Hà Nội: Phát huy tối đa công năng của hệ thống vườn hoa, công viên
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTP Hà Nội kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển hệ thống công viên theo quy hoạch. |
Nâng tầm cảnh quan
Trước tình trạng nhiều công viên, vườn hoa xuống cấp, UBND TP Hà Nội đã lên kế hoạch cải tạo, nâng cấp để duy trì, nâng tầm cảnh quan, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi của nhân dân. Nhiều vườn hoa sau khi hoàn thành cải tạo đem đến diện mạo mới, khang trang.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP Hà Nội có 63 công viên, vườn hoa, tập trung chủ yếu tại 4 quận nội đô. Các công viên, vườn hoa này hình thành đã lâu, chủ yếu phục vụ công ích và do UBND các quận quản lý. Do hình thành đã lâu nên diện mạo kiến trúc, cảnh quan, thảm cỏ, cây hoa, đường dạo, chiếu sáng... tại nhiều công viên, vườn hoa bị xuống cấp, lạc hậu, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, các dịch vụ tiện ích trong công viên còn manh mún, tự phát, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân
Trên cơ sở rà roát các công viên, vườn hoa hiện có, ngày 31/12/2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 45 công viên, vườn hoa giai đoạn 2021 - 2025. Trong danh sách các công viên, vườn hoa cần cải tạo, nâng cấp giai đoạn này, các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm chiếm số lượng nhiều nhất, mỗi quận có 10 công viên, vườn hoa cần cải tạo, nâng cấp. Tiếp theo là quận Hoàng Mai (6), Hai Bà Trưng (5), Đống Đa (5)...
Đến thời điểm này, Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết, các quận đã ban hành kế hoạch và thực hiện các bước đầu tư xây dựng... Đến nay, Vườn hoa Diên Hồng (quận Hoàn Kiếm) đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp. Vườn hoa Trúc Bạch (quận Ba Đình) đã hoàn thành cải tạo 3/5 điểm thuộc phường Ngũ Xã phục vụ phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã.
Thời gian qua, nhiều công viên trên địa bàn Thủ đô đã thực hiện cải tạo, nâng cấp, nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ người dân. Sau khoảng 5 tháng thực hiện cải tạo, nâng cấp, gỡ bỏ hàng rào công viên Thống Nhất đã thực sự trở thành không gian cởi mở, thân thiện... Người dân được tự do ra vào, tham gia các hoạt động vui chơi, tập thể dục mà không phải mua vé. Lượng người vào công viên nhiều hơn nhưng vẫn bảo đảm trật tự an ninh và vệ sinh, an toàn. Công viên đã phát huy tối đa công năng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí.
Chị Phạm Tuyết Lan (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, từ khi công viên được cải tạo, hàng rào được gỡ bỏ, không gian công viên rộng hơn, giúp công viên thân thiện hơn còn giúp người dân từng bước thay đổi ý thức, thể hiện trách nhiệm trong việc gìn giữ cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp
Cải tạo nhiều công viên, vườn hoa
Trước những tín hiệu tích cực sau khi một số công viên trên địa bàn Thủ đô thực hiện gỡ bỏ rào chắn, người dân bày tỏ mong muốn không chỉ gỡ bỏ hàng rào của các công viên mà tất cả những khuôn viên công cộng cũng cần tạo không gian mở, phục vụ nhu cầu chính đáng, lành mạnh, thiết yếu của nhân dân sau những giờ lao động, làm việc vất vả.
Tạo dựng không gian mở cho các công trình công cộng nói chung được thực hiện trên pham vi rộng thì sẽ giúp phát huy tối đa công năng của hệ thống vườn hoa, công viên và các không gian công cộng.
Ở cấp địa phương, thông tin về kế hoạch cải tạo vườn hoa, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, trong năm 2023 quận sẽ hoàn thành cải tạo, nâng cấp các vườn hoa: Lê Trực, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng và một số điểm vườn hoa nhỏ trong các khu dân cư. Trong các năm 2024-2025, quận tiếp tục cải tạo các vườn hoa: Vạn Xuân, Trúc Bạch, Giảng Võ...
Còn trên địa bàn thành phố nói chung, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, trong năm 2023 các quận sẽ cải tạo nhiều công viên, vườn hoa, như: Cổ Tân, Bác Cổ, 19-8, Tao Đàn (Hoàn Kiếm); Pasteur, Vườn hoa hồ Thiền Quang (Hai Bà Trưng); Lý Tự Trọng (Tây Hồ); Ngọc Lâm (Long Biên); Công viên Bắc Linh Đàm, Đền Lừ (Hoàng Mai)...; đồng thời tiếp tục nghiên cứu triển khai cải tạo các công viên, vườn hoa còn lại.
Với 3 công viên thuộc sự quản lý của thành phố là Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo cũng nằm trong kế hoạch cải tạo, nâng cấp tổng thể trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Xây dựng đang phối hợp với các sở, ngành xác định tài sản phục vụ công cộng và tài sản thành phố giao cho các doanh nghiệp quản lý khai thác. Trên cơ sở đó, Sở đề xuất TP triển khai dự án cải tạo, nâng cấp cũng như đặt hàng, đấu thầu duy tu, duy trì theo quy định.
Với những động thái tích cực, rốt ráo từ lãnh đạo thành phố cùng các sở, ban, ngành, địa phương, kỳ vọng rằng, trong năm 2023 thành phố sẽ làm "sống lại" các công viên trên địa bàn để người dân được hưởng lợi một cách công bằng và tự do tiếp cận.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, để khuyến khích xã hội hóa, giảm chi phí đầu tư, chi phí quản lý công viên cây xanh, Ban Cán sự Đảng UBND TP đang đề xuất Chính phủ giao các Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng căn cứ chức năng nhiệm vụ hướng dẫn TP Hà Nội thực hiện về hỗ trợ, ưu đãi đầu tư để đầu tư xây dựng công viên, vườn hoa để TP Hà Nội kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển hệ thống công viên theo quy hoạch. Cùng với đó, TP sẽ tập trung kêu gọi đầu tư xã hội hóa đối với những công viên chuyên đề. Đối với những công viên công cộng, công viên mở phục vụ nhân dân xây dựng theo hướng giảm mật độ xây dựng (chỉ đầu tư xây dựng những công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ công viên) tăng diện tích cây xanh (bổ sung những khu vực trồng cây xanh tập trung...) giảm chi phí đầu tư và chi phí duy tu duy trì sẽ thực hiện đầu tư bằng đầu tư công. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại