Thứ ba 21/05/2024 13:41

Hà Nội: Quy hoạch, bố trí chợ truyền thống phù hợp với đời sống đương đại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, chợ truyền thống đã tồn tại và trở thành một nếp sống, một nét văn hóa đặc trưng của người dân. Chợ truyền thống đóng một vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh, do vậy việc quy hoạch, bố trí chợ truyền thống phù hợp với đời sống đương đại và cảnh quan đô thị là rất cần thiết.
Hà Nội: Quy hoạch, bố trí chợ truyền thống phù hợp với đời sống đương đại
Thời gian gần đây, nhiều chợ truyền thống ở Hà Nội rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách. Trong ảnh: Chợ Ngã Tư Sở. Ảnh Khánh Huy

Nhiều chợ rơi vào cảnh đìu hiu, vằng khách

Theo khảo sát của phóng viên, thời gian gần đây, nhiều chợ truyền thống ở Hà Nội rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách, hàng hóa tồn đọng khiến việc kinh doanh của nhiều tiểu thương bấp bênh. Tại chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa, Hà Nội) là chợ hạng 1, có diện tích trên 8.000m2 với 754 hộ kinh doanh cố định nhưng hiện tại chỉ còn chỉ còn hơn 200 hộ.

Bà Minh, một tiểu thương bán quần áo tại chợ Ngã Tư Sở chia sẻ: "Tôi bán hàng ở đây mấy chục năm rồi, những năm trước bán hàng còn nhiều khách nhưng nay mỗi ngày chỉ được 1 - 2 khách đến, bởi nhiều khách mua hàng online nên ít vào chợ truyền thống hơn".

Chợ Cầu Giấy cũng đang trong tình trạng tương tự. Từ một khu chợ hoạt động sầm uất, nhộn nhịp, chợ Cầu Giấy có hơn 200 hộ buôn bán kín cả 2 tầng, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 30 hộ, buôn bán ở tầng 1. Trong khi đó, toàn bộ tầng 2 gần như bị bỏ trống.

Theo bà Nguyễn Thu Hà - Phó Trưởng Ban Quản lý chợ cho biết, chợ Cầu Giấy được xây dựng từ thập niên 90. Đến nay, có một số hạng mục, trong đó có hạng mục về điện chưa đáp ứng tiêu chí an toàn mới nên chúng tôi đang đề nghị nâng cấp hệ thống phòng cháy chữa cháy và trang thiết bị điện cho chợ.

Hiện, hầu hết các chợ truyền thống đang bị xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... Trong khi đó, một số chợ đã cải tạo theo mô hình kết hợp trung tâm thương mại lại hoạt động không hiệu quả.

Đơn cử, chợ Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) là chợ đầu tiên trong khu vực nội thành được chuyển đổi sang mô hình kết hợp trung tâm thương mại. Công trình được khởi công năm 2007 với quy mô 7 tầng nổi, 2 tầng hầm. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2010, chợ cũng dần vắng khách và từ năm 2017 không còn hộ kinh doanh.

Tương tự, chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm) vốn nổi tiếng sầm uất thì nay cũng gần như "đóng băng" sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh thành trung tâm thương mại kết hợp chợ dân sinh.

Theo nhiều tiểu thương, từ ngày chợ "lên đời" với hệ thống thang máy hiện đại, thì việc buôn bán trở nên ế ẩm vì người dân chỉ mua mớ rau, con cá ngại phải gửi xe đi xuống tầng hầm.

Bên cạnh đó, các chợ như Thành Công, Châu Long (quận Ba Đình), Xuân La (quận Tây Hồ)…, dù đã xuống cấp, nhưng việc xây dựng lại theo hình thức xã hội hóa không nhận được sự đồng thuận của tiểu thương.

Bám sát nhu cầu dân sinh

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội sẽ tiến hành xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ. Trong đó, năm 2023 sẽ xây mới 48 chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ. Để triển khai mô hình Chợ văn minh, các quận, huyện đã đề xuất xây dựng, cải tạo 20 chợ nhưng trên thực tế việc cải tạo này vẫn còn chậm chưa đáp ứng được như mong muốn.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, đơn vị đã phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, các quận, huyện rà soát, xác định địa điểm dự kiến bố trí chức năng khu tổ hợp Outlet, làm căn cứ để xem xét hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư tại khu vực 2 bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, chợ truyền thống đã tồn tại và trở thành một nếp sống, một nét văn hóa đặc trưng của người dân. Chợ truyền thống đóng một vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh, do vậy việc quy hoạch, bố trí chợ truyền thống phù hợp với đời sống đương đại và cảnh quan đô thị là rất cần thiết. Chính vì thế, chúng ta cần gìn giữ nét văn hóa này đồng thời kết hợp yếu tố hiện đại để phù hợp với sự phát triển của thời đại.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, muốn làm được điều này, Nhà nước cần phải có những chính sách ưu đãi và chiến lược cụ thể để thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước xây dựng, cải tạo và phát triển các dự án chợ dân sinh lên một tầm cao mới, giữ vững vai trò, vị trí của chợ đối với đời sống vật chất, tinh thần của người dân Việt Nam.

Chợ truyền thống Hà Nội được coi là nét đặc trưng trong văn hóa thương mại của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, hình thành, phát triển song hành cùng dòng chảy các giai đoạn lịch sử. Chợ giống như nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Dù TP Hà Nội ưu tiên phát triển hệ thống thương mại hiện đại thì việc lưu giữ các giá trị của chợ truyền thống vẫn rất cần thiết.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội sẽ tiến hành xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ. Trong đó, năm 2023 sẽ xây mới 48 chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ.
Hà Nội: Đảm bảo ATTP tại chợ truyền thống
Hà Nội: Hoàn thiện phương án tính giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ
Cảnh vắng vẻ tại khu chợ Ngã Tư Sở sầm uất một thời
Đào Tuyết
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động