Hà Nội: Phát triển làng nghề gắn với du lịch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, toàn TP hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, 313 làng nghề đã được UBND TP công nhận thuộc 23 quận, huyện, thị xã. Công tác bảo tồn và phát triển làng nghề những năm qua được Hà Nội đặc biệt quan tâm.
Đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ được 56 làng nghề xây dựng thương hiệu. Sản phẩm làng nghề ngày một đa dạng với nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Một số mặt hàng có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước như may mặc, gốm sứ, dệt và thêu ren, đồ gỗ, chế biến nông sản thực phẩm (bánh kẹo, giò chả, chè…).
Những năm qua, các làng nghề trên địa bàn Hà Nội có sự tăng trưởng khá nhanh, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương. (ảnh: TL) |
Các làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất qua các năm. Thống kê cho thấy, toàn TP có hơn 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, có khoảng 20 làng nghề đạt doanh thu trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách của các địa phương.
Dù đã có những bước phát triển tiến bộ, tuy nhiên theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, việc phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn TP hiện vẫn còn phân tán, thiếu tính bền vững. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ dẫn đến việc đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ vào gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề còn nhiều khó khăn...
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, UBND TP xác định phát triển ngành nghề nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ở đó, gia tăng giá trị cho làng nghề truyền thống, làng có nghề được xem là khía cạnh hết sức quan trọng.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, vừa qua, UBND TP Hà Nội đã giao đơn vị phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề dịch vụ nông thôn. Trong đó đặc biệt lưu ý định hướng đầu tư phát triển cho các làng nghề có thế mạnh về du lịch
Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu về nhân lực chất lượng cho các mục tiêu phát triển. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu và đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề.
Hà Nội cũng hướng đến việc hoàn thiện, tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa đồng bộ tại các làng nghề nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm. Đồng thời, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày một nóng hiện nay.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại