Thứ sáu 22/11/2024 09:08
Đìu hiu chợ truyền thống:

Kỳ 4: Sự cạnh tranh quyết liệt của “chợ mạng”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngoài cung cách bán mua, “văn hóa” của chợ truyền thống không còn thu hút khách đến, mà còn phải kể đến sự suy giảm kinh tế cũng như thói quen thay đổi của người tiêu dùng từ sau dịch Covid-19. Sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử, các chợ online khiến chợ truyền thống mất dần thế mạnh.
Các sàn TMĐT đang “chiều chuộng” người tiêu dùng bằng đa dạng các loại hàng hoá, giá cả phải chăng cũng như nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá. Ảnh: Duy Linh
Các sàn TMĐT đang “chiều chuộng” người tiêu dùng bằng đa dạng các loại hàng hoá, giá cả phải chăng cũng như nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá. Ảnh: Duy Linh

Vắng khách bởi tác động kinh tế

Theo các chuyên gia, tình trạng nhiều chợ truyền thống vắng khách bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó, có tác động từ việc kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn cũng như thực tế những biến động trong điều chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ trong nước. Đối với các doanh nghiệp có nhiều lao động, đơn hàng giảm, thu nhập của người lao động cũng ảnh hưởng dẫn tới sức mua giảm.

Bên cạnh đó, ngoài nguyên do bởi sự xâm lấn của chợ tự phát, hàng rong thì hình thức kinh doanh cửa hàng tiện ích, tiện lợi, đặc biệt là kinh doanh qua mạng xã hội với nhiều chương trình khuyến mại, giá rẻ, giao tận nơi… đang “bùng nổ” cũng góp phần đẩy chợ truyền thống vào cảnh ế ẩm.

Hơn nữa cũng phải thừa nhận, ngoài yếu tố khách quan, bị cạnh tranh gay gắt bởi “chợ mạng”, siêu thị, cửa hàng bán lẻ thì chợ truyền thống cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Tình trạng chợ xuống cấp, nhếch nhác, mua bán mất trật tự diễn ra ở nhiều nơi.

Hàng hóa nhiều lúc chất lượng không đảm bảo; chưa đa dạng phong phú, giá cả lại không hợp lý, đôi khi lại nói thách, bắt chẹt khách. Có nơi chợ xây dựng khang trang nhưng lại không đúng thời điểm hoặc chưa phù hợp nên không thu hút được tiểu thương vào buôn bán.

Nhiều chợ vào vừa xa, lại phải mất phí gửi xe; mua bán lòng vòng nhiều nơi nhiều chỗ mới có đủ các thứ mình cần. Trong khi bên cạnh, chợ cóc mọc lên san sát. Người mua chỉ cần ghé ngang qua, không cần dựng xe là hàng hóa đã được đến tay. Một số chợ truyền thống, người bán không biết sử dụng mạng mà vẫn thu tiền mặt, nên khách hàng ngần ngại. Chưa kể đi chợ mạng có người mang hàng đến tận nhà; chợ truyền thống thì phải tay xách nách mang, lỉnh kỉnh.

Thực tế hiện nay chợ truyền thống chỉ còn thu hút khách hàng tìm tới để mua thực phẩm, hoa quả trong ngày, còn các mặt hàng khác đều trong tình trạng ế ẩm.

Chị Bích (Hai Bà Trưng) cho rằng, ví dụ như chợ Đồng Xuân, mỗi lần có nhu cầu mua bán cái này nọ hay nghĩ đến lên đó. Nhưng bây giờ trong suy nghĩ của nhiều người, đến chợ không còn là giải pháp tối ưu.

"Do bây giờ đặt hàng online tiện lợi, không cần phải di chuyển, chen chúc nên đã lâu rồi tôi không còn lên chợ Đồng Xuân hay các chợ truyền thống nữa".

Người Việt Nam nghiện dịch vụ giao đồ ăn và mua hàng online

Việc lãng quên chợ truyền thống cũng thể hiện rõ trong thói quen, cũng như tác phong mua sắm của nhiều người dân. Theo đó, trong báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á” của Google, Temasek và Bain&Company năm 2022, người Việt Nam nghiện dịch vụ giao đồ ăn và mua hàng online. Theo đó, phần nhiều người tiêu dùng tập trung vào các dịch vụ giao đồ ăn chiếm 60% và mua hàng tạp hoá trực tuyến chiếm 54%.

Báo cáo từ Deloitte năm 2022 cho thấy, bách hóa trực tuyến là ngành duy nhất duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19 tại Việt Nam. Theo đó, có hơn 50% người tiêu dùng giảm tần suất đến siêu thị, chợ truyền thống và thay đổi sang hình thức mua sắm trực tuyến. Đáng chú ý, các hệ thống siêu thị, nhà bán lẻ cũng phát triển kênh mua sắm trực tuyến qua ứng dụng, website, trang thương mại điện tử...

Có thể thấy, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể tải các ứng dụng mua sắm là có thể đi chợ bất cứ lúc nào, nơi đâu như Grab, Tiki, Lazada, ShopeeFood, Beamin, Gojek, Sendo, Winmart, Bách Hóa Xanh… Không chỉ thế, các trang thương mại điện tử (TMĐT) như Tiki, ShopeeFood, Sendo hay Grab, Gojek… còn có riêng phần đi chợ hộ, trong đó liên kết với nhiều nhà bán hàng, nhãn hàng, thậm chí cả các siêu thị có thương hiệu như Lotte, Co.op Mart, Bách Hóa Xanh, BigC, 7-Eleven, GS25, MiniStop, Fammer’s Market, Nestle, Grove Fresh... Qua đó, giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm, thực phẩm yêu thích bất cứ nơi đâu mà không cần đến cửa hàng, siêu thị hay trung tâm thương mại trực tiếp.

Báo cáo gần nhất của Google về thị trường Việt Nam cũng ghi nhận, lượng tìm kiếm từ khóa "mua online" tăng hơn 42%. Mỗi tuần, một người sử dụng trung bình 22 ứng dụng smartphone, bao gồm app mạng xã hội, game, app xem phim/video, mua sắm, giao đồ ăn… Các chỉ số đã cho thấy, xu hướng hành vi người dùng đang sử dụng các kênh kỹ thuật số như một kênh hữu ích để ra quyết định mua sắm. Dự báo, xu hướng này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và phủ rộng ở nhiều khu vực hơn.

Theo thống kê năm 2022 của Grab, đã có hơn 7.000 người dùng tại Việt Nam dùng dịch vụ giao đồ ăn. So với năm 2020, người dùng đặt hàng GrabMart thường xuyên hơn gấp 1,5 lần; giá trị chi tiêu cũng cao hơn, với giá trị trung bình đơn hàng GrabMart tăng 140%. Đáng chú ý, gia đình trẻ đi chợ online nhiều nhất: 76% người dùng đã kết hôn và có con đi chợ online nhiều gấp 14 lần mỗi tháng.

Tương tự, theo ghi nhận của TMĐT Shopee, nhu cầu đi chợ online để mua sắm các thực phẩm tươi sống của người dùng ShopeeFood có sự gia tăng và thường xuyên hơn so với các năm trước. Các mặt hàng thường xuyên được lựa chọn mua về trong ngày chủ yếu là thịt, cá, trứng, sữa, trái cây, rau củ quả, nhu yếu phẩm...

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen được người tiêu dùng lựa chọn, thúc đẩy các hộ kinh doanh, doanh nghiệp mở kênh bán hàng trên các sàn TMĐT, ngay cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đồ tươi sống…

Để được kết quả này, các sàn TMĐT đã thu hút người dùng nhờ giá cả ngày càng hợp lý, giao hàng nhanh, hàng hoá đa dạng và tươi ngon. Bên cạnh đó, các chương trình giảm giá, khuyến mãi, tích điểm, tích voucher để giảm giá cho lần mua tiếp theo cũng là một trong những nguyên nhân khiến người mua quay trở lại đi chợ online thường xuyên.

Những yếu tố này đã loại bỏ rào cản tâm lý trước đây của người tiêu dùng là phải đến siêu thị để trực tiếp xem các mặt hàng thực phẩm, hàng tươi sống như rau củ quả, trái cây, tôm cá…

(Còn nữa)

Kỳ 1: Tiểu thương lo buôn bán không đủ tiền… ăn
Kỳ 2: Dù ế khách nhưng không bán online vì ngại thay đổi
Kỳ 3: 1001 lý do chợ truyền thống vắng khách
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động