Chủ nhật 24/11/2024 20:41

Hà Nội không nên nóng vội trong việc cấp "thẻ xanh" cho người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Liên quan đến vấn đề cấp "thẻ xanh" cho người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế cảnh báo: người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin vẫn có thể nhiễm Covid-19; Hà Nội không nên nóng vội trong việc cấp thẻ xanh.

Chiều 22-9, tại buổi giao ban phòng chống dịch Covid-19 của Sở Chỉ huy Phòng dịch Covid-19 Thành phố Hà Nội, PGS-TS. Hoàng Đức Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định: Hà Nội đang kiểm soát tốt dịch, tỉ lệ tản mát trong cộng đồng, số ca mắc thấp, số bệnh nhân mắc giảm đi rất nhiều, vẫn khu trú ở các địa bàn trọng điểm-nơi có ổ dịch cũ, nhiều ca F0... Tuy nhiên, Hà Nội nằm trong khu vực vùng Thủ đô phải có giao lưu về kinh tế văn hóa xã hội nên dịch còn kéo dài, chắc chắn ảnh hưởng đến khả năng chống dịch. Các tỉnh khác vẫn diến biến phức tạp đặc biệt là miền Nam. Chắc chắn thời gian tới vẫn có các ca trong cộng đồng-nhất là khi đã đủ điều kiện nới lỏng giãn cách xã hội thì chắc chắn sẽ có ca F0.

Theo TS. Hoàng Đức Hạnh, Hà Nội đã làm đúng chỉ đạo, đúng hướng của Trung ương. Định hướng là chúng ta vẫn phải kiên quyết đường lối kiểm soát dịch để giảm tử vong vì Hà Nội vẫn còn khả năng đáp ứng (khu cách ly, giường điều trị). Vẫn xử lý triệt để ổ dịch, giảm số mắc, giảm tử vong và vẫn phải xét nghiệm nhưng phải sớm, nhanh, tập trung và đánh giá nguy cơ phát hiện ca bệnh sớm để xử lý kịp thời không để phát sinh ổ dịch. Khoanh vùng hẹp phải có sự kết hợp của chuyên môn, dịch tễ, CDC phải đánh giá để khoanh vùng cho phù hợp, không có yếu tố địa lý nhưng khoanh vùng hẹp nhất, đảm bảo an toàn.

Cùng đó, Hà Nội cần chủ động đánh giá nguy cơ bằng giám sát trọng điểm thứ nhất là các đối tượng khai báo ho sốt. Vừa qua Hà Nội phát hiện được số lượng lớn-đây là dấu hiệu chỉ điểm vì người bình thường mắc mà vẫn bình thường thì không phát hiện được.

Bên cạnh đó, đề nghị tập trung vào những đối tượng nguy cơ cao, khu vực nguy cơ cao (có ổ dịch cũ) hoặc khu vực sản xuất, khu công nghiệp. Cần xây dựng cụ thể và có đánh giá lại 2 tuần/lần, xem tỉ lệ F0 ở những ổ này là bao nhiêu, mắc mới bao nhiêu để chủ động giãn cách nới lỏng những hoạt động gì và có những biện pháp tiếp theo cho phù hợp.

Về vấn đề tiêm vắc-xin, TS. Hoàng Đức Hạnh cho biết, khi tiêm được 2 mũi ở cộng đồng thì các biện pháp sẽ chắc chắn hơn còn hiện đang giai đoạn trì hoãn để có đủ vắc-xin. Quan niệm một số chuyên gia là sống chung với virus để có biện pháp phòng chống dịch.

Đối với nhiều ý kiến đề xuất cấp thẻ xanh để người tiêm 2 mũi được đi lại thì hiện Bộ Y tế chưa chỉ đạo nhưng TP cần cân nhắc kỹ vì người tiêm mới giảm được nguy cơ nặng lên khi mắc chứ vẫn có thể nhiễm virus và truyền bệnh cho người khác, nên nếu để họ tiêm rồi đi tự do không có điều kiện đi kèm sẽ nhiều rủi ro. Sau 2 tháng nữa Hà Nội tiêm mũi 2 thì sẽ khác, vì thế cần cân nhắc tính toán kỹ các hệ quả xảy ra khi áp dụng thẻ xanh vì hiện nay vẫn yêu cầu người dân không có việc cần thiết không phải ra đường, không kiểm tra giấy đi đường, TS. Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.

Hà Nội không nên nóng vội trong việc cấp "thẻ xanh" cho người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin
PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phát biểu tại buổi giao ban Sở Chỉ huy phòng dịch Covid-19 TP Hà Nội chiều 22-9 (ảnh V.H)

PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế đánh giá dịch bệnh tại Hà Nội không bùng phát là thành công. Trước khi giãn cách Hà Nội có nhiều ổ dịch tại các quận huyện nhưng giờ tập trung nhỏ, gọn; số ca mắc không lớn đặc biệt là ca cộng đồng. Tuy nhiên, để trở về "Zero Covid" là khó vì dù giãn cách lâu như vậy nhưng vẫn còn ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng, chúng ta phải cảnh giác.

Dịch đi vào chuỗi lây nhiễm như lái xe, chợ đầu mối, người người bán hàng online có thể giao dịch từ các vùng khác về chứ không phải chỉ trong TP. Dù Hà Nội kiểm soát người từ vùng dịch về nhưng không thể kiểm soát 100%. Tình hình dịch ở Việt Nam hiện vẫn hết sức phức tạp đặc biệt TP Hồ Chí Minh nên trở về "Zero" là rất khó.

Chúng ta đang nới lỏng và có khái niệm bình thường mới, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng phương án nới lỏng giãn cách có tiêu chí: Kiểm soát dịch bệnh; số giường bệnh đặc biệt ICU đủ tiếp đón bệnh nhân và tiêu chí tiêm vắc-xin. Bộ Y tế đã xây dựng để xin ý kiến các bộ ngành để phù hợp nới lỏng cho các tỉnh, TP.

Về vấn đề cấp thẻ xanh cho người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, PGS-TS. Trần Đắc Phu cho biết, có những loại khi tiêm 2 mũi thì có miễn dịch gần như 100%, ví dụ như vắc-xin sởi thì miễn dịch 99% và miễn dịch suốt đời; bại liệt cũng vậy nhưng vắc-xin Covid-19 được phê duyệt trong tình trạng khẩn cấp, miễn dịch chưa xác định được rõ vì có vắc-xin lúc đầu tiên công bố trên 90% nhưng sau 1 thời gian lại nói rằng miễn dịch giảm.

"Nhưng chắc chắn tiêm xong 1 mũi miễn dịch còn yếu, sau 14 ngày mới có miễn dịch; phải tiêm đủ 2 mũi mới có miễn dịch đẻ bảo vệ tốt hơn nhưng chỉ giảm sự lây nhiễm chứ không hoàn toàn đảm bảo người tiêm không bị lây nhiễm. Các nghiên cứu cho thấy nồng độ virus của người tiêm và người không tiêm bằng nhau nên tỉ lệ lây nhiễm cho người khác giống nhau. Chỉ khác là người tiêm không có triệu chứng và không tử vong. Các nước khi tiêm mong muốn những người nhiễm không tử vong và chấp nhận khái niệm bệnh đặc hữu như virus cúm mùa, nhưng vẫn phải thực hiện 5K", TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Như vậy người tiêm chủng vẫn có thể bị mắc nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nhưng vẫn có thể lây nhiễm cho người khác, đặc biệt lây cho trẻ em, đối tượng chưa được tiêm; lây cho người già, người có bệnh nền-những người này chưa được tiêm thì nhiễm phải nhập viện và nguy cơ tử vong; người tiêm vắc-xin đi đến vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp lại lây nhiễm cho người chưa tiêm vắc-xin cho người ở đó thì dễ bùng phát dịch. Ở Việt Nam hiện chưa có những vùng có tỉ lệ tiêm chủng cao.

Theo TS. Trần Đắc Phu, ở Hà Nội nếu mở cửa, người dân ở các tỉnh vào chưa được tiêm lại mang virus và lại lây cho người già, người bệnh nền. Bộ Y tế đang xem xét, xin ý kiến để có hướng dẫn cho người đã tiêm chủng và xin ý kiến để nằm trong tổng thể chung giữa các tỉnh có tỉ lệ tiêm chủng cao với tỉnh tiêm thấp; giữa nhóm cộng đồng tiêm cao với nhóm tiêm thấp. Phải hết sức lưu ý nơi nào có tỉ lệ cao cũng phải nằm trong tổng thể cả nước, đặc biệt lưu ý với người già, bệnh nền, trẻ em.

"Đặc biệt nếu tiêm chủng 1 mũi thì không có ý nghĩa gì khi cấp thẻ xanh. Có nơi tiêm 1 mũi cấp thẻ vàng, tiêm 2 mũi cấp thẻ xanh. Như TP Hồ Chí Minh đề nghị cấp thẻ xanh do tình hình quá bức xúc quá về kinh tế, an sinh xã hội, còn Hà Nội không nên nóng vội vì phải giữ thành quả, vì có thể lây cho trẻ em khi đi học trở lại, người già có bệnh nền sẽ rất khó khăn. Hà Nội không nên nóng vội trong việc cấp thẻ xanh, tiêm được 1 mũi chưa cao miễn dịch chưa có. Đề nghị Hà Nội tiếp tục tiêm mũi 2 cho đạt tỉ lệ cao. Tiêm làm sao đạt được tất cả người dân trên địa bàn TP để đạt được miễn dịch cộng đồng", TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Kết luận buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, từ ý kiến chia sẻ của các chuyên gia y tế cho thấy, việc tiêm vắc-xin là cần thiết để tạo miễn dịch cộng đồng, song không vì thế mà người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin lại chủ quan, lơ là.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động