Thứ sáu 22/11/2024 04:54

Hà Nội: Nâng cao kỹ năng phòng chống xâm hại, bạo lực học đường cho học sinh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội nhấn mạnh, hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là nội dung mà các cấp hội phụ nữ trên địa bàn TP Hà Nội đặc biệt quan tâm và việc tuyên truyền pháp luật học đường là vô cùng cần thiết.
Phiên toà giả định thu hút đông đảo các em học sinh tham gia. Ảnh: Hồng Nhung
Phiên toà giả định thu hút đông đảo các em học sinh tham gia. Ảnh: H. Nhung

Theo Hội LHPN Hà Nội, thực hiện Kế hoạch số 18/KH-BTV ngày 10/2/2023 của Hội LHPN TP Hà Nội về “Triển khai thực hiện Đề án Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2022-2026”, mới đây, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường cho học sinh thông qua phiên toà giả định tại UBND xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Theo phiên toà giả định, các bị cáo gồm Nguyễn Thị Thảo, Trần Văn Khang, Trần Ngọc Anh bị đưa ra xét xử về tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Các cán bộ tư pháp và cán bộ Hội Phụ nữ đóng vai Viện kiểm sát, luật sư, Hội thẩm nhân dân. Ba bị cáo do các học sinh trường THCS xã Mai Đình vào vai diễn.

Theo cáo trạng giả định, ba bị cáo Nguyễn Thị Thảo, Trần Ngọc Anh và Trần Hà Anh là bạn chơi với nhau từ trước, nhưng vì xích mích nên có mâu thuẫn và không chơi với nhau. Khoảng 3h chiều ngày 31/1/2023, Ngọc Anh sang nhà Thảo chơi. Biết việc bị Hà Anh nói xấu, các bị cáo bực tức nên đã đến nhà Hà Anh để “nói chuyện”. Cả hai rủ thêm Khang - bạn trai mới của Thảo cùng qua. Đến nhà Hà Anh, các bị cáo được biết Hà Anh đang ngủ và được người giúp việc cho lên nhà. Thấy có chiếc gậy bằng nhựa ở cầu thang, Thảo đã cầm lấy đi vào phòng Hà Anh. Thấy Hà Anh nằm trên giường, Thảo đã dùng gậy đánh vào đầu, tay phải và lưng của Hà Anh để gọi dậy. Hà Anh vùng dậy định chạy nhưng Thảo bảo Khang đè giữ tay Hà Anh lại, chất vấn Hà Anh về việc cướp người yêu đồng thời bảo Ngọc Anh quay lại.

Lúc sau, Thảo thấy có điện thoại của Hà Anh ở đầu giường nên lấy và mở ra xem, lục tìm tin nhắn và thấy có ảnh khỏa thân nửa người của Hà Anh tự chụp. Thảo đã gửi ảnh đó vào máy của Ngọc Anh. Sau đó các bị cáo bỏ ra về.

Tối cùng ngày, Thảo đã nhắn tin cho Ngọc Anh về việc đăng ảnh khỏa thân của Hà Anh lên mạng nhằm mục đích làm xấu Hà Anh. Ngọc Anh đồng ý và chuyển ảnh cho Thảo. Thảo đã đăng ảnh, video của Hà Anh lên 3 trang mạng: Beat.vn; Hóng biến đường phố; với Bóc phốt con giáp 13 và nhờ Khang, Ngọc Anh chia sẻ, bình luận nhiều trên mạng để tăng tương tác khiến Hà Anh bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng.

Hành vi của bị cáo Nguyễn Thị Thảo, Trần Ngọc Anh, Trần Văn Khang đã phạm tội “làm nhục người khác” theo quy định tại điểm e Khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Tại phiên toà giả định, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Các bị cáo cho biết, khi thực hiện việc quay video và tích cực chia sẻ video trên mạng, các bị cáo không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật mà chỉ nghĩ giúp bị cáo Thảo đánh ghen cho bõ tức.

Cũng tại Toà giả định, HĐXX đã giải thích cho các bị cáo rõ, hình ảnh cá nhân của một người là được pháp luật bảo vệ, không ai có quyền sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác khi chưa có sự đồng ý của người đó. Đằng này, các bị cáo không những dùng gậy đánh bạn, dùng lời lẽ lăng nhục bạn mà còn quay video lại, tung ảnh nhạy cảm của bạn để bêu xấu, nhằm làm nhục bạn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của bạn.

"Các bị cáo đều đang ở độ tuổi rất trẻ, đang còn đi học nhưng không lo học hành, để có tương lai tốt đẹp hơn thế mà các bị cáo lại yêu đương quá sớm, thậm chí đi đánh ghen và dẫn đến những hành động không phù hợp với lứa tuổi nên phải trả giá bằng việc đứng trước vành móng ngựa ngày hôm nay. Mạng xã hội là để các bị cáo khai thác phục vụ cho học hành và công việc, chứ không phải là để các bị cáo sử dụng để lăng mạ và bêu xấu người khác như vậy, điều đó vi phạm quy định về các điều cấm theo Luật an ninh mạng..." - Hội đồng xét xử phiên toà giả định giải thích.

Cũng trong phiên toà giả định, hoàn cảnh gia đình của các bị cáo cũng được làm rõ. Bị cáo Hà Anh sinh ra trong gia đình bố mẹ ly hôn, Hà Anh sống cùng bố đẻ, vật chất dư giả nhưng thiếu sự dạy dỗ, chăm sóc. Bị cáo Thảo bố mất sớm, mẹ đi làm từ sáng đến tối, thường xuyên bỏ học đi chơi game…

Toà tuyên án, hành vi của bị cáo đã gây nguy hiểm cho xã hội xâm hại đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người. Ngoài ra hành vi của bị cáo đã vi phạm điều cấm của Luật an ninh mạng, nên cần nghiêm trị mới có tác dụng giáo dục răn đe và ngăn ngừa chung trong xã hội.

Tuy nhiên, các bị cáo lần đầu phạm tội, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, hành động bột phát, có nơi cư trú ổn định nên không cần thiết phải cách ly bị cáo với xã hội mà cho bị cáo được hưởng án treo cũng đủ tác dụng. Do đó, xử phạt bị cáo Thảo và Khang 02 năm tù cho hưởng án treo; bị cáo Ngọc Anh 02 năm 6 tháng nhưng cho hưởng án treo. Trong thời gian bị án treo nếu bị cáo tiếp tục phạm tội thì án treo sẽ thành án tù giam cộng với mức hình phạt của tội mới.

Tại phiên toà giả định, em Phạm Nguyễn Thanh Tùng, học sinh lớp 9A3, trường THCS Mai Đình cho biết, phiên toà giả định rất hay và ý nghĩa, giúp em hiểu được tầm quan trọng của phòng chống bạo lực và xâm hại học đường, giúp học sinh nhận biết cần phải có kiến thức về pháp luật và kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại như cần thông báo với thầy cô, gia đình, báo cáo công an nếu bạo lực xảy ra, hỗ trợ bạn khi bị bạo lực…

Chia sẻ tại phiên tòa giả định, Tổng Phụ trách trường THCS Mai Đình Hoàng Thị Linh cho biết, các học sinh tham dự phiên toà giả định đã rất chăm chú lắng nghe, thể hiện sự quan tâm của các em đối với vụ việc đang diễn ra. Đây là cách truyền thông khá hiệu quả, các em học sinh được nghe, nhìn, thấy thực tế, giúp các em hiểu thêm nhiều kiến thức pháp luật, đặc biệt là kiến thức pháp luật trong phòng chống xâm hại, bạo lực học đường đang nhức nhối hiện nay.

Tại phiên toà giả định, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước Hà Nội đã tuyên truyền về trợ giúp pháp lý và phổ biến luật phòng chống xâm hại, bạo lực học đường cho các em học sinh. Chương trình đã giúp cho các học sinh trường THCS Mai Đình nói riêng và học sinh trên toàn TP Hà Nội nói chung nhận thức đúng đắn về pháp luật, định hướng đúng trong hành vi ứng xử trên mạng xã hội, biết sử dụng mạng xã hội một cách thông minh.
Nâng cao kỹ năng phòng vệ, tránh nguy cơ bị xâm hại
Nâng cao kỹ năng nhận diện tội phạm, tự bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em
Nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên
Đào Tuyết
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động