Chủ nhật 24/11/2024 14:51

Khôi phục lại hoạt động vận tải sau giãn cách xã hội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang từng bước khôi phục, xây dựng phương án mở lại các loại hình vận tải hành khách công cộng và liên tỉnh theo từng giai đoạn, phù hợp với các quy định về kiểm soát dịch bệnh theo các hướng dẫn liên quan của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế.

Quét QR code qua camera tại các chốt kiểm dịch

Nhằm mang lại hiệu quả chống dịch và thuận tiện trong tham gia giao thông ra vào TP. CA TP Hà Nội đang xây dựng, triển khai hệ thống camera quét mã tự động tại các chốt kiểm soát để nâng cao hiệu quả kiểm soát dịch bệnh, kịp thời phát hiện các trường hợp không đủ điều kiện lưu thông.

Hệ thống camera quét mã tự động là phần mềm được xác thực bởi hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể xác định được các trường hợp F0, F1 và những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine để hạn chế hoặc cho phép công dân nhanh chóng qua chốt, góp phần đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả của TP.

Camera được sử dụng để quét mã QR thay cho khai báo y tế tại chỗ và bổ sung thêm thông tin thường trú, lưu trú, tạm trú của người ra, vào Thủ đô. Nhờ đó, việc kiểm soát tại chốt kiểm dịch sẽ thuận lợi, an toàn hơn cho cả người dân và các thành viên tổ công tác.

Đại diện Tổ công tác Chốt số 2 thông tin: Nếu người dân đã cài đặt và khai báo đầy đủ, sẽ có mã QR để qua chốt. Khi qua chốt, người dân chỉ cần giơ mã QR có sẵn trong điện thoại vào webcam kết nối với máy tính, thì sẽ hiện ra tên, tuổi, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh, nơi đi, nơi đến. Lúc đó, cán bộ Tổ công tác chỉ cần kiểm tra giấy đi đường, giấy tờ tuỳ thân là tài xế có thể qua chốt.

Khôi phục lại hoạt động vận tải sau giãn cách xã hội

Xe buýt Hà Nội sẽ được hoạt động trở lại sau thời gian tạm dừng do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tại chốt kiểm dịch trên đường Nguyễn Văn Cừ - đầu cầu Chương Dương là một trong những điểm rất dễ ùn tắc vì lượng phương tiện ra vào TP rất lớn. Việc triển khai quét mã RQ bằng hệ thống camera mới lắp đặt và cả trên điện thoại của cán bộ chiến sĩ trực chốt cũng diễn ra khá thuận lợi. Chỉ mất khoảng 2 đến 5 giây để quét mã QR trên điện thoại của công dân là hệ thống đã nhận diện và cung cấp đầy đủ thông tin của mỗi người dân khi qua chốt.

Chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều kịch bản ứng phó trong tình hình mới là cần thiết, để tránh tình trạng thực hiện thiếu thống nhất, gây mệt mỏi, tốn kém cho người dân và doanh nghiệp.

Sẵn sàng kích hoạt lại dịch vụ vận tải bằng xe buýt

Ông Đào Việt Long, Phó GĐ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của các cơ quan chức năng, đơn vị này đang tập trung xây dựng phương án mở lại các loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách từ ngày 21 - 9, Sở đang xây dựng bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt.

Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đưa ra các tiêu chí yêu cầu về mức độ an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo từng giai đoạn khác nhau sau thời điểm giãn cách.

Theo đó, đối với hành khách, cần thực hiện nghiêm túc thông điệp “5K”; khai báo y tế điện tử, hạn chế nói chuyện, ăn uống trong suốt chuyến đi và chủ động khai báo nếu xuất hiện các triệu chứng như ho, sốt, khó thở.

Với lái xe và nhân viên phục vụ trên xe, nhân viên phục vụ tại nhà chờ xe buýt nhanh (BRT) phải được đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch cả trước, trong và sau khi kết thúc thời gian làm việc theo đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP. Hà Nội.

Về tiêu chí về lộ trình, các tuyến hoạt động trong khu vực vùng xanh, sẽ chạy theo lộ trình đã được cơ quan Nhà nước phê duyệt. Các tuyến buýt chạy liên vùng sẽ có điều chỉnh để tránh những vùng đỏ nếu dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Về thời gian khôi phục lại hoạt động xe buýt, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội dự kiến giai đoạn 15 ngày sau thời điểm giãn cách xã hội, kể từ 0 giờ ngày 21 - 9 đến hết ngày 5 - 10.

Tần suất hoạt động của xe buýt không quá 50% công suất. Xe chỉ được đáp ứng không quá 50% số chỗ (ngồi, đứng) trên xe và không quá 20 người tại cùng một thời điểm trên xe (kể cả lái xe và nhân viên phục vụ trên xe).

Giai đoạn sau thời điểm giãn cách 15 ngày (kể từ ngày 6 - 10): Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và tại nhà chờ xe buýt nhanh và hành khách phải có “Thẻ xanh Covid” hoặc “Thẻ vàng Covid” và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ.

Trong giai đoạn bình thường mới, lái xe, nhân viên phục vụ xe buýt và hành khách phải có "thẻ xanh Covid". Xe buýt được hoạt động 100% công suất và không yêu cầu giãn cách hành khách.

Đáng lưu ý, tại bộ tiêu chí này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đưa ra các tiêu chí “thẻ xanh Covid” và “thẻ vàng Covid”.

Cụ thể: “thẻ xanh Covid” được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử cho các cá nhân đáp ứng một trong các điều kiện sau: Đã tiêm mũi vaccine thứ 2 được 14 ngày và không quá 12 tháng hoặc đã được tiêm 1 mũi vaccine (đối với các loại vaccine chỉ cần tiêm 1 mũi như vaccine Janssen của Johnson & Johnson) được 14 ngày và không quá 12 tháng; người nhiễm SARS-CoV-2 khỏi bệnh, đã hoàn thành thời gian cách ly trong vòng 21 ngày tính từ khi khỏi bệnh.

“Thẻ vàng Covid” được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử cho các cá nhân đáp ứng các điều kiện là đã tiêm 1 mũi đối với vắc xin có yêu cầu 2 mũi được 14 ngày. Đối với các cá nhân không có thông tin dữ liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử (sổ sức khoẻ điện tử) có thể chứng minh bằng các giấy tờ có liên quan như: giấy chứng nhận tiêm chủng bảo đảm điều kiện của thẻ xanh, thẻ vàng.

Đăng Quý
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động