Thứ sáu 22/11/2024 06:19

Hà Nội phấn đấu giải ngân tối thiểu đạt 90%

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
UBND TP Hà Nội cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho TP Hà Nội là 51.582,9 tỷ đồng. Ước 6 tháng đầu năm 2022, toàn TP giải ngân được 10.215 tỷ đồng, đạt khoảng 20% kế hoạch, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2021.
Hà Nội phấn đấu giải ngân tối thiểu đạt 90%
TP Hà Nội xác định một trong những nguyên nhân của tỉ lệ giải ngân thấp là do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. (Ảnh: 60giay)

Đâu là nguyên nhân chính?

Theo đánh giá, tiến độ triển khai và tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 của toàn TP Hà Nội còn thấp. Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết ngay từ đầu năm, TP xác định việc thực hiện và thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế.

đó, thành phố đã thành lập 6 tổ công tác đôn đốc như phân quản lý theo từng địa bàn, từng lĩnh vực để thúc đẩy giải ngân. Nhìn chung, các tổ công tác đã chủ động làm việc với các chủ đầu tư, với các quận, huyện, thị xã để rà soát và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, UBND TP đã tổ chức giao ban xây dựng cơ bản toàn TP để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ các dự án và nâng cao tỷ lệ giải ngân. Tuy nhiên, hiện kết quả giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp.

Cụ thể, đến ngày 16/6, toàn TP giải ngân được 8.883,168 tỷ đồng, đạt 17,4% kế hoạch; ước 6 tháng đạt 10.215 tỷ đồng, đạt 20,0% dự toán, bằng tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm trước.

Phân chia kết quả giải ngân theo ngành, lĩnh vực, UBND TP cho biết, lĩnh vực văn hoá đạt cao nhất, với 238/493 tỷ đồng (48,3% kế hoạch); các lĩnh vực hạ tầng tái định cư, toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân đứng thứ 2 (31,3% kế hoạch); lĩnh vực giáo dục đào tạo và giáo dục dạy nghề đứng thứ 3 (19,7% kế hoạch).

Trong khi đó, lĩnh vực giao thông, lĩnh vực y tế, dân số và gia đình chỉ đạt từ 10 - 12% kế hoạch; nhiều lĩnh vực đạt dưới 10%. Đáng chú ý, lĩnh vực môi trường chỉ đạt 1%; lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật cấp, thoát nước chỉ đạt 1/272 tỷ đồng, đạt 0,4% kế hoạch.

Lĩnh vực thể dục, thể thao chưa giải ngân đồng nào, dù được giao kế hoạch 18 tỷ đồng; lĩnh vực phát thanh, truyền hình cũng chưa giải ngân đồng nào trong số 28,5 tỷ đồng theo kế hoạch.

Báo cáo của cho biết, kết quả giải ngân vốn đầu tư công cấp huyện đạt 5.738,287 tỷ đồng, đạt 23,03% kế hoạch TP giao.

Đối với 30 quận, huyện, thị xã, kế hoạch vốn là 30.252,003 tỷ đồng; một số quận, huyện có kết quả giải ngân tốt: Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ, Mỹ Đức, Đan Phượng. Một số quận, huyện, thị xã có kết quả giải ngân rất thấp và thấp. 15 đơn vị giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của toàn TP.

Hà Nội xác định nguyên nhân của vấn đề này là do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Đây là vấn đề không mới, nhưng vẫn rất gian nan trong việc thực hiện các dự án. Ví dụ, trong 140 dự án cấp TP đã được giao kế hoạch vốn năm 2022 từ đầu năm, có tới 63 dự án khó khăn trong công tác GPMB. Vấn đề cơ bản là khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, xác đinh giá đất, quỹ nhà tái định cư… Điều này làm chậm quá trình thi công, giải ngân vốn.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai dự án, một số dự án phát sinh một số hạng mục, chi phí dẫn đến phải điều chỉnh dự án, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân.

Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2022 vẫn chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, đặc biệt trong quý I, cùng với đó là các yếu tố biến động từ bên ngoài như giá nguyên vật liệu, cước phí vận chuyển, huy động chuyên gia, lao động chất lượng cao, máy móc thiết bị nhập khẩu phục vụ dự án đầu tư công bị ảnh hưởng. Có tâm lý thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn, điều chỉnh, chính sách bù giá vật liệu xây dựng…

Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, gồm cả dự án cấp thành phố và cấp huyện đều chưa đảm bảo tiến độ, dẫn đến chậm hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025…

Đặc biệt, trong giải ngân vốn đầu tư công có tính đặc thù là giải ngân các tháng đầu năm thường thấp và tăng mạnh vào các tháng cuối năm vì cần thời gian để thi công, tích lũy khối lượng đủ để nghiệm thu, phụ thuộc vào tiến độ hợp đồng và tạm ứng.

Xử lý nghiêm Sở, ngành giải ngân thấp do nguyên nhân chủ quan, ý thức trách nhiệm kém

Tại Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII tổ chức mới đây, đánh giá về việc giao kế hoạch, kết quả giải ngân, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 ngân sách cấp TP, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, thực trạng hiện nay, có một số dự án đã được bố trí vốn, nhưng do nhiều nguyên nhân không thể đảm bảo tiến độ giải ngân. Song, cũng có một số dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ.

Bên cạnh đó, đến nay vẫn còn một số nguồn vốn (khoảng 3.268 tỷ đồng) chưa được phân bổ chi tiết cũng đã ảnh hưởng đến kết quả giải ngân; trong đó có nguồn vốn để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là các chương trình rất quan trọng của thành phố.

Hà Nội phấn đấu giải ngân tối thiểu đạt 90%
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu chính quyền TP cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp có tính căn cơ, tính đột phá nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của các cấp, các ngành, các địa phương, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt kết quả cao nhất, tối thiểu phải đạt tỷ lệ giải ngân trên 90%

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết: “Sở, ngành nào, ban quản lý dự án nào, địa phương, đơn vị nào để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, được xác định do nguyên nhân chủ quan, do ý thức trách nhiệm kém thì nhất quyết phải cá thể hóa trách nhiệm để xử lý nghiêm theo quy định”.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu chính quyền TP cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp có tính căn cơ, tính đột phá nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của các cấp, các ngành, các địa phương, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt kết quả cao nhất, tối thiểu phải đạt tỷ lệ giải ngân trên 90%.

Đồng thời, TP cần tiếp tục siết mạnh kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trên tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa phương, các cấp quản lý; xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của người đứng đầu và cán bộ, công chức liên quan.

Cùng với đó, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát đầu tư; rà soát để điều chỉnh việc giao thực hiện các dự án đầu tư công cấp thành phố theo đúng chức năng, nhiệm vụ các đơn vị, các ban quản lý dự án của TP; nghiên cứu, đề xuất việc phân cấp, ủy quyền mạnh trong thực hiện các thủ tục đầu tư.

Đặc biệt, các tổ công tác phải vào cuộc quyết liệt hơn, thực chất hơn, tập trung kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền cho các sở, ngành, địa phương, các dự án đang gặp phải và chịu trách nhiệm về kết quả triển khai của tổ công tác; định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả công tác với Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy.

Về phía UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hà Minh Hải khẳng định, TP tiếp tục quán triệt để mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi chủ đầu tư nhận thức sâu sắc về yêu cầu, nhiệm vụ, trách nhiệm trong đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng kế hoạch vốn đầu tư công; xem xét, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công ngân sách cấp TP tại kỳ họp HĐND TP giữa năm 2022.

Bên cạnh đó, các ngành, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư để sớm có các dự án đủ điều kiện bố trí vốn; đẩy nhanh việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán để sớm khởi công các công trình.

Hà Nội: Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt gần 24.000 tỷ đồng Hà Nội: Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt gần 24.000 tỷ đồng
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động