Kỳ cuối: Thay đổi nhưng vẫn phải giữ lại bản sắc và nét độc đáo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênToàn cảnh chợ Đồng Xuân. Ảnh: Duy Linh |
Thích ứng để phù hợp với thế giới hiện đại
Nhận định về sự sụt giảm của chợ truyền thống, các chuyên gia cho rằng, khi kinh tế khó khăn, người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm và cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại hình kinh doanh hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các kênh bán hàng online, chợ truyền thống ảm đạm là một xu hướng tất yếu.
Cùng với việc đó, tiểu thương sẽ tìm giải pháp tối ưu nhất về chi phí để tiếp tục tồn tại và phát triển, trong đó có trả mặt bằng rút về kinh doanh online. Tuy nhiên, kinh doanh online hiện tại không phải loại hình kinh doanh tối ưu, vì bản thân hình thức này cũng có những vấn đề của nó. Đơn cử, đó là vấn đề về chất lượng sản phẩm.
Bởi thế, đây là một điểm mà chợ truyền thống có thế mạnh. Và từ điểm đó, chợ truyền thống bên cạnh việc cần phải thay đổi, thích ứng để phù hợp với nhu cầu và sở thích của khách hàng trong thế giới hiện đại, vẫn phải giữ lại bản sắc và nét độc đáo riêng.
Chợ truyền thống không chỉ là nơi buôn bán mà còn là một nét văn hóa phải lưu giữ, một số ngôi chợ còn gắn liền với lịch sử và là điểm nhấn của thành phố. Vì vậy, không thể để chợ truyền thống biến mất được, mà cần có sự hỗ trợ, trợ giúp của Nhà nước – theo các chuyên gia.
Để duy trì, phát triển chợ truyền thống, theo đó, chợ truyền thống cần đổi mới mô hình kinh doanh để tạo ra nhiều giá trị hơn cho khách hàng. Ví dụ như cung cấp sản phẩm đa dạng, chất lượng với giá thành cạnh tranh hơn.
Bên cạnh đó, có thể kết hợp với các công ty lữ hành, các tổ chức du lịch và bổ sung dịch vụ khi đến chợ không chỉ là mua bán, mà nó như một tour thăm quan, ẩm thực, tổ chức các lễ hội, sự kiện tại chợ để thu hút du khách và người dân địa phương.
Không “ngó lơ” hay lười thay đổi, mỗi tiểu thương cần tận dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm của khách hàng như cung cấp dịch vụ đặt hàng, giao hàng trực tuyến, các tùy chọn thanh toán kỹ thuật số.
Cũng có ý kiến cho rằng, chợ truyền thống phần lớn phục vụ tệp khách hàng lớn tuổi, họ đến chợ như thói quen đồng thời nơi đó cũng lưu giữ những ký ức trong thời gian sống của họ. Nhưng đối với giới trẻ, lớp khách hàng này lại gần như không có khái niệm mua hàng ở chợ truyền thống vì hình ảnh chợ không sạch sẽ, thoáng mát, nói thách… Như vậy, khách đến chợ truyền thống giảm là đương nhiên.
Khác với khách hàng lớn tuổi, khách hàng trẻ thường rất quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, chính vậy nên họ thường tin tưởng mua sắm ở các hệ thống phân phối hiện đại. Vì vậy, chợ truyền thống có thể sẽ cần chuyển đổi, nâng cấp thành các siêu thị mini với nhiều tiện ích mua sắm, đồng thời hỗ trợ tiểu thương các kỹ năng có thể bán hàng qua mạng phù hợp với xu hướng hiện đại.
Xây dựng những quy chuẩn mới
Theo TS Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế, chợ truyền thống không chỉ là nơi bán hàng, mà còn là nơi giao lưu và thể hiện văn hoá, trình độ phát triển của địa phương, nó cũng là bộ mặt, cảnh quan của địa phương. Với tinh thần đấy thì chợ truyền thống sẽ không bao giờ mất đi cả.
Theo ông, để nhận biết lý do tại sao chợ truyền thống lâm vào cảnh đìu hiu, vắng khách, cần tìm hiểu lý do của nó.
Ở Hà Nội gần đây, có một số chợ truyền thống bị suy giảm công năng cũng như hiệu quả do 2 lý do chính: Theo đó, thứ nhất là do việc sửa chữa, cải tạo chợ không theo được mô hình truyền thống. Các chợ này khi được cải tạo, nó không còn là nơi giao lưu, tạo thuận lợi mua bán cho khách hàng, nhất là khách hàng bình dân. Nhưng nó cũng không phải siêu thị hay TTTM cao cấp để phục vụ lớp khách hàng trung – cao cấp.
“Trong việc sửa chữa chợ vừa rồi làm biến dạng cái tính chất của chợ truyền thống, do đó nó không còn hấp dẫn nữa. Nếu so với các TTTM hay siêu thị khác thì lại không so sánh được bởi sự hoành tráng, lịch sự, cũng như quy mô. Chính vì vậy mà chợ truyền thống lại trở thành 2 lần không hấp dẫn, vì nó không hấp dẫn cả với người mua lẫn người bán. Với người mua thì nó không tiện lợi, không có chỗ để xe cũng như để người ta giao lưu. Còn với người bán thì giá nó quá đắt trong khi đó lại không có những sự hỗ trợ họ để theo được nhu cầu của người bán mà do chủ chợ áp đặt”, TS Nguyễn Minh Phong nói.
Ngoài ra, theo TS Nguyễn Minh Phong, một số chợ thì do vị trí không hợp lý. Như chợ Mơ, chợ Trung Hoà, sau khi xây dựng chợ thì lại bắt người ta phải chui xuống hầm. Điều này hoàn toàn không phù hợp với tính chất của chợ truyền thống.
“Do đó, không phải chợ truyền thống mất đi vai trò mà do cách cải tạo chợ truyền thống làm ảnh hưởng tới công năng, mục tiêu sử dụng cho cả người mua lẫn người bán. Để phát huy vai trò, ý nghĩa của nó thì cần phải tôn trọng cái tính chất của chợ truyền thống cũng như phải có quy hoạch, thiết kế làm sao đó phù hợp với tính chất của chợ truyền thống, chứ không thể áp đặt chủ quan của DN vào chợ truyền thống được”, TS Nguyễn Minh Phong cho hay.
Chợ truyền thống không mất đi, nó sẽ vẫn luôn tồn tại, TS Nguyễn Minh Phong khẳng định. Ngoài việc giao thương, ở các vùng quê chợ truyền thống vẫn tồn tại, thậm chí ở vùng sâu vùng xa còn trở thành điểm du lịch.
“Một điểm quan trọng nữa cần phải thay đổi là chủ chợ, nhà đầu tư họ khai thác tối đa lợi ích, cho nên làm biến dạng chợ, tính giá rất là đắt khiến cho các chi phí đội lên làm cho người dân không mua được, người bán cũng không bán được”, TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Để hút khách quay lại chợ truyền thống, theo TS Nguyễn Minh Phong, chợ truyền thống cần phải sữa chữa những “lỗi” như nguồn gốc hàng hoá, văn minh thương mại... Bên cạnh đó còn cần phải xây dựng những quy chuẩn rồi sau đó áp đặt nó để đảm bảo được các yêu cầu về ATTP, PCCC... Đặc biệt cần tạo tiện lợi cho người mua. |
Kỳ 1: Tiểu thương lo buôn bán không đủ tiền… ăn | |
Kỳ 2: Dù ế khách nhưng không bán online vì ngại thay đổi | |
Kỳ 3: 1001 lý do chợ truyền thống vắng khách |
Kỳ 4: Sự cạnh tranh quyết liệt của “chợ mạng” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại