Thứ hai 29/04/2024 04:50

Hà Nội phát triển thêm 35 văn phòng thừa phát lại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã ký quyết định về việc phê duyệt Đề án phát triển văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội.
Hà Nội phát triển thêm 35 văn phòng thừa phát lại nâng lên 43 văn phòng trên toàn TP
Hà Nội phát triển thêm 35 văn phòng thừa phát lại nâng lên 43 văn phòng trên toàn TP

Ngày 14-7-2021, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký quyết định số 3545/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, mục tiêu của đề án là triển khai đầy đủ, hiệu quả nội dung Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26-11-2015 của Quốc hội về thực hiện chế định thừa phát lại, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8-1-2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại và kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 5-5-2020 của UBND TP Hà Nội về việc triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8-1-2020 của Chính phủ.

Thực hiện chế định thừa phát lại trên địa bàn TP một cách đồng bộ bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển chung về kinh tế - xã hội của TP và tình hình phát triển của từng quận, huyện, thị xã. Trong đó, hoạt động của thừa phát lại phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ dân sự, trong quan hệ với cơ quan, tổ chức nhà nước và trong hoạt động tố tụng; góp phần tạo dựng môi trường pháp lý lành mạnh, an toàn cho các giao dịch dân sự, kinh tế; giảm tải công việc của Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn TP theo quy định của pháp luật.

Phát triển văn phòng thừa phát lại gắn với địa bàn dân cư, bảo đảm tổng số văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP không quá 43 tổ chức (8 văn phòng hiện có, 35 văn phòng phát triển thêm); mỗi địa bàn quận, thị xã có 2 văn phòng thừa phát lại, địa bàn huyện có 1 văn phòng thừa phát lại. Các văn phòng thừa phát lại là tổ chức hành nghề thừa phát lại để thực hiện các công việc được giao theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8-1-2020 của Chính phủ và quy định của pháp luật có liên quan.

Văn phòng thừa phát lại do 1 thừa phát lại thành lập được tổ chức theo loại hình DN tư nhân. Văn phòng thừa phát lại do 2 thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh. Người đại diện theo pháp luật văn phòng thừa phát lại là trưởng văn phòng và phải là thừa phát lại. Văn phòng thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính. Văn phòng thừa phát lại không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch ngoài trụ sở của văn phòng thừa phát lại; không được thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài phạm vi hoạt động của thừa phát lại theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.

Văn phòng thừa phát lại thực hiện các hoạt động: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP; Lập vi bằng theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP; xác minh điều kiện thi hành án theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các quy định của pháp luật khác có liên quan; Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo quy định tại Điều 51 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Điều kiện thành lập 1 văn phòng thừa phát lại cần đảm bảo: Trụ sở văn phòng có diện tích bảo đảm cho hoạt động và lưu trữ vi bằng; các điều kiện vật chất cần thiết khác để bảo đảm hoạt động. Bộ máy của văn phòng gồm trưởng văn phòng thừa phát lại và có thừa phát lại là thành viên hợp danh hoặc thừa phát lại làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, thư ký nghiệp vụ, nhân viên khác,....

Để lập văn phòng thừa phát lại, thừa phát lại nộp hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng thừa phát lại tại Sở Tư pháp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 1 bộ hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng thừa phát lại đến Sở Tư pháp gồm: Giấy đề nghị thành lập văn phòng thừa phát lại, bản thuyết minh về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất cần thiết và kế hoạch triển khai thực hiện, bản sau có chứng thực hoặc bản chụp kèm theo bản chính quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thừa phát lại.

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng thừa phát lại đã tiếp nhận, Sở Tư pháp xét duyệt hồ sơ trình UBND TP cho phép thành lập văn phòng thừa phát lại. Trong trường hợp trên cùng một địa bàn cấp huyện có số lượng hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng thừa phát lại nhiều hơn số lượng văn phòng thừa phát lại được phép thành lập thì thứ tự ưu tiên sẽ xét theo tiêu chí: Thừa phát lại dự kiến làm trưởng văn phòng thừa phát lại có thời gian hành nghề thừa phát lại lâu hơn; nhân sự dự kiến làm thư ký nghiệp vụ của văn phòng thừa phát lại có thời gian làm thư ký nghiệp vụ lâu hơn; thừa phát lại thành lập hoặc tham gia thành lập văn phòng thừa phát lại chấp hành tốt quy định của pháp luật về thừa phát lại và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến hoạt động thừa phát lại; thừa phát lại dự kiến làm trưởng văn phòng thừa phát lại thuộc trường hợp hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; thừa phát lại dự kiến làm trưởng văn phòng thừa phát lại là nữ. Nếu trường hợp sau khi xét duyệt, có từ 2 hồ sơ giống nhau về các tiêu chí nêu trên, Sở Tư pháp báo cáo Chủ tịch UBND TP quyết định.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của UBND TP cho phép thành lập, văn phòng thừa phát lại phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp. Trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho văn phòng thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do. Văn phòng thừa phát lại được hoạt động kể từ ngày Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động.

Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại. Người đứng đầu Văn phòng Thừa phát lại phải là Thừa phát lại và là người đại diện theo pháp luật của văn phòng Thừa phát lại. Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính. Hiện nay, ở Hà Nội hầu hết các quận đều thành lập một văn phòng Thừa phát lại để thuận tiện cho việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động