Chủ nhật 19/05/2024 15:35
Đìu hiu chợ truyền thống:

Kỳ 3: 1001 lý do chợ truyền thống vắng khách

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Lý giải việc vắng khách ở chợ truyền thống, nhiều ý kiến của người tiêu dùng cho rằng, ngoài sự tiện lợi, phong phú đa dạng sản phẩm của các phương thức mua – bán hàng online, trung tâm thương mại, siêu thị hoặc các cửa hàng tiện ích, nó còn là lối bán – mua của tiểu thương ở chợ truyền thống vốn đã không còn phù hợp.
Cảnh mua bán tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Duy Linh
Cảnh mua bán tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Duy Linh

Chợ vắng khách nhưng tiểu thương vẫn… “sang chảnh”

Đang cần gấp đôi giày cho con gái, chị Nguyễn Lan (quận Hai Bà Trưng) chạy xe lên chợ Hôm để tìm mua. Loay hoay mãi, chị cũng tìm được đôi giày hợp mắt, tuy nhiên giá của nó cũng không hề rẻ.

Nói về lý do cất công ra tận chợ để chọn mua đồ, chị Lan cho biết: “Việc được tận mắt nhìn thấy món đồ mình cần mua, được ướm thử cũng như được xem xét món đồ bằng mắt thật là điều mà các cửa hàng bán trực tiếp hoặc chợ truyền thống có thế mạnh. Bởi, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn, đủ thời gian để chờ người ta vận chuyển 1 món đồ khi mua hàng online. Hay như, việc mua hàng online nếu không có kinh nghiệm hoặc không chi tiết sẽ nhận phải hàng không vừa, việc hoàn hàng hay đổi đi đổi lại cũng là điều khiến mọi người e ngại”,

Tuy nhiên, theo chị, không phải vì thế mà các sạp hàng ở chợ truyền thống chiếm hoàn toàn ưu thế. “Bởi lẽ, ngoài việc giá ở các chợ truyền thống thường cao hơn khi mua hàng online mặc dù cùng một chủng loại sản phẩm. Việc mua hàng ngoài chợ đôi khi còn khiến người ta rất khó chịu vì sự “sang chảnh” của người bán hàng”, chị Lan cho biết.

Thực tế, không ít lần đi mua đồ ở chợ chị bắt gặp thái độ có phần thờ ơ, lạnh nhạt của người bán khi thấy khách chỉ xem mà chưa có ý định mua hàng. “Người ta đến chợ mua hàng có nghĩa đem tiền đi đổi lấy vật chất có giá trị tương ứng. Ở đây không ai xin ai hoặc cho không ai cái gì. Nhưng nhiều khi thái độ thiếu thân thiện ấy khiến tôi cũng không tha thiết lắm khi đến chợ truyền thống.”

Cũng theo chị, việc trao đổi mua bán luôn luôn là thỏa thuận kiểu thuận mua vừa bán. Thế nhưng do thói quen hay “truyền thống” nói thách của các tiểu thương ở chợ đôi khi khiến người mua mua hớ. “Rất khó kiếm được 1 sạp hàng ở chợ truyền thống có niêm yết giá. Càng khó để tìm được một sạp hàng nơi đó nói đúng giá bán khi được khách hàng hỏi mua”, chị Lan phân tích.

Đó còn chưa kể là nếu không may mắn, người mua có thể gặp phải sự chao chát của người bán hàng. Chị kể, đã từng có lần chị đến chợ truyền thống, khi không thỏa thuận được chuyện mua bán, người bán hàng đã tỏ thái độ rất khó chịu với chị. “Thậm chí mình chưa kịp đi, họ đã lấy giấy, lấy bật lửa để “đốt vía” với những lời lẽ rất khó nghe”, chị nói thêm.

“Văn hóa” của nhiều tiểu thương đã không còn được khách hàng dễ dãi chấp nhận

Cũng nói về chợ truyền thống chị Vũ Phương Nga (Vĩnh Phúc) cho rằng, chợ truyền thống, chợ quê không chỉ là nơi giao thương, mà nó còn là những nơi gắn liền với kí ức tuổi thơ của bao người.

Nhưng hiện nay, xu hướng mua bán online quá phổ biến với các mặt hàng đa dạng, chợ truyền thống mất dần địa vị.

“Như ở quê tôi, hồi nhỏ tôi nghe người lớn gọi chợ Vĩnh Yên (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đó là chợ tỉnh. Nghe cái danh từ này đã đủ để tưởng tượng về một ngôi chợ rất to với đủ các loại mặt hàng. Khi người dân có nhu cầu mua quần áo, giày dép hay mua sắm nấu mâm cơm khi nhà có việc theo thói quen người ta lại bảo nhau "xuống chợ tỉnh" mua.

Nhưng qua thời gian, chợ Vĩnh Yên được xây dựng lại to, đẹp hơn, nhưng ấn tượng của mọi người với chợ này lại hoàn toàn ngược lại. Giờ đây, khi nói đến chợ Vĩnh Yên, ấn tượng trong người ta đó là “lệ” nói thách, các sản phẩm có thể bị đẩy giá lên gấp 3-4 lần giá cả thực tế của món hàng. Việc đẩy giá đó khiến người mua không biết mặc cả, trả giá như thế nào bởi trả cao thì hớ, mà trả thấp là các bà, cô, chị bán hàng sẵn sàng chửi khách, hay đuổi khách, lấy giấy đốt vía ngay trước mặt khách...”, chị Nga nói.

Và khi có thể mua các sản phẩm online ở bất cứ nơi đâu, thì càng khiến người ta “lười” đến chợ truyền thống.

Cũng giống như chị Lan, chị Trần Thu Phương (quận Hai Bà Trưng) cũng cho rằng, văn hóa ứng xử của nhiều tiểu thương ở chợ truyền thống khiến nhiều người không còn mặn mà với hình thức mua bán này nữa. “Ví dụ như câu chuyện mấy năm trước xảy ra ở chợ Xanh – Cầu Giấy. Khi không đạt được mục đích là bán được hàng, người bán hàng sẵn sàng chửi rủa và đánh khách hàng, đó là điều không thể chấp nhận được. Văn hóa bún, cháo chửi hoặc việc kênh kiệu với khách hàng chưa bao giờ là phù hợp với người làm ăn buôn bán hay làm dịch vụ”. Theo chị, nếu cứ mãi giữ lối ứng xử ấy, khách hàng sẽ dần quay lưng với chợ truyền thống là điều đương nhiên.

Ngoài ra, điều khiến nhiều người tiêu dùng e ngại khi mua bán tại chợ truyền thống đó là nguồn gốc hàng hóa. Trong khi đó, tại các kênh mua sắm hiện đại thì hàng hóa phong phú, có xuất xứ rõ ràng và đặc biệt là cung cách phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện nên ngày càng thu hút được nhiều khách hàng hơn.

Hơn nữa, với xu hướng hiện nay, các kênh phân phối hàng hóa hiện đại phát triển mạnh, ngoài các siêu thị, trung tâm thương mại, còn là sự bùng nổ của các kênh thương mại điện tử. Trước những lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng giờ đây có nhiều lựa chọn và có xu hướng thích vào mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi do những điểm bán hàng này có không gian thoáng đãng, mát mẻ, sạch sẽ; nhân viên bán hàng nhiệt tình, thân thiện; hàng hóa lại đa dạng, phong phú, có xuất xứ rõ ràng, giá cả niêm yết công khai... Hoặc mua hàng trên các sàn thương mại điện tử với đa dạng các loại hàng hóa, từ thực phẩm, đồ gia dụng, quần áo, giày dép,... đến các sản phẩm điện tử, công nghệ,... Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm thấy sản phẩm mình cần với giá cả hợp lý.

Bên cạnh đó, mua sắm trực tuyến thường có giá cả cạnh tranh hơn so với chợ truyền thống. Các DN bán hàng trực tuyến thường có chính sách giảm giá, khuyến mãi thường xuyên để thu hút khách hàng.

Ngoài sức ép từ các kênh phân phối hiện đại, chợ truyền thống ngày nay còn phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các kênh phân phối “chưa hiện đại” như chợ cóc, chợ dân sinh. Các chợ này cũng như chợ truyền thống, nhưng lại có ưu thế do không tốn các loại thuế, phí cho nên giá bán thấp và khá tiện lợi cho người mua, cho dù chất lượng cũng thuộc dạng “tiền nào của ấy”.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Tiểu thương lo buôn bán không đủ tiền… ăn
Kỳ 2: Dù ế khách nhưng không bán online vì ngại thay đổi Kỳ 2: Dù ế khách nhưng không bán online vì ngại thay đổi
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động