Hà Nội: Điều chỉnh giá nước sạch bảo đảm an sinh xã hội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội điều chỉnh giá nước sạch bảo đảm an sinh xã hội, có chính sách riêng để bảo đảm đời sống cho các gia đình chính sách, hộ nghèo và người dân ở khu vực có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn cần được tiếp cận và sử dụng nước sạch. |
Giá tiêu thụ nước sạch tại Hà Nội thực hiện theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND và Quyết định số 39/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013, đến thời điểm năm 2023 đã thực hiện được 10 năm
Về cơ chế chính sách đã thay đổi, giá các yếu tố đầu vào đã tăng nên giá nước theo quy định tại Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND và số 39/2013/QĐ-UBND đến thời điểm hiện nay đã không còn phù hợp chi phí sản xuất kinh doanh theo quy định của các công ty cấp nước.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, TP đang chuyển dần từ khai thác nước ngầm sang khai thác nguồn nước mặt để sản xuất nước sạch đảm bảo chất lượng cung ứng cho người dân.
Đối với các nhà máy nước mặt đang vận hành, do được đầu tư theo công nghệ mới, chi phí khấu hao, chi phí tài chính còn cao nên với giá nước không được điều chỉnh thì nhà đầu tư gặp khó khăn trong thanh toán các chi phí khai thác, vận hành; Đồng thời gặp khó khăn khi đàm phán huy động vốn để mở rộng, nâng công suất.
Theo đó, việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn Thủ đô Hà Nội xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Trần Thanh Tâm, Sở Tài chính và UBND TP xác định việc điều chỉnh giá nước sạch là nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân cũng như các doanh nghiệp, nên trong quá trình thực hiện UBND TP cũng đã có các biện pháp thận trọng và có các chỉ đạo sâu sát.
Ông Trần Thanh Tâm cho biết, trong phương án giá nước, để đảm bảo đời sống của người dân, TP đã không quyết định tăng giá nước đột ngột mà thực hiện tăng theo lộ trình trong vòng 2 năm. Đảm bảo trong khoảng thời gian này có thể đáp ứng được yếu tố đầu vào cấu thành giá nước. Điều chỉnh kịp thời đảm bảo tính thị trường trong điều chỉnh giá nước.
Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, hiện TP đang sử dụng 2 nguồn nước là nước mặt và nước ngầm. Hiện nay, Hà Nội trung bình đang khai thác 770.000 m3 ngày/đêm đối với nước ngầm. Theo quy hoạch nước trên địa bàn đến năm 2025, Hà Nội sẽ giảm khai thác còn 615.000 m3 ngày/đêm. Đến năm 2050 khoảng 413.000 m3 ngày/đêm.
Theo ông Trương Việt Dũng, chi phí đầu tư nguồn nước mặt qua rà soát thống kê và theo định mức đơn giá tính toán thì hiện nay đang cao hơn chi phí khai thác nước ngầm. Do đó điều chỉnh giá nước để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư khi đầu tư nguồn chi phí khai thác nước mặt cho phù hợp.
"Trong 10 năm qua giá nước ổn định, không thay đổi. TP tính toán điều chỉnh giá nước từ năm 2019 nhưng chưa thực hiện để đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19. Đến năm 2022, trong xu thế bắt buộc phải điều chỉnh giá nước để đảm bảo chi phí đầu vào và đầu ra, các đơn vị đã nghiên cứu rất thận trọng. Phương án giá đã tính đến chi phí hỗ trợ hộ nghèo, các đối tượng an sinh xã hội và so sánh chi phí mức sinh hoạt dưới 10m3 thì chi phí giá nước sạch của Hà Nội đang thấp hơn một số tỉnh thành như Quảng Ninh, Điện Biên” - ông Trương Việt Dũng cho hay.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, việc sắp xếp bảng giá có thể hiện chính sách an sinh xã hội thông qua cơ chế hỗ trợ. TP Hà Nội giữ ổn định mức giá hiện hành 5.973 đồng/m3 cho 10m3 nước sạch đầu tiên đối với hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và người dân ở khu vực có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn cần được tiếp cận và sử dụng nước sạch là một chủ trương đáng ghi nhận.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng định hướng phát triển: "Quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu...”. Tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII đã đưa ra chỉ tiêu đến năm 2025: “Tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch 100%”. Tương tự, ngày 28/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục. Trong đó, quan điểm, chỉ đạo, các giải pháp cụ thể: “… Ưu tiên đầu tư công trình cấp nước nhằm cung ứng đầy đủ, liên tục và bảo đảm chất lượng nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân, nhất là các khu vực khô hạn thiếu nước, nhiễm mặn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo…”. Có thể thấy, trong giai đoạn này, Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội đều hướng tới phục vụ người dân, mở rộng phạm vi phục vụ cấp nước, để mọi người dân đô thị và nông thôn đều được tiếp cận, sử dụng nước sạch. Đi đôi với đó là quản lý, khai thác nguồn tài nguyên nước hiệu quả, bền vững, hợp lý, tiết kiệm... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại