Ảnh
Hà Nội dừng các dịch vụ không thiết yếu: Siêu thị đảm bảo cung ứng đủ thực phẩm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngay trong chiều 18-7 khi công điện khẩn của UBND TP Hà Nội phát đi về việc dừng các dịch vụ không thiết yếu, người dân đã đổ xô đi tích trữ thực phẩm tại các siêu thị. Tuy nhiên, Hà Nội khẳng định cung ứng đủ lương thực, thực phẩm cho toàn dân.
|
Kể từ 0g ngày 19-7, thành phố Hà Nội áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn địa bàn. Cụ thể, thành phố yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. |
|
Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn tổ chức sắp xếp, chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho Nhân dân trên địa bàn. |
|
Ngay sau khi công điện khẩn của UBND TP Hà Nội phát đi, trong tối 18-7, người dân Hà Nội đã đổ xô tới các siêu thị nhằm tích trữ đồ ăn trong thời gian dài khi nghĩ rằng sẽ bị hạn chế ra ngoài khi không có việc cấp thiết. |
|
Ghi nhận của PV trong tối 18-7 tại siêu thị Vinmart Thăng Long, người dân bủa tới để tích trữ các thực phẩm, đồ khô. |
|
Tuy đã vào giờ muộn nhưng phần lớn hàng hoá thực phẩm vẫn còn rất nhiều trên các kệ hàng. |
|
Với các mặt hàng thịt cá tươi sống, do đã ở thời điểm cuối ngày nên siêu thị không bổ sung đầy thêm ở các kệ đã hết. |
|
Anh Nguyễn Văn Dũng (ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho biết: "Cuối tuần, tôi thường tranh thủ đi siêu thị để mua sẵn thực phẩm cho vài ngày tới. Tuy nhiên, tối nay nhiều người đã lo lắng thiếu hụt thực phẩm do ảnh hưởng của dịch nên phần lớn các mặt hàng đã được mua sạch. Tôi thì không mua ôm dồn lương thực, ở lần trước, Hà Nội tuy phong toả nhưng vẫn cung ứng đủ thực phẩm nên không cần thiết phải mua tích trữ". |
|
Ghi nhận tại siêu thị BigC lúc 21g30, người dân tới mua đồ vẫn phải xếp hàng rất đông đúc. |
|
Chị Nguyệt Ánh (phường Trung Kính, Cầu Giấy) cho biết: "Tôi chỉ đi siêu thị mua đồ như những ngày cuối tuần khác, không có ý định tích trữ gì thêm. Kinh nghiệm từ lần giãn cách xã hội đầu tiên cho thấy Hà Nội đủ sức cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu ít nhất trong 1-2 tháng, đủ thời gian cho việc nới lỏng giãn cách". |
|
Mặc dù đã ở thời gian cuối ngày nhưng một số sản phẩm thịt tươi sống, đông lạnh, thịt mát... vẫn được bổ sung để đáp ứng nhu cầu mua của người dân. |
|
Quầy hàng rau củ quả cơ bản vẫn ở mức khá đầy đủ với giá cả bình ổn. |
|
Trong khi quầy rau củ nông sản địa phương đã hết, những kệ rau xanh VietGap, Organic vẫn còn rất nhiều và liên tục được bổ sung thêm mới. |
|
Do sức mua quá lớn, nhiều sản phẩm tươi sống đã ở mức hết hàng và không bổ sung thêm. |
|
Các loại hàng hoá được đảm bảo cung ứng đầy đủ, người dân có thể yên tâm để không phải mua tích trữ. |
|
Hiện trên địa bàn TP có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 cuối, 2.382 điểm bán hàng bình ổn giá cùng với hàng vạn cửa hàng tạp hóa để phục vụ nhu cầu của người dân. |
|
Hà Nội cũng bố trí sẵn sàng 1.920 kho hàng tại các quận, huyện và các điểm bán hàng lực động khi cần thiết. |
|
Theo chỉ thị mới của UBND TP Hà Nội, các siêu thị sắp xếp, bố trí các quầy hàng phù hợp với quy mô, diện tích, điều chỉnh giảm số lượng khách trong cùng thời điểm, đảm bảo thông điệp 5K, hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần trong khi giao dịch; khuyến khích mô hình giao hàng trực tuyến. |
Chiều ngày 18-7, Sở Công thương đã có buổi làm việc với các hệ thống phân phối trên địa bàn về chuẩn bị hàng hóa phòng chống dịch. Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn đã tăng lượng dự trữ khoảng 30-50% lượng hoàng hóa thiết yếu. Các doanh nghiệp cũng bố trí phương tiện, nguồn nhân lực để vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán hàng xuyên đêm. Theo Sở Công thương Hà Nội hiện các doanh nghiệp thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương án 5 của Sở, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường. Lượng hàng hóa dự trữ cho chương trình bình ổn thị trường năm 2021 hiện nay là 5.698 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng đề nghị các hệ thống phân phối chủ động nắm sát tình hình dịch, chỉ đạo của Trung ương và TP để có phương án chi tiết về đảm bảo nguồn cung, điều phối hàng phục vụ người dân. Tuyệt đối không để thiếu hàng cục bộ, kiểm soát chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, lưu thông hàng hóa thông suốt. Với các biện pháp thiết thực, Hà Nội khẳng định cung ứng đủ lương thực thực phẩm cho người dân trong 3 tháng để phòng chống dịch COVID-19. |
Khánh Huy