Hà Nội: Phong tỏa toàn bộ nhà máy Z153 nơi có bệnh nhân Covid-19
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội đã thực hiện bài bản các biện pháp phòng chống dịch
Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ ngày 28-1 đến nay, Hà Nội ghi nhận 4 ca mắc mới tại cộng đồng. Cụ thể là các BN1581, nữ tại Times City, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng; BN1654, nam tại Thôn Hồ Sếu, xã Hoàng Hoa Thám, Chí Linh, Hải Dương; BN1694, nam, công nhân nhà máy Z153 - Cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng, huyện Đông Anh; BN1695, nam, công nhân nhà máy Z153 - Cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng, huyện Đông Anh.
Đáng chú ý liên quan đến BN1694 đã có trường hợp F1 trở thành F0. Đó là BN1695: nam, 34 tuổi, công nhân làm cùng BN1694. Đến nay đã xác minh được 65 trường hợp F1 và lấy mẫu xét nghiệm, hiện chưa có kết quả. Với các ca bệnh khác, các trường hợp F1 đều có xét nghiệm âm tính lần 1; 1.022 trường hợp F2 tiếp tục được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà đúng quy định.
Về trường hợp bệnh nhân này, đại diện huyện Đông Anh cho biết, toàn bộ F1 liên quan đến BN1695 đã được lấy mẫu và sẽ có kết quả trong đêm 30-1. Toàn bộ dân cư liên quan nhà máy Z153 đã được huyện tổ chức lập chốt kiểm tra, hạn chế tối đa hoạt động ra vào. Riêng tại nhà máy Z153 đã phong tỏa toàn bộ, nhà máy có 400 công nhân, đã đưa 57 người đi cách ly còn lại hơn 300 người đang ở trong nhà máy và đã lấy mẫu toàn bộ và gửi về CDC Hà Nội để xét nghiệm.
Huyện đề nghị Sở Y tế cho lấy mẫu xét nghiệm toàn diện khu vực dân cư xung quanh nhà máy với khoảng hơn 2.000 dân cư. Huyện cũng đề nghị Thành phố cho chuyển bệnh viện Bắc Thăng Long thành nơi thu dung, điều trị bệnh. Tại cuộc họp, huyện Đông Anh xin phép TP cho nghỉ học từ tuần sau với các trường học, coi như nghỉ Tết sớm hơn 1 tuần để chủ động phòng dịch.
Nhận định tình hình dịch bệnh, lãnh đạo Sở Y tế và CDC Hà Nội đều cho rằng hiện nay nguy cơ lây lan là rất lớn vì đã có trường hợp F1, F2 thành F0. Tuy nhiên các trường hợp này đều liên quan đến ổ dịch ở Quảng Ninh và Hải Dương, nên hiện tại dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát.
“Thực tế hiện nay đặt Hà Nội vào tình thế nếu không nhanh chóng, quyết liệt, bình tĩnh để phân tích, trả xét nghiệm sớmcác trường hợp F1, F2 thì rất dễ có khả năng tiếp tục lây lan dịch bệnh. Gánh nặng xét nghiệm của CDC Hà Nội nếu mở rộng diện xét nghiệm người về từ vùng dịch theo chỉ đạo của Bộ Y tế là rất lớn. CDC đã tìm mọi cách để nâng công suất và sẽ đảm bảo công tác này”, ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội cho biết.
Tại phiên họp, PGS-TS. Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam-Bộ Y tế đánh giá, Hà Nội đã thực hiện bài bản các biện pháp phòng chống dịch; không chủ quan hay thái quá như một số địa phương khác.
“Việc giám sát, phát hiện trên diện rộng hiện nay là việc chủ đạo để truy vết, khoanh vùng dập dịch thành công. Lúc này chúng ta phải xác định chung sống an toàn với dịch như thực hiện nghiêm đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người. Đây là việc cần tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm. Hà Nội khuyến cáo cụ thể không tụ tập như liên hoan, tất niên là rất hay để người dân thực hiện, nói chung chung rất khó làm”, ông Phu nói.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp chiều 30-1 (ảnh P.K) |
Đề xuất cho học sinh nghỉ học
Tại phiên họp, Sở GD-ĐT cho biết, theo thống kê, hiện có 25.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành phải nghỉ tại nhà do có liên quan đến các ca F1. Hiện nay có nhiều trường đề xuất sở cho phép học sinh chuyển sang hình thức học online. Từ đó, sở đã có văn bản đề nghị các trường chủ động theo tình hình thực tế để chuẩn bị dạy học online ngay từ đầu tuần sau.
Đại diện MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cũng cho biết, dư luận nhiều người dân cũng mong muốn cho học sinh được nghỉ học sớm để phòng ngừa dịch bệnh
Về việc có cho học sinh nghỉ học trong tuần tới hay không, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu sở GD&ĐT khẩn trương xem xét đề xuất đề UBND TP quyết định sớm.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo lưu ý, hiện nay nguy cơ lây lan dịch bệnh đã hiển hiện và cầng những giải pháp cấp thiết để ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan. Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ TP đến xã phường thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng và các phần việc đã được nêu rõ trong Công điện số 02 của Chủ tịch UBND TP.
Các sở, ban, ngành, UBND quận huyện, thị xã, phải xây dựng ngay các kịch bản chi tiết phòng chống dịch trong các tình huống; phân công rõ nhiệm vụ đến từng lực lượng như bảo vệ dân phố, khu dân cư; khẩn trương truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm đúng đối tượng, không gây lãng phí; chủ động rà soát người về từ vùng dịch, truy vết thần tốc, ngăn chặn lây lan dịch bệnh. “Việc truy vết, thông tin, mọi phần việc phải nhanh hơn nữa; công khai minh bạch đến người dân”.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng nhắc nhở các đơn vị siết chặt công tác cách ly; đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền để người dân thực hiện khuyến cáo “5k” của Bộ Y tế; hạn chế tối đa tập trung đông người; mở rộng diện xét nghiệm đới với người đã từng đi, đến, về từ TP Chí Linh (Hải Dương) từ ngày 1-1 và sân bay Vân Đồn từ ngày 5-1; tăng cường kiểm tra việc phòng chống dịch bệnh ở các cơ sở y tế… Các đơn vị phải báo cáo công tác phòng chống dịch 3 lần 1 ngày theo đúng quy định.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại