới (Nghị định số 69/2021/NĐ-CP), Nhà nước sẽ bỏ kinh phí thực hiện kiểm định và lập quy hoạch, kết quả sẽ khách quan hơn.
Theo ông Mạc Đình Minh, thời điểm này, công tác triển khai đang bám sát Kế hoạch của TP Hà Nội về xây dựng lại chung cư cũ đợt 1 năm 2022.
Đến nay, đối với một số khu vực có nhà nguy hiểm cấp D, như chung cư số 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa) đã hoàn tất công tác di dời các hộ ra khỏi nhà nguy hiểm; 5 khu còn lại tại quận Ba Đình, gồm: Nhà C8 tập thể Giảng Võ, nhà G6A tập thể Thành Công, nhà A tập thể Ngọc Khánh, 2 đơn nguyên đầu hồi khu tập thể Bộ Tư pháp, nhà 148 - 150 Sơn Tây hoàn thành di dời trong quý II/2022.
“Sở Xây dựng cũng cơ bản hoàn thành kiểm định 126 chung cư cũ trên địa bàn”, ông Mạc Đình Minh thông tin .
Cũng theo ông Mạc Đình Minh, ngày 21/6 vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội ban hành Quyết định số 331/QĐ-SXD về những tiêu chí đánh giá kết quả kiểm định chất lượng hiện trạng các chung cư cũ trên địa bàn TP, quy định rõ trình tự thẩm định gồm 6 bước.
Đáng chú ý là việc đánh giá nhà chung cư hư hỏng thuộc diện buộc phải tháo dỡ liên đến quan những tiêu chí cụ thể, như kết cấu chịu lực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp, thoát nước, xử lý nước thải, điện, giao thông nội bộ và cấu kiện kết cấu chính, gồm: Móng, cột, tường, dầm, xà... không đáp ứng được nhu cầu.
Nhiều ý kiến cho rằng, với những nội dung mới được ban hành tại Bộ tiêu chí trên sẽ giúp đẩy nhanh quá trình cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội.
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tập thể cũ ở Hà Nội và nhiều địa phương khác liên quan đến việc xác định hệ số đền bù giải phóng mặt bằng, tiếp theo là việc lựa chọn chủ đầu tư.
Những vấn đề này không thể tiến hành một cách vội vã, mà phải thực hiện theo từng bước, từng giai đoạn sau khi đánh giá cụ thể tình hình triển khai thực tế, nhằm đảm bảo lợi ích cho Nhân dân, DN và Nhà nước.
Vì vậy, cần có sự quyết tâm hơn nữa của chính quyền cấp cơ sở từ quận, huyện phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan, như Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc nhằm xác định rõ mức độ nguy hiểm của từng khu nhà, từ đó đưa ra quyết định địa điểm nào làm trước, làm sau.
Bên cạnh đó, sự đồng thuận từ người dân cũng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc tái thiết đô thị này. Người dân có quyền yêu cầu lợi ích cho mình, nhưng cũng cần sự hài hòa và trách nhiệm với cộng đồng.
Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV mới đây, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thời gian qua, công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô gặp nhiều khó khăn, để tháo gỡ những vướng mắc Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP, HĐND TP Hà Nội cũng có Nghị quyết thông qua về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại