Đẩy mạnh tuyên truyền Đề án 06 tới các khu dân cư, hộ gia đình
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐể góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 06, phường Hàng Bồ chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Qua đó, giúp người dân hiểu được những lợi ích của việc thực hiện Đề án. Ảnh: Tuyết Nhi |
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).
Xác định rõ vai trò, trách nhiệm khi được Chính phủ chọn làm điểm thực hiện Đề án 06 trên cả nước, lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành và người dân, đảm bảo Đề án triển khai hiệu quả.
Đến thời điểm này, Đề án 06 đã được TP Hà Nội triển khai cơ bản đúng tiến độ, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, được Nhân dân ủng hộ và tin tưởng. Những kết quả bước đầu đã khẳng định việc triển khai Đề án 06 là đúng đắn, góp phần tạo bước đột phá trong chuyển đổi số. Để đạt được kết quả đáng mừng trên có sự nỗ lực triển khai của các địa phương. Phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm là một điểm sáng.
Theo báo cáo của UBND phường Hàng Bồ, triển khai các Kế hoạch của TP Hà Nội và quận Hoàn Kiếm về việc thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Công an phường Hàng Bồ đã tham mưu UBND phường xây dựng và triển khai Kế hoạch để tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình địa bàn.
Theo đó, UBND phường Hàng Bồ đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo và các Tổ công tác tại từng Tổ dân phố thực hiện đề án 06 có trách nhiệm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng nhân khẩu” để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện đăng ký dịch vụ công trực tuyến, kích hoạt định danh điện tử trên phần mềm VNEID, đồng thời ghi nhận các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Ông Nguyễn Sơn Hải - Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ cho biết, việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06 có vai trò hết sức quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải cách thủ tục hành chính, góp phần nâng cao Chỉ số cải cách hành chính của phường, đảm bảo hiệu quả công tác an sinh xã hội. “Việc triển khai thực hiện Đề án 06 đòi hỏi phải huy động sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt, nêu cao tinh trách nhiệm, sự chỉ đạo, lãnh đạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân là yếu tố quyết định" - ông Nguyễn Sơn Hải nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Sơn Hải, để góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 06 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TP Hà Nội và Công an quận Hoàn Kiếm, Công an phường Hàng Bồ đã tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo, tích cực chủ động triển khai thực hiện từng nội dung của Đề án theo lộ trình, bảo đảm phát huy hiệu quả, với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”.
Song song với đó, lực lượng Công an phường thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện Đề án 06 tới tận các khu dân cư, hộ gia đình bằng nhiều hình thức. Qua đó, giúp người dân hiểu được những lợi ích của việc thực hiện Đề án 06, về những giá trị, lợi ích khi sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử và đăng ký tài khoản định danh điện tử, từ đó tích cực tham gia hưởng ứng.
Cùng với đó, Công an phường Hàng Bồ còn thường xuyên thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung thông tin công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo đúng, đủ, sạch, sống. Đồng thời, phối hợp với Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Hoàn Kiếm tổ chức cấp căn cước công dân lưu động cho người dân trên địa bàn vào ngày nghỉ cuối tuần, đối với những trường hợp già yếu, ốm đau đi lại khó khăn, lực lượng Công an đã đến tận nhà làm các thủ tục thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân có gắn chíp điện tử và cấp mã định danh điện tử.
Trao đổi với phóng viên Pháp luật & Xã hội, Trung tá Hà Duy Mạnh - Trưởng Công an phường Hàng Bồ cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực trong triển khai thực hiện Đề án 06, Công an phường đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của UBND phường làm tốt công tác tham mưu cho tổ công tác của phường, triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đề án 06 đặt ra. Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức (qua các buổi họp, trên hệ thống loa phát thanh, băng rôn, qua các nhóm zalo) nhằm nâng cao nhận thức để các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp và Nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án 06.
“Lực lượng Công an phường đã chú trọng đẩy mạnh tuyên tuyền phổ biến, hướng dẫn giúp người dân hiểu rõ những quy định, ý nghĩa, lợi ích của việc cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử và mã định danh điện tử; những quy trình, thủ tục, các bước thu nhận hồ sơ, kê khai, cập nhật dữ liệu thông tin cá nhân” - Trung tá Hà Duy Mạnh nhấn mạnh.
Theo UBND TP Hà Nội, đơn vị sẽ tổ chức Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến". Đối tượng dự thi là cho công dân Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, hiện đang sinh sống và làm việc trên địa bàn TP Hà Nội. Theo Ban Tổ chức, cuộc thi được tổ chức nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân về ý nghĩa của việc triển khai thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06) đến các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và người dân hiểu. Cùng với đó, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến; từ đó tạo đồng thuận để người dân tích cực tham gia, sử dụng ứng dụng VNelD, dịch vụ công trực tuyến trong các giao dịch hàng ngày. Nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật về định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến của cán bộ, công chức, viên chức và người dân. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại