Hà Nội: Khó khăn trong việc di dời trang trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Hà Nội khó khăn trong việc di dời trang trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. |
Cần có quỹ đất riêng cho chăn nuôi
Theo quy định của Luật Chăn nuôi, các địa phương có 5 năm để thực thi và đến ngày 1/1/2025 các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của TP, thị xã, thị trấn, khu dân cư sẽ phải di dời. Như vậy, không ít trang trại chăn nuôi của HTX trên cả nước sẽ phải di dời ra khỏi các khu dân cư. Nhưng, việc chuyển trang trại, cơ sở chăn nuôi là không hề đơn giản đối với các HTX vì liên quan đến nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.
Ông Trần Văn Chiến - Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông (Hà Nội) cho biết để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, ngay từ khi đi vào chăn nuôi theo quy mô lớn, HTX đã chủ động khai hoang khu đất ở xa khu dân cư và được cấp phép.
Nhưng khó khăn đặt ra là khi có cơ sở hạ tầng như đường sá hoàn thiện, không ít người dân lại đến sinh sống tập trung gần cơ sở chăn nuôi. Lúc này lại xảy ra tình trạng người dân không thoải mái với vấn đề về môi trường của trang trại chăn nuôi nên có ý kiến yêu cầu HTX phải chuyển trang trại.
Trong Luật Chăn nuôi có đưa ra khái niệm về đơn vị vật nuôi, mật độ nuôi. Đây là những khái niệm mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng việc cụ thể hoá lại bộc lộ những điểm chưa phù hợp với thực tiễn.
Theo Luật Chăn nuôi: Đơn vị vật nuôi là đơn vị quy đổi của gia súc, gia cầm theo khối lượng sống, không phụ thuộc vào giống, tuổi và giới tính. Mỗi đơn vị vật nuôi tương đương với 500kg khối lượng vật nuôi sống. Mật độ chăn nuôi được tính bằng tổng số đơn vị vật nuôi trên 01 ha đất nông nghiệp. Việc xác định quy mô chăn nuôi phải căn cứ vào mật độ chăn nuôi. Chính phủ quy định mật độ chăn nuôi cho từng vùng căn cứ vào chiến lược phát triển chăn nuôi, công nghệ chăn nuôi, môi trường sinh thái.
Ngoài ra, trong Luật Chăn nuôi và Nghị định 13 hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi có nêu về khái niệm khu dân cư nhưng chưa rõ ràng nên người dân, HTX còn lúng túng trong quá trình đầu tư trang trại vì không biết khu vực nào được chăn nuôi. Còn ở địa phương nhất là các TP lớn như Hà Nội đều gặp khó khăn trong quy hoạch đất cho các HTX chăn nuôi vì đang trong quá trình đô thị hóa, tái cơ cấu nông nghiệp, không gian chăn nuôi đang hẹp và ngày càng hẹp dần hơn.
Theo các chuyên gia, muốn sản xuất bền vững thì cần quy hoạch lại sao cho hợp lý và khoa học. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần phải quan tâm đến nguyện vọng của người nông dân, thành viên HTX vì họ chính là đối tượng bị tác động trực tiếp.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị: Việt Nam với diện tích không lớn nhưng mật độ chăn nuôi đang ở mức cao: Đầu lợn thứ 7 thế giới, thủy cầm thứ nhì... Hiện chúng ta có khoảng 27 triệu ha đất nông nghiệp nhưng không có quỹ đất nào dành cho đất chăn nuôi. Chúng tôi đang kiến nghị phải có một chương nói về đất dành cho chăn nuôi. Đất cho trang trại cho chăn nuôi tập trung phải chỉ ra được. Phải có một quỹ đất dành cho chăn nuôi.
Ngành nông nghiệp không đơn độc trong cuộc chiến di dời chăn nuôi
Ngành chăn nuôi nước ta thời gian qua luôn được duy trì được mức tăng trưởng trung bình 5 - 6%/năm, tạo sinh kế gần 10 triệu hộ gia đình trên cả nước. Chăn nuôi hiện đóng góp khoảng 1/4 vào GDP ngành nông nghiệp. Đóng góp quan trọng là vậy nhưng rõ ràng ngành chăn nuôi đang đứng trước rất nhiều thách thức từ cả thị trường, lẫn những yếu tố nội tại.
Thực chất, chăn nuôi vốn hình thành từ tập quán của người dân sau đó được nâng lên thành các mô hình trang trại của người dân, HTX và doanh nghiệp. Nhưng nhìn chung, quy mô các trang trại chăn nuôi ở nước ta chủ yếu là nhỏ lẻ, nhất là ở những địa bàn nông thôn, hay ở những địa phương chuyển từ làng lên phố…
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam đánh giá: Quy định di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư như là một cuộc đại "di dời" của ngành nông nghiệp. Nhiều địa phương vẫn đang bàng quan, vẫn đang lo giải quyết giá thức ăn thế nào, vấn đề thị trường ra sao. Tuy nhiên việc di dời các sơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi là vấn đề vô cùng lớn. Vấn đề này một mình ngành nông nghiệp không thể giải quyết được.
Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán đã không còn phù hợp, nhất là trong điều kiện có nhiều dịch bệnh và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường ngày càng đòi hỏi cao hơn. Vì vậy việc di dời các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư là xu thế tất yếu. Đây cũng là cơ hội để nước ta hình thành một nền chăn nuôi lớn, hiện đại, có thể tham gia nhiều hơn vào chuỗi sản xuất thực phẩm của thế giới.
Chiến lược phát triển chăn nuôi hiện đại - công nghiệp và chuyên nghiệp đã có. Vấn đề là cách thức tổ chức triển khai thực hiện. Di dời không chỉ đơn thuần là chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Mà đây cũng là cơ hội để chính quyền các địa phương xác định rõ đặc trưng, lợi thế cạnh tranh của từng vùng để điều chỉnh, tập trung nguồn lực và để bắt đầu hình thành nên ngành chăn nuôi bền vững, qua đó nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi để từ đó mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho bà con nông dân.
Đẩy mạnh tuyên truyền Đề án 06 tới các khu dân cư, hộ gia đình | |
Làm giàu từ chăn nuôi trong thời điểm mất giá | |
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại