Hà Nội lập quy hoạch xây dựng lại 23 chung cư cũ ở khu tập thể Nghĩa Tân
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhu tập thể Nghĩa Tân. Ảnh: Công Luận |
UBND TP Hà Nội vừa quyết định lập quy hoạch chi tiết 1/500 để xây dựng lại 23 chung cư cũ với khoảng 6.000 dân ở khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy.
Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch rộng khoảng 30ha, thuộc phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, phía Bắc trùng với tim đường Hoàng Quốc Việt, phía Tây trùng với mép vỉa hè đường Nguyễn Phong Sắc, các phía còn lại trùng với tim phố Tô Hiệu.
Tập thể Nghĩa Tân gồm 23 nhà chung cư, cao từ 3 đến 5 tầng, diện tích trung bình căn hộ 18 - 20m2, xây dựng năm 1987. Trong gần 30ha diện tích nghiên cứu lập quy hoạch có gần 5ha đất là nhà chia lô được xây dựng, ăn ở ổn định, đã cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở.
UBND TP Hà Nội dự kiến dành 1,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để nghiên cứu lập quy hoạch khu tập thể Nghĩa Tân có diện tích khoảng 30ha, bao gồm nhiệm vụ lấy ý kiến dân cư và thực hiện công tác thầu.
Giá trị dự toán được xác định chính xác khi thực hiện thanh quyết toán theo thực tế các hạng mục công việc.
UBND Hà Nội giao UBND quận Cầu Giấy lập kế hoạch chi tiết để triển khai các nội dung công việc và chịu trách nhiệm về tính hợp lý, hợp lệ về nội dung công việc, dự toán đề xuất với thực tế triển khai thực hiện.
Năm 2016, TP Hà Nội có chủ trương xã hội hóa cải tạo đồng bộ cả khu chung cư, không làm riêng lẻ từng tòa nhà. Theo danh mục thành phố đưa ra, hàng chục doanh nghiệp đã đăng ký tham gia, lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cải tạo khu chung cư cũ. Tuy nhiên, đến nay chưa khu chung cư nào được cải tạo theo hình thức trên.
Khu tập thể đã nhiều lần được lên kế hoạch cải tạo nhưng chưa thực hiện được. Cụ thể, năm 2004 Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội từng thực hiện xong việc điều tra xã hội học và lên kế hoạch thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 để trình thành phố. Chủ đầu tư cũng đã xin điều chỉnh hệ số sử dụng đất để có thể xây dựng chung cư 40 - 50 tầng trên nền những tòa nhà tập thể 3 - 5 tầng như hiện nay.
Năm 2016, TP Hà Nội có chủ trương lập quy hoạch cải tạo tổng thể các khu chung cư bằng hình thức xã hội hóa. Tập thể Nghĩa Tân cũng được một doanh nghiệp đăng ký cải tạo và đã lên phương án quy hoạch kiến trúc.
Thống kê đến năm 2020, TP Hà Nội có hơn 1.500 nhà chung cư cũ, bao gồm gần 1.300 nhà thuộc 76 khu chung cư. Ngoài ra, còn có 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ những năm 1960 - 1994 và trước năm 1954.
Từ năm 2005, Hà Nội bắt đầu cải tạo các khu chung cư cũ. Tuy nhiên, do một số bất cập và sự thay đổi chính sách nên đến nay mới có 19 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hoàn thành, đưa vào sử dụng (chiếm 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ) và 14 dự án đang triển khai.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm bốn khu nhà cấp D - cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân, gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, nhà của Bộ Tư pháp; và sáu khu có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.
Liên quan tới tình trạng nhà tập thể cũ tại Hà Nội, mới đây tại tờ trình dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi tới Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, có một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định về di dời, cưỡng chế di dời, phá dỡ nhà chung cư nguy hiểm, quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư.
Tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ cho sửa dự thảo Luật Nhà ở theo hướng luật hóa quy định về cưỡng chế, di dời, phá dỡ chung cư cũ, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư cải tạo, xây dựng chung cư cũ; chỉnh sửa quy định về thẩm quyền hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình hạ tầng trong phạm vi dự án cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ cho phù hợp, quy định rõ Nhà nước có trách nhiệm kiểm định chất lượng nhà chung cư thay vì người dân phải đóng góp kinh phí để kiểm định.
Bên cạnh đó, để tăng ưu đãi cho chủ đầu tư tham gia cải tạo chung cư cũ, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung vào Khoản 2, Điều 64 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) việc cho phép chủ đầu tư các dự án cải tạo chung cư cũ sau khi tái định cư cho cư dân các tòa chung cư cũ được bán số căn hộ còn lại của dự án.
Chính sách cải tạo chung cư cũ của thành phố được thực hiện từ năm 2005 nhưng đến nay mới có 19 dự án được hoàn thành, 14 dự án đang triển khai. Trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay có gần 1.580 nhà chung cư cũ, trong đó có hơn 1.200 nhà thuộc 76 khu chung cư và hơn 300 chung cư cũ độc lập. Khu tập thể Nghĩa Tân là một trong những khu tập thể, chung cư cũ có tính khả thi cao được Hà Nội thực hiện cải tạo, xây dựng lại. |
Hà Nội: Di dời người dân khỏi chung cư cũ nguy hiểm trong quý 1/2023 | |
Hà Nội cải tạo chung cư cũ đạt 1,2% | |
Hải Phòng khẩn cấp thực hiện các biện pháp chống đỡ khu chung cư cũ Vạn Mỹ |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại